Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Chưa phát hiện trường nào bán bằng giả"

20/11/2013 17:46
Ngọc Quang
(GDVN) - Cách đây ít phút, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phạm Vũ Luận cho biết, vấn đề bằng giả và mua bán bằng cấp có diễn ra trên thực tế, cơ quan công an đã phát hiện một số vụ việc, nhưng đây là việc ngoài xã hội, cho đến thời điểm này chưa phát hiện có trường nào tổ chức buôn bán bằng giả.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Cục Xuất nhập cảnh đã phát hiện ra nhiều trường hợp sử dụng bằng giả tốt nghiệp PTTH để ra nước ngoài lao động. Bộ Giáo dục đã phối hợp với cơ quan công an và các địa phương để tiến hành rà soát, điều tra, xử lý những hành vi làm trái pháp luật.

“Chúng tôi đã tham gia xác minh, kết luận nhiều trường hợp bằng cấp giả mạo, đồng thời đã xác minh kết luận để bảo vệ một số cán bộ của Đảng, của hệ thống chính trị khỏi sự vu khống sử dụng bằng giả”, ông Luận nói.

Cũng theo ông Phạm Vũ Luận, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các Sở Giáo dục đào tạo trong cả nước tiến hành công khai danh sách học sinh, sinh viên của mình tốt nghiệp, bao gồm cả tốt nghiệp THPT, CĐ- DH, thạc sĩ, tiến sĩ, để các cơ quan sử dụng lao động có căn cứ để đối chiếu.

“Hiện chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng phần mềm công bố cho nhân dân, các tổ chức sử dụng lao động rà soát hành vi ăn cắp bản quyền, sao chép luận án, để xử lý triệt để “học giả có bằng thật” đã diễn ra trong thời gian gần đây”, ông Luận cho hay.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Chưa phát hiện trường nào tổ chức bán bằng giả.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Chưa phát hiện trường nào tổ chức bán bằng giả.

Về chuyện thí sinh 27,5 điểm không đỗ vào Đại học Y, trong khi y bác sĩ về nông thôn đang thiếu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Việc tuyển sinh vào các trường đại học, Bộ Giáo dục đã phân cấp cho các trường được tự chủ quyết định điểm chuẩn trên cơ sở điểm sàn. Trên cơ sở điểm sàn, hiệu trưởng các trường tự quyết định điểm trúng tuyển, và tôi với tư cách Bộ trưởng không có quyền can thiệp vào điểm chuẩn đó khi điểm chuẩn đó đã cao hơn điểm sàn. Cho nên khi điểm vào Đại học Y cao tới 28-29 điểm mới đỗ được, thì chuyện các cháu 27 điểm trượt là điều không có gì đáng ngạc nhiên, về mặt luật tôi không thể can thiệp.

Với các cháu này hoàn toàn còn khả năng để lựa chọn vào các trường khác theo thông tin các trường và Bộ Giáo dục đào tạo cập nhật hàng ngày. Đào tạo nguồn nhân lực nói chung, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các vùng khó khăn, chúng tôi đã thực hiện chính sách cử tuyển dành cho các vùng ưu tiên, đào tạo dự bị cho các huyện nghèo, cho các đối tượng khó khăn mà chúng ta cần ưu tiên. Qua theo dõi thực tế, tôi xin khẳng định chưa có bất cứ một cháu nào người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa thuộc diện ưu tiên được 27 điểm mà trượt”.

Trước vấn đề sinh viên không tìm được việc làm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, đây là một thực tế, ngay cả trong ngành sư phạm cũng có một số lượng tốt nghiệp chưa tìm được việc làm. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục đã tham gia giải quyết nhưng không triệt để được.
Ngọc Quang