Bữa cơm nghĩa tình từ trường Hàm Nghi đến Việt kiều ở khu cách ly

07/04/2020 06:36
Trần Phương
(GDVN) - Nhiệm vụ sắp hoàn thành, các thầy cô giáo lại thấy nhớ học trò đến da diết, mong ngày gần nhất trường Hàm Nghi lại đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 01/4/2020, đường phố mấy hôm nay đã vắng vẻ, người dân chỉ ra ngoài khi thấy thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, bên trong bếp ăn Trường Tiểu học Hàm Nghi (Đông Hà, Quảng Trị) vẫn rôm rả tiếng nói cười của chị em cấp dưỡng và các thầy cô giáo trong trường.

Đã mười mấy ngày qua, các thầy cô giáo cùng nhân viên cấp dưỡng của Trường Hàm Nghi đều đặn chuẩn bị 438 suất cơm ngon cho công dân Việt Nam sinh sống tại nước bạn Lào về nước hiện cách ly tại Phân hiệu Đại học Huế.

Ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, ba bữa cơm nóng hổi được đều đặn chuẩn bị cho những người con xa Tổ quốc về quê mẹ cách ly vì dịch bệnh Covid-19.

Các cô giáo tham gia chuẩn bị bữa cơm cho các kiều bào đang cách ly. Ảnh trường Hàm Nghi
Các cô giáo tham gia chuẩn bị bữa cơm cho các kiều bào đang cách ly. Ảnh trường Hàm Nghi

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Hàm Nghi cho biết:

“Trường Tiểu học Hàm Nghi cách khu cách ly là Phân viện Đại học Huế ở Quảng Trị khoảng 4 km. Do vậy trường được tỉnh giao nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho các kiều bào.

Thầy Hiệu phó trường làng sáng tạo bồn rửa tay di động chờ học sinh tới trường
Thầy Hiệu phó trường làng sáng tạo bồn rửa tay di động chờ học sinh tới trường

Lúc nhận nhiệm vụ nấu ăn phục vụ ngày 3 bữa mỗi bữa hơn bốn trăm suất, các nhân viên của nhà trường biết là sẽ vất vả vì phải đi làm từ 4h sáng và về đến nhà hơn 18h chiều.

Không chỉ 15 nhân viên cấp dưỡng trực tiếp đứng bếp, việc chuẩn bị bữa ăn cho kiều bào còn có các “ tình nguyện viên” là ban giám hiệu, các thầy cô giáo hàng ngày đến chia cơm, thức ăn vào các hộp để đảm bảo cơm canh khi đến tay những người ở khu cách ly vẫn còn nóng sốt giúp mọi người ngon miệng.

Tất cả các thầy cô giáo tham gia làm "tình nguyện viên" đều vui vẻ vì đây là một việc làm có ích nên tự nhủ sẽ làm hết mình.

Cùng với Ban phòng tránh dịch nên Thành phố cấp 57.000 đồng/người/ngày ăn 3 bữa, sau này được nâng lên 80.000 đồng/người/ngày, chi phí còn lại như điện, nước nhà trường lo, nhân viên nấu, giáo viên đến hỗ trợ chia khẩu phần.” 

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng ban giám hiệu nhà trường cũng đồng lòng, chung sức với anh chị em cán bộ giáo viên góp phần chống Covid-19. Ảnh trường Hàm Nghi.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng ban giám hiệu nhà trường cũng đồng lòng, chung sức với anh chị em cán bộ giáo viên góp phần chống Covid-19. Ảnh trường Hàm Nghi.

Thầy Hùng cũng cho biết thêm, hàng ngày, ngoài công việc dạy học trực tuyến, soạn bài tập cho các em học sinh, các thầy cô giáo đều sắp xếp thời gian vui vẻ tham gia công việc tại trường.

Ngoài sự góp công chung tay với các ban ngành địa phương phòng, chống dịch Covid-19, Trường Tiểu học Hàm Nghi cũng ủng hộ phí điện, nước trong quá trình nấu ăn phục vụ bà con cách ly.

Không chỉ vậy, các thầy cô giáo cũng tham gia góp rau, bí ngô, cháo, gạo…. những chút quà tuy nhỏ nhưng mang nhiều nghĩa tình của các thầy cô giáo gửi tới đồng bào xa Tổ quốc.

Đã qua hơn mười ngày, nhiệm vụ nghĩa tình với bà con kiều bào cũng sắp hết, thầy Hùng cho biết, các thầy cô giáo trường Hàm Nghi cũng mong dịch bệnh qua mau để các em trở lại năm học.

Các thầy cô giáo cũng rất nhớ các em, các thầy cô đều mong ngày gần nhất tiếng ê a học trò, tiếng cười của trẻ thơ lại đầy ắp sân trường Hàm Nghi.

Niệm vui, hạnh phúc của các thầy cô giáo khi tham gia tình nguyện. Ảnh Trường Hàm Nghi.
Niệm vui, hạnh phúc của các thầy cô giáo khi tham gia tình nguyện. Ảnh Trường Hàm Nghi.

Những ngày vừa qua, để thực hiện hiệu quả các nội dung kế hoạch phòng, chống dịch Covid - 19, Ngành Giáo dục Quảng Trị đã vào cuộc rất quyết liệt trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tổ chức dạy học trực tuyến trên phạm vi toàn tỉnh.

Đây là một nhiệm vụ mới với những yêu cầu đặt ra rất cấp bách, cùng với nhiều thách thức khó khăn bộn bề nhưng vượt lên tất cả là sự tận tâm, trách nhiệm, sự kiên trì nghiên cứu của đội ngũ các cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo, sự nỗ lực cố gắng để vào cuộc, sự tích cực học hành của các em học sinh.

Trần Phương