Bộ trưởng Bộ Giáo dục chuẩn bị đăng đàn Quốc hội, cử tri băn khoăn nhiều vấn đề

03/11/2021 06:38
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua quá trình đi tiếp xúc cử tri, năm nay có 2 vấn đề lớn nhất mà cử tri quan tâm đó là y tế và giáo dục vì chúng ta đang trong thời kỳ chống dịch COVID.

Theo kế hoạch Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày, từ ngày 10-12/11/2021 với 4 nhóm vấn đề mà cử tri đang quan tâm, gồm: y tế, lao động -thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, giáo dục và đào tạo.

4 Bộ trưởng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn gồm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Lắng nghe ý kiến của cử tri về vấn đề giáo dục, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)- Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng qua quá trình đi tiếp xúc cử tri, năm nay có 2 vấn đề lớn nhất mà cử tri quan tâm đó là y tế và giáo dục vì chúng ta đang trong thời kỳ chống dịch COVID.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)- Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)- Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội (ảnh: quochoi.vn)

Trong lĩnh vực giáo dục, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ra 3 nội dung mà cử tri băn khoăn rất nhiều.

Thứ nhất đó là việc khi nào học sinh được trở lại trường học tập trung bởi lẽ dịch chưa chấm dứt hoàn toàn chưa kể một số nơi cho học sinh đến trường trở lại thì nay nơi này có học sinh, giáo viên bị nhiễm COVID, mai nơi kia có giáo viên, học sinh nhiễm COVID phải đóng cửa trường. Do đó cử tri rất mong chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo có câu trả lời về việc khi nào các em sẽ được đến trường.

Thứ hai, đó là câu chuyện học trực tuyến. Phải thừa nhận rằng, nơi nào gia đình khá giả thì có điện thoại thông minh, máy tính và có đường truyền tốt thì các em tham gia học online được, tuy nhiên còn nhiều gia đình chưa có thiết bị và đường truyền nên không thể học được. Mặc dù địa phương hỗ trợ tuy nhiên chỉ được phần nào chứ không toàn bộ địa phương nên học online vẫn còn nhiều bỏ ngỏ.

Chưa kể, học online thì cần có phụ huynh ngồi ở bên cạnh kèm con, nếu phụ huynh bận đi làm thì con không tập trung học gây ảnh hưởng đến chất lượng.

Thứ ba, giá sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới rất đắt, gia đình phải còng lưng mua sách giáo khoa, sách tham khảo, dụng cụ học tập lên tới 700-800 nghìn đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục nóng thời gian qua, Phó giáo sư Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII thừa nhận việc dạy học online còn đặt ra nhiều bất cập. Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình học online phù hợp với các lứa tuổi khác nhau, không phải cái gì cũng online.

Ngoài ra, Phó giáo sư Bùi Thị An cho rằng, câu chuyện giáo viên “xuống hạng”, “thăng hạng” thời gian qua gây ra nhiều bức xúc đối với nhiều thầy cô. Do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo rốt ráo bởi thầy cô là phải có chất lượng thật chứ không phải những chứng chỉ, cuộc thi hình thức, việc nào vượt thẩm quyền thì xin ý kiến Chính phủ. Như vậy mới có được “học thật, thi thật, nhân tài thật” như yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra với ngành giáo dục- đào tạo.

Được biết, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ tham gia trả lời chính thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, nội dung gồm việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.

Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh.

Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình.

Thùy Linh