Bộ Y tế nên chỉ đạo thu hồi xác nhận hợp quy sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk

15/03/2019 13:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Xác nhận hợp quy cho sữa bột pha lại dưới tên gọi "sữa dinh dưỡng" được gắn mác "học đường" sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, cần Bộ Y tế vào cuộc chỉ đạo thu hồi.

Trước hiện tượng vận động đưa các loại "sữa dạng lỏng" vào Chương trình Sữa học đường, trái với Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 5450/QĐ-BYT, Bộ trưởng Y tế đã có công văn kịp thời chấn chỉnh.

Để giám sát chặt nguồn gốc và chất lượng sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình Sữa học đường vừa có công văn số 7162/BYT-BM-TE ngày 26/11/2018 gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công văn nêu rõ:

Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất sát sao, kịp thời chấn chỉnh việc vận động đưa các loại "sữa dạng lỏng" vào Chương trình Sữa học đường, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất sát sao, kịp thời chấn chỉnh việc vận động đưa các loại "sữa dạng lỏng" vào Chương trình Sữa học đường, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Tuy nhiên thực tế triển khai chương trình nhân văn này tại các địa phương vẫn có những chệch choạc, người ta vẫn tìm cách đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường. Vì đâu có hiện tượng này?

Những thách thức với quyết tâm giữ ly sữa học đường tươi và sạch

Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký, phần Giải pháp cơ chế chính sách nêu rõ:

Ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường.

Phần Tổ chức thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã giao:

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chương trình, đề án liên quan.

Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. [1]

Bộ Y tế nên chỉ đạo thu hồi xác nhận hợp quy sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk ảnh 2

120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại?

Ngày 28/9/2016, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 5450/QĐ-BYT, Điều 1 ghi rõ:

Các sản phẩm sữa tươi thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT đáp ứng các Quy định về kĩ thuật và Quy định về quản lý của Quy chuẩn này được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Ngày 17/9/2018, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký công văn số 5454/BYT-ATTP gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất bổ sung các sản phẩm "sữa dạng lỏng" khác tham gia Chương trình Sữa học đường, trong đó có đặt ra 3 vấn đề:

1. Quyết định số 1340/QĐ-TTg quy định Bộ Y tế có trách nhiệm “xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường” mà không có quy định nào hạn chế các sản phẩm sữa khác tham gia chương trình. (?!)

2. Việc ban hành quy định chỉ đối với sản phẩm sữa tươi sẽ dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác, tạo ra rào cản tham gia thị trường của nhiều doanh nghiệp (không sản xuất sữa tươi).

3. Theo báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam, sản lượng sữa tươi trong nước mới đáp ứng được khoảng 34% nhu cầu của cả nước. [3] [4]

Lập luận đầu tiên trong công văn số 5454/BYT-ATTP về Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy vấn đề về nhận thức các văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:

Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

Bộ Y tế nên chỉ đạo thu hồi xác nhận hợp quy sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk ảnh 3

Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ

Quyết định số 1340/QĐ-TTg đã sử dụng ngôn ngữ chính xác, phổ thông, diễn đạt rõ ràng và dễ hiểu về việc sử dụng sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Chính cách lập luận trong công văn số 5454/BYT-ATTP nói trên mới làm cho mọi việc trở nên rối rắm và đa nghĩa, có thể dẫn đến việc giải thích và áp dụng tùy tiện.

Lập luận thứ 2 đã tự nó mâu thuẫn, bởi lựa chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường ngay từ đầu là đề xuất của Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của Bộ Y tế đâu phải trò chơi để muốn thay đổi thì thay đổi?

Lập luận thứ 3 dẫn số liệu từ Hiệp hội Sữa Việt Nam với hàm ý, hiện nay sữa tươi nguyên liệu tại Việt Nam mới đáp ứng được 34%, tức nguyên liệu chưa đủ, có lẽ câu trả lời thuyết phục nhất để phản biện lại đã được một thành viên của hiệp hội đưa ra.

Ngày 29/11/2018 Báo Nhân Dân đăng tuyên bố khẳng định của Vinamilk, rằng:

Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội sẽ chiếm 10-12% sản lượng 800 tấn/ngày của đàn bò 120 ngàn con của công ty (tương đương với khoảng 100 tấn sữa/ngày).

