Bỏ quên vị thế người thầy

03/02/2013 10:40
Theo Thanh Niên
Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục khẳng định những cuộc đổi mới giáo dục phổ thông gần đây sở dĩ chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì chưa quan tâm đúng mức đến vị thế người thầy.

Một nửa giáo viên muốn... đổi nghề

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, đã từng nhận định mặc dù vai trò của người thầy trong giáo dục rất quan trọng nhưng cho đến nay, vấn đề giáo viên (GV) chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo khiến tất cả những mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường đều không thực hiện được đến nơi đến chốn.

Giáo sư Hoàng Tụy cũng cho rằng: “Sai lầm đầu tiên tai hại nhất dẫn đến suy thoái trầm trọng đạo đức trong nhà trường là chính sách đối với người thầy trong nền giáo dục hiện đại. Từ chỗ phê phán tư duy lạc hậu trong nhà trường cũ, gán cho thầy quyền uy tuyệt đối, biến giáo dục thành quá trình truyền đạt và tiếp thu hoàn toàn thụ động đã dần dần xuất hiện tư duy cực đoan ngược lại, phủ nhận vai trò then chốt của người thầy đối với chất lượng giáo dục”.

Khảo sát của một nghiên cứu cho thấy gần 50% giáo viên muốn đổi nghề - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Khảo sát của một nghiên cứu cho thấy gần 50% giáo viên muốn đổi nghề - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Theo Giáo sư Hoàng Tụy, khi thì nhấn mạnh một chiều “học sinh là trung tâm” để hạ thấp vai trò người thầy, khi khác tôn chương trình, sách giáo khoa lên địa vị “linh hồn giáo dục”... dẫn đến xem thường việc xây dựng đội ngũ thầy giáo theo chuẩn mực chuyên môn và đạo đức hiện đại.

"Ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy" - Giáo sư Hoàng Tụy

Các kết quả điều tra mới nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam cho thấy, ngoài việc dạy từ 17 - 23 tiết/tuần, GV phải tham gia tới 10 đầu việc ở trường và thời gian lao động lên tới 60 - 70 giờ/tuần, vượt xa quy định là 40 giờ/tuần.

Một tỷ lệ khá lớn GV phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Sắp tới đây, chất lượng GV mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn sinh viên đang học tại các cơ sở đào tạo GV vốn chỉ là những học sinh trung bình mà nội dung và phương pháp đào tạo thì quá lạc hậu.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ GV phổ thông là, thầy cô giáo gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp do nhà nước trả không đủ để bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu, nhiều GV phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan, vị thế xã hội của nghề thầy và người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội.

Điều tra của nhóm nghiên cứu cũng công bố thông tin rất đáng báo động, 40-50% GV được hỏi đã bày tỏ ý kiến, nếu được chọn lại nghề thì sẽ không làm nghề dạy học. Còn học sinh khá, giỏi thì không thi vào trường sư phạm.

Trả lời về con số trên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi tin số liệu đó phản ánh đúng thực tế. Ít nhất cũng phải đến 40% GV không yên tâm với nghề, đó là một sự thật đau lòng”. Ông Hiển nói thêm: “Người ta hay nói tới yếu tố lương thấp để lý giải thực tế này. Từ vấn đề lương nảy sinh nhiều hệ lụy tiêu cực. Thật ra các vấn đề tiêu cực trong giáo dục xảy ra phần lớn ở khu vực đô thị - nơi diễn ra sự phân hóa xã hội sâu sắc”.

Đổi mới nên bắt đầu từ người thầy

Đã có 57 văn bản liên quan đến nhà giáo

Nhóm nghiên cứu của Quỹ hòa bình và phát triển thống kê hiện nay đã có khoảng 57 văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông vẫn còn hiệu lực áp dụng, với phạm vi điều chỉnh tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Bộ GD-ĐT cũng đã không ít lần đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các chế độ chính sách GV đã được quy định trong các văn bản của nhà nước.

Giáo sư Hoàng Tụy nêu quan điểm: “Ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy”.

Phó giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Khổng Doãn Điền, Hội Cơ học Hà Nội, đề nghị: “Với góc nhìn của một thầy giáo lớn tuổi đang đứng lớp, việc đổi mới giáo dục không nên đi từ việc viết sách giáo khoa mà nên từ yếu tố con người. Đó là xây dựng lại tiêu chuẩn đạo đức của thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay”.

Để thay đổi chất lượng GV, bà Nguyễn Thị Bình và nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vào việc sửa đổi chính sách lương, phụ cấp, đồng thời cải thiện điều kiện nghề nghiệp, đãi ngộ, mức sống đáp ứng được yêu cầu của nhà giáo và gia đình họ. Lương GV phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp.

Ông Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định: “Trong thời gian tới, khi thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV chắc chắn là giải pháp then chốt, thậm chí là yếu tố quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục”. Ông Hiển nhấn mạnh: “Trong các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ GV, chúng tôi cho rằng cần có những chính sách đãi ngộ tốt để từ đó tạo động lực cho GV tích cực rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực chuyên môn”.

Theo Thanh Niên