Bộ trưởng không thể xem nhẹ lời hứa trước Quốc hội về các chứng chỉ giáo viên

23/07/2020 06:18
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ với đội ngũ giáo viên tại Đắk Nông nếu "Không đủ chứng chỉ giáo viên sẽ bị thu hồi quyết định tuyển dụng".

Ngày 15/7/2020 Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Không đủ chứng chỉ giáo viên sẽ bị thu quyết định tuyển dụng, Bộ trưởng có biết?" phản ánh lo lắng của các giáo viên tại tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, các thầy cô phản ánh đến Giáo dục Việt Nam rằng họ nhận được Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC, ngày 13/7/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông do lãnh đạo nhà trường gửi qua email.

Công văn nêu, đối với cán bộ quản lý, giáo viên (thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, Chứng chỉ tin học) và đối với nhân viên (thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, Chứng chỉ tin học) thì khẩn trương đi học để có Chứng chỉ theo quy định.

Sau thời hạn ngày 31/12/2020, cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hoàn thiện đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành thì đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh: Quochoi.vn

Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên)- một trong các Đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về văn bằng chứng chỉ tại kỳ họp thứ 8 - để ghi nhận một số ý kiến về vấn đề liên quan ở Đắk Nông.

Phóng viên: Rất nhiều giáo viên khi đọc thông báo này đã rất hoang mang. Đại biểu có chia sẻ gì với các giáo viên ở Đăk Nông đang ở trong tình cảnh này?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: Trước hết, tôi rất chia sẻ với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên giáo dục của Đăk Nông bởi những khó khăn mà họ đang gặp phải.

Không chỉ riêng Đăk Nông mà giáo viên ở không ít địa phương trên cả nước nói chung đang đối mặt với tình huống phải rời khỏi ngành vì thiếu chuẩn, đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi cơ hội được làm nghề, được cống hiến cho công tác giảng dạy.

Tôi tin chắc rằng, trong số này, có rất nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giỏi và giàu kinh nghiệm, tâm huyết trong sự nghiệp giáo dục.

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá ra sao về chỉ đạo trong công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: Tôi cho rằng, việc dựa vào Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở triển khai việc “Đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh, nghề nghiệp hiện hành” đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục rất cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Hiểu một cách trực diện thì phải chăng, ngành giáo dục địa phương này đã để xảy ra sai phạm trong công tác tuyển dụng?

Như vậy thì cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền và người có trách nhiệm liên quan. Ngay từ đầu giáo viên họ đâu có quyền quyết định việc mình được trúng tuyển hay không?

Tôi nghĩ, họ không phải là đối tượng phải xử lý sai phạm mà họ là người tham gia việc khắc phục sai phạm và như vậy chính sách đưa ra phải thật sự tạo điều kiện để họ hoàn thiện, chứ không phải đưa ra để đánh đố, để cản trở cơ hội được đứng trên bục giảng của họ, đồng thời cũng có thể tạo thời cơ thuận lợi để các nhóm lợi ích hưởng lợi từ chính sách này.

Áp dụng chính sách giáo dục mà gây khó hiểu trong dư luận, gây hoang mang trong lực lượng giáo viên là điều cần phải xem xét lại.

Ngoài ra, việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu cần thiết của chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học là một chủ trương đúng đắn và cần thiết.

Tuy nhiên, với những gì mà đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đang đối mặt cho thấy việc áp dụng thực hiện chính sách ở một vài địa phương, vùng miền còn quá cứng nhắc, không dựa vào tình hình, điều kiện thực tế.

Điều này không giúp cho đội ngũ cán bộ giáo viên nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn theo thực tế vị trí công tác.

Cái cần đào tạo, bồi dưỡng nhất hiện nay đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên là phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy chứ không là việc hoàn thiện các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định về điều kiện, tiêu chuẩn.

Đó là chưa nói đến, quy định trên của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông sẽ rất khó triển khai thực hiện bởi áp lực thời gian, điều kiện hiện tại của đội ngũ giáo viên ở địa phương hiện nay rất khó để hoàn thành yêu cầu này nếu không muốn xảy ra những hiện tượng tiêu cực.

Những yêu cầu về văn bằng chứng chỉ tưởng chừng là đơn giản nhưng việc thực hiện thật sự không hề đơn giản.