Đấy là còn chưa kể nhiều địa phương nông dân nuôi bò sữa đang phải giảm đàn vì sữa tươi nguyên liệu sản xuất ra không bán được hoặc giá thu mua quá thấp dẫn đến thua lỗ.

Chỉ 4 ngày sau khi có công văn 5454/BYT-ATTP, ngày 21/9/2018 Vinamilk công bố sản phẩm Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường. [5]

Vinamilk cũng chính là đơn vị trúng thầu cung cấp sữa bột pha lại dưới tên gọi "sữa dinh dưỡng tiệt trùng" cho Chương trình Sữa học đường tại 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Hà Nam, bất chấp quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế phải sử dụng sữa tươi cho chương trình này.

Ảnh chụp màn hình nội dung ghi thành phần của sản phẩm Sữa dinh dưỡng có đường - ADM Gold - Học đường, Vinamilk công bố ngày 21/9/2018.
Ảnh chụp màn hình nội dung ghi thành phần của sản phẩm Sữa dinh dưỡng có đường - ADM Gold - Học đường, Vinamilk công bố ngày 21/9/2018.

Phải chăng nếu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng ý với đề xuất trong công văn số 5454/BYT-ATTP ngày 17/9/2018, thì việc đưa sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường tại 3 tỉnh này trái quy định sẽ được hợp thức hóa?

Các tỉnh sắp triển khai sẽ yên tâm sử dụng sữa pha lại?

Phải chăng vì có công văn số 5454/BYT-ATTP ngày 17/9/2018 nên doanh nghiệp biết trái quy định nhưng vẫn tự tin đưa sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường tại 3 tỉnh trên?

Mặc dù chính Vinamilk đã khẳng định nguồn sữa tươi nguyên liệu của doanh nghiệp rất dồi dào [6] và thực tế vẫn đang thu mua sữa tươi của nông dân cả nước, bao gồm cả chính 2 địa phương Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế đã rất sáng suốt bảo vệ lựa chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường ngay từ đầu.

Lựa chọn này không chỉ vì tương lai giống nòi, mà còn vì một nền nông nghiệp chăn nuôi bò sữa phát triển lành mạnh, bền vững.

Có điều, thực tế triển khai vẫn còn tồn tại những nguy cơ, nếu thiếu một sự giám sát chặt chẽ dựa trên việc minh bạch thông tin triển khai Chương trình Sữa học đường tại các địa phương.

Nên thu hồi xác nhận hợp quy "sữa dinh dưỡng học đường" của Vinamilk

Ngày 21/9/2018 Vinamilk công bố thông tin sản phẩm "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường".

Ảnh chụp màn hình bản xác nhận công bố hợp quy.
Ảnh chụp màn hình bản xác nhận công bố hợp quy.

Trước đó 1 năm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho 2 loại "sữa dinh dưỡng" gắn mác "học đường" của Vinamilk:

Ngày 6/2/2017, Cục An toàn thực phẩm ra văn bản số 4034/2017/ATTP-XNCB xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường. [6]

Ngày 3/8/2017, Cục An toàn thực phẩm có văn bản số 26399/2017/ATTP-XCNB xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Sữa dinh dưỡng tiệt trùng không đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường. [7]

Theo công bố của Vinamilk, sản phẩm "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường", thành phần ghi:

Sữa (95,7%) (nước, sữa bột, chất béo sữa), đường (4,0%), chất ổn định (471, 460 (i), 407, 466), vitamin (natri ascorbat, PP, E, B1, B6, B5, A, acid folic, B2, K1, D3), khoáng chất (tricalci phosphat, sắt pyrophosphat, kẽm sulfat, đồng sulfat, kali iodid, natri selenit), hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, taurin. [5]

Không có chút sữa tươi nào trong sản phẩm "sữa dinh dưỡng" này, nhưng lại được gắn mác "học đường". Còn sữa bột nhập khẩu từ đâu, chất lượng ra sao, hạn sử dụng sữa bột nguyên liệu thế nào thì người tiêu dùng làm sao biết được?

