Bỗng dưng sắp tụt hạng vì Thông tư, hiệu trưởng khẩn thiết kêu cứu Bộ Giáo dục

26/10/2021 06:35
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi và một số cán bộ, giáo viên ở Hậu Giang rất buồn bã, thất vọng vì những bất cập về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khi bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư 02.

Kể từ ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập thì Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được khá nhiều đơn thư phản ánh của bạn đọc là các thầy cô giáo đang đứng lớp.

Tòa soạn cũng đã đăng tải hàng trăm bài viết về chủ đề này với nhiều khía cạnh, góc nhìn khác nhau, cũng như đã phản ánh những bất cập về các tiêu chuẩn được quy định ở các Thông tư này khi mà nhiều giáo viên đã được bổ nhiệm hạng II, hạng I hàng chục năm nay thì bây giờ phải xuống hạng III, hạng II.

Ngày 23/10/2021, Tòa soạn đã nhận được đơn của một nhà giáo hiện đang là Hiệu trưởng một trường tiểu học ở tỉnh Hậu Giang kêu cứu về trường hợp của mình dù đã có bằng đại học (Quản lí Giáo dục) và đang hưởng lương giáo viên hạng II hơn chục năm qua nhưng sẽ phải xuống hạng III vì bằng cử nhân không phù hợp với quy định hiện hành.

Cũng chính vì thế, các chế độ về lương, phụ cấp và đặc biệt là việc bổ nhiệm lại tới đây cũng có thể bị ảnh hưởng theo.

Dù Hiệu trưởng có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn không đủ chuẩn trình độ theo quy định (Ảnh nhân vật cung cấp)

Dù Hiệu trưởng có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn không đủ chuẩn trình độ

theo quy định (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải lá đơn kêu cứu khẩn thiết của một Hiệu trưởng ở Hậu Giang với hy vọng thông tin sớm đến được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như lời ủy thác của nhà giáo này và nhiều đồng nghiệp có chung cảnh ngộ.

Kính gửi: Ban Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Tôi hiện là Hiệu trưởng một trường tiểu học ở tỉnh Hậu Giang.

Kể từ khi Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành, tôi và một số cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục ở Hậu Giang rất buồn bã, thất vọng vì có một số điểm bất cập về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương nhà giáo.

Tôi xin trình bày đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sự việc như sau:

Năm 1996, tôi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, ra trường được phân công dạy tiểu học ở một xã vùng sâu. Năm 2002 – 2004, tôi tham gia lớp vừa học vừa làm và tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học. Bản thân tôi luôn có tinh thần nhiệt huyết, cố gắng hết mình vì học sinh thân yêu nên lập nhiều thành tích trong giảng dạy.

Năm 2007, tôi được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng trường tiểu học. Sau đó, từ năm 2009 -2011, tôi được ngành tuyển chọn cho đi học lớp vừa học vừa làm và tốt nghiệp Đại học Quản lí Giáo dục.

Năm 2011, tôi được chuyển xếp lương ngạch giáo viên tiểu học cao cấp loại A1 (mã số 15a.203) theo TT02/2007/TT-BNV. Năm 2017, tôi được chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V07.03.07) theo Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Hiện nay, tôi đang giữ chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học ở một xã vùng sâu, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhưng với sự cố gắng nỗ lực trong công tác, hết lòng vì học sinh thân yêu nên những năm qua thì nhà trường có rất nhiều học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp và đơn vị luôn nằm trong tốp dẫn đầu của huyện.

Bản thân tôi nhiều năm liền được ngành đánh giá xếp loại viên chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; có 13 năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (trong đó có 9 năm liên tục- từ năm 2012- 2013 đến năm 2020-2021); 01 năm đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh"; 6 lần được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen.

Ngoài ra, còn có nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh mà nhà giáo này đã đạt được (Ảnh nhân vật cung cấp)

Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh mà nhà giáo này đã đạt được (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên , với văn bằng Cao đẳng tiểu học; Bằng Đại học Quản lý Giáo dục; Chứng chỉ Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II và đầy đủ các tiêu chuẩn nhiệm vụ được quy định hạng II của Thông tư 02/2021-BGDĐT nhưng tới đây, tôi sẽ bị rớt xuống hạng III.

Cho dù, tôi đã được hưởng lương hạng II, mã số V07.03.07 đã hơn 10 năm qua.

Ngoài ra, tôi sẽ gặp khó cho công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, dù có tham gia học Đại học tiểu học vẫn không kịp thời gian. Vì thế, tôi và một số nhà giáo rất lo lắng, hoang mang, không biết phải kiến nghị với ai bởi hiện tại Phòng Giáo dục huyện đã tiến hành thẩm định hồ sơ chuyển, xếp hạng và trường hợp của tôi sẽ bị rớt hạng.

Những bất cập của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của cán bộ, giáo viên và nó còn ảnh hưởng nhiều đến công tác trong thời gian tới.

Vì thế, kính mong Ban Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ và kiến nghị với Bộ Giáo dục về bất cập nêu trên. Nếu Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định bằng đại học Quản lý Giáo dục không phù hợp để chuyển xếp hạng II thì nên áp dụng từ thời điểm ban hành trở về sau.

Bởi, trước đây trước đây chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề này. Hơn nữa, các ngành chức năng đã cho chúng tôi sử dụng văn bằng đại học Quản lý giáo dục để tính trình độ trong công tác và chuyển, xếp hạng, xếp hệ số lương từ văn bằng này đã hơn 10 năm rồi.

Nếu bây giờ thực hiện theo Thông tư 02/2021-BGDĐT thì không ít cán bộ, giáo viên sẽ gặp khó khăn trong công tác, đặc biệt là công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, mặc dù chúng tôi tiếp tục học bổ sung văn bằng Đại học tiểu học theo lộ trình.

Hiện chúng tôi bị rơi vào tình cảnh không thể trở tay kịp và “lực bất tòng tâm”.

Kính mong Ban Biên tậpTạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cứu giúp để nhiều cán bộ giáo viên thuộc trường hợp trên được an tâm trong công tác và tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục hết mình, tất cả vì học sinh thân yêu.

LÊ MINH