Tôi ủng hộ việc nâng chuẩn đội ngũ cán bộ, giáo viên, công chức viên chức trong giai đoạn hiện nay nhưng thiết nghĩ, đối với các chính sách liên quan đến con người, đến đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cần phải hết sức thận trọng và không nên vận dụng, áp dụng một cách vội vàng, cứng nhắc dễ gây ra hiện tượng “chín ép”, không chỉ với người học mà với người dạy, với cả cán bộ quản lý giáo dục.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, (diễn ra cuối năm 2019), trả lời chất vấn của Đại biểu và nhiều Đại biểu khác về các loại chứng chỉ, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Giáo dục đều nhấn mạnh sẽ sớm sửa đổi quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không thực sự cần thiết đang làm khổ viên chức hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế như trường hợp của Đắk Nông viện dẫn thực hiện theo hướng dẫn số: 2965/HD-BNV về việc xử lý đối với những trường hợp tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức thì có vẻ như đang ngược lại lời hứa này?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: Tôi hiểu rằng, đối với lĩnh vực liên quan đến giáo dục, phát triển con người, đến xây dựng đội ngũ các bộ, công chức, viên chức, đây là nhóm chính sách bàn luận thì dễ, nhưng triển khai thực hiện là điều không dễ dàng gì.

Ở khía cạnh nào đó, chúng ta cần chia sẻ và cảm thông với ngành Nội vụ, ngành Giáo dục và Đào tạo trong bối cảnh đổi mới về công tác cán bộ và công tác giáo dục hiện nay.

Thế nhưng, tôi cũng nghĩ rằng, ở vai trò tham mưu xây dựng chính sách, trước những bức xúc và kiến nghị dồn dập của cử tri, nghĩa là chính sách đó đang có những lỗ hổng, đang có những bất cập vướng mắc cần xem xét, rà soát lại để điểu chỉnh kịp thời.

Việc rà soát, điều chỉnh các chính sách này nếu làm không khéo, chậm trễ kéo dài, thiếu sự minh định, ngại tiếp nhận hoặc bỏ qua các phản biện xã hội sẽ dễ xảy ra hiện tượng tiêu cực, phát sinh những nhóm lợi ích khó nhận diện.

Bộ trưởng không thể xem nhẹ lời hứa, cam kết thực hiện do chính mình đưa ra trước Quốc hội.

Phóng viên: Thực tế, tại kỳ thứ 8 khi được các Đại biểu chất vấn về vấn đề này nhưng thực tế triển khai rất khác so với lời hứa. Đại biểu có dự định chất vấn lại vấn đề này với Bộ trường Lê Vĩnh Tân ở kỳ họp Quốc hội tới đây?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: Trên thực tế, tại các phiên chất vấn của kỳ họp quốc hội, có rất nhiều lời hứa cùng với những cam kết hành động mà các thành viên Chính phủ được đưa ra trong công tác quản lý nhà nước.

Có những lời hứa được thực hiện rất trách nhiệm và quyết liệt ngay sau đó nhưng cũng tùy vào nhóm chính sách theo lĩnh vực, ngành nghề.

Bên cạnh đó cũng có không ít những cam kết hành động trước quốc dân đồng bào, tôi không dám chắc là đang có xu hướng ngược lại với lời hứa, nhưng có vẻ vẫn chỉ dừng lại ở lời hứa “treo” không hạn định, cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Nếu Bộ trưởng đã hứa, đã tiếp thu ý kiến của cử tri mà việc cam kết thực hiện lời hứa của Bộ trưởng vẫn không thỏa đáng với số đông, thì tôi vẫn sẽ tiếp tục đeo bám khi cử tri yêu cầu.

Tôi đã từng tranh luận cũng như đặt vấn đề với tư lệnh Ngành Nội vụ về cái gọi là “giấy phép con”, chính là những quy định về văn bằng chứng chỉ thiếu tính thực tế, đặc biệt là đặc thù vùng miền đối với một số vị trí chức danh, nghề nghiệp.

Vấn đề cốt lõi tôi đặt ra ở đây là năng lực, tâm lực đội ngũ tham mưu xây dựng chính sách, đây chính là khâu quan trọng mà dư luận rất cần nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV (diễn ra cuối năm 2019) khi các Đại biểu chất vấn về vấn đề chứng chỉ tin học, ngoại ngữ ẩn chứa nhiều nhiêu khê, đẻ ra các loại giấy phép con, làm khó, làm khổ giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã cam kết trước Quốc hội:

“Tôi xin hứa với đại biểu Quốc hội sau khi luật Cán bộ, công chức sửa đổi được thông qua, chúng tôi sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đi vào thực chất, quan trọng là chúng ta có đạt được trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình hay không”. [1]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Qua thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết.

Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chuẩn giáo viên”. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-le-vinh-tan-cam-ket-sua-quy-dinh-ve-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-764542.ldo

Đỗ Thơm