Ảnh chụp màn hình bản xác nhận công bố hợp quy.
Ảnh chụp màn hình bản xác nhận công bố hợp quy.

Vinamilk bán, một số phương mua sản phẩm "sữa dinh dưỡng" gắn mác "học đường" này cho Chương trình Sữa học đường như đã diễn ra tại Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa, là trái với quy định của Chính phủ và Bộ Y tế.

Việc Cục An toàn thực phẩm xác nhận hợp quy cho sản phẩm "sữa dinh dưỡng" pha lại từ sữa bột nhưng lại gắn thêm chữ "học đường" này có thể dẫn đến hiểu lầm.

Đấy là chưa kể "sữa dinh dưỡng" là một tên gọi mới, không nằm trong tên gọi các loại sữa dạng lỏng được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, dù là QCVN 5-1:2010/BYT hay QCVN 5-1:2017/BYT.

Người tiêu dùng ít ai mang quy chuẩn kĩ thuật ra đối chiếu khi mua sữa cho con, nay có mang quy chuẩn ra cũng chịu, nếu sản phẩm được thay tên, đổi họ.

Đành rằng Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 cho phép các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt tên hàng hóa, nhưng nghị định này cũng quy định rõ:

Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa.

Đành rằng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho phép doanh nghiệp tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, nhưng luật này cũng quy định rõ:

Tiêu chuẩn cơ sở không được trái với quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan. 

Vậy ghi tên "sữa dinh dưỡng" có trái với QCVN 5-1:2010/BYT hay QCVN 5-1:2017/BYT?

Bộ Y tế nên chỉ đạo thu hồi xác nhận hợp quy sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk ảnh 7

Chính phủ chỉ đạo dùng sữa tươi, địa phương mua sữa pha lại cho học sinh

Việc xác nhận lô gô "học đường" cho sữa bột pha lại có trái Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế về sử dụng sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường?

Thiết nghĩ Bộ Y tế nên chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm thu hồi 2 văn bản số số 4034/2017/ATTP-XNCB ngày 6/2/2017; văn bản số 26399/2017/ATTP-XCNB ngày 3/8/2017;

Đồng thời cũng cần rà soát và thu hồi bất kỳ xác nhận hợp quy nào cho các sản phẩm sữa dạng lỏng mà không đúng tên gọi theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng; 

Những xác nhận nào cho các sản phẩm sữa có chữ "học đường" mà không được chế biến từ nguyên liệu sữa tươi, cũng cần phải được thu hồi, xử lý.

Thiết nghĩ đây là cách tốt nhất để bảo vệ Chương trình Sữa học đường triển khai đúng hướng. Như vậy mới mong đạt được các mục tiêu lớn về sức khỏe, về phát triển nông nghiệp bền vững mà Chính phủ đề ra, Bộ Y tế đã có công lớn trong việc xây dựng đề án.

Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp tự điều chỉnh, làm ăn đàng hoàng, cạnh tranh lành mạnh; bảo vệ người tiêu dùng là chủ nhân tương lai của đất nước, đồng thời giúp chính quyền các địa phương làm đúng, tránh vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật khi triển khai chương trình này.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=185450

[2]http://mnhongduong.thanhoai.edu.vn/uploads/news/2018_08/qdb-2016-5450-1.pdf

[3]http://kinhtenongthon.vn/san-pham-sua-dang-long-la-loai-sua-nao-post23123.html

[4]https://m.tintuc.vn/hiep-hoi-sua-vn-chi-sua-tuoi-tham-gia-sua-hoc-duong-se-tao-su-canh-tranh-khong-lanh-manh-post163523

[5]https://vinamilk.com.vn/cong-bo-san-pham/nhom-san-pham/thuc-pham-bo-sung/

[6]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:ikwsM5VXExEJ:congbosanpham.vfa.gov.vn/uploadiframe!openFileSignPublic.do%3FfileId%3D399280+&cd=10&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[7]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:l0h__8CQtA4J:congbosanpham.vfa.gov.vn/uploadiframe!openFileSignPublic.do%3FfileId%3D455091+&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

Hồng Thủy