Bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên để tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”!

10/03/2021 06:49
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên lớn tuổi muốn được giữ lại phụ cấp thâm niên thì giáo viên trẻ họ cũng muốn được chi trả chế độ tiền lương tương xứng với công việc họ được giao chứ?

Nếu như mọi chuyện diễn ra bình thường thì lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đã được tăng từ 1.490.000 lên 1.600.000 đồng từ ngày 01/7/2020 và ngày 01/7/2021 tới đây sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm.

Nhưng, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hướng dẫn bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và chỉ còn quân đội, công an, cơ yếu được hưởng khoản phụ cấp này.

Thực hiện chủ trương nêu trên nên Luật Giáo dục năm 2019 cũng không còn quy định về phụ cấp thâm niên của giáo viên như Luật Giáo dục trước đây. Như vậy, giáo viên sẽ bị mất một khoản thu nhập không nhỏ bởi phụ cấp thâm niên đã không còn nữa.

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn nên lương cơ sở không tăng và việc trả lương theo vị trí việc làm cũng chưa thể thực hiện theo lộ trình nên hiện nay phụ cấp thâm niên nhà giáo vẫn đang được giữ nguyên.

Tới đây, khi thực hiện trả lương theo vị trí việc làm (dự kiến là ngày 01/7/2022) thì phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ bị cắt.

Nhiều giáo viên…tâm tư nhưng cũng nhiều thầy cô hy vọng khi trả lương theo vị trí việc làm thì sẽ tạo nên sự công bằng vì về cơ bản giáo viên công lập hiện nay đang thực hiện khối lượng công việc như nhau nhưng lương lại đang chênh lệch quá lớn.

Những bất cập trong cách tính lương hiện nay

Hàng chục năm qua, ngoài hệ số lương được hưởng thì giáo viên các cấp học được hưởng thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Những thầy cô tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm thì bắt đầu từ bậc 1, hệ số lương 2,10 đến bậc 10 được hưởng hệ số lương là 4,89.

Những thầy cô tốt nghiệp đại học sư phạm thì bắt đầu từ bậc 1 có hệ số lương là 2,34 và đến bậc 9 có hệ số lương là 4,98.

Những thầy cô giáo khi được tuyển dụng, hết thời gian tập sự 1 năm mà không bị kỷ luật thì cứ 3 năm sẽ được tăng 1 bậc lương, sau 5 năm thì bắt đầu được hưởng phụ cấp thâm niên, mỗi năm 1% lương. Như vậy, chúng ta thấy giáo viên càng lớn tuổi thì tổng thu nhập hàng tháng (lương + phụ cấp) càng tăng.

Những giáo viên trẻ mới ra trường thì dù cố gắng, dù nhiệt huyết, dù giỏi như thế nào đi chăng nữa nhưng đã là giáo viên các trường công lập cũng phải tuần tự 3 năm mới được tăng 1 bậc lương mới.

Việc tăng lương trước thời hạn thì cũng không dễ dàng bởi nó bị khống chế trong việc xét thi đua cuối năm, khống chế tỉ lệ số lượng giáo viên trong trường, khống chế về số năm xét nên năm thì mười họa mới được tăng lương trước thời hạn 1 lần.

Chính vì giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên nên nó đã dẫn đến nhiều bất cập trong tổng số tiền mà giáo viên nhận hàng tháng. Có giáo viên thì nhận mỗi tháng trên chục triệu đồng nhưng cũng nhiều giáo viên trẻ chỉ được nhận mỗi tháng 3-4 triệu đồng tiền lương.

Trong khi, khối lượng công việc của giáo viên ở các nhà trường công lập ở từng cấp học được phân công như nhau: giáo viên tiểu học 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết, giáo viên phổ thông 17 tiết/ tuần.

Vì thế mới có chuyện, cùng là giáo viên tiểu học dạy 1 khối với nhau, tính chất, khối lượng công việc trên lớp được giao như nhau, cho dù thầy A kiêm nhiệm thêm chức vụ tổ trưởng chuyên môn, thầy B không kiêm nhiệm chức vụ nhưng lương thầy B có thể nhiều hơn lương thầy A đến 4-5 triệu đồng/tháng.

Đơn giản, chỉ vì thầy B có nhiều năm công tác hơn.

Trong khi đó, ngoài việc giảng dạy trên lớp thì thầy A kiêm nhiệm thêm chức vụ tổ trưởng chuyên môn nên phải họp hành nhiều hơn, trách nhiệm công việc phải nhiều hơn thầy B.

Sự bất cập này không chỉ tồn tại giữa giáo viên trẻ với giáo viên lớn tuổi mà nó còn tồn tại một thực trạng là lương của nhiều lãnh đạo nhà trường cũng thua xa lương giáo viên không đảm nhận chức vụ trong đơn vị.

Thậm chí Giám đốc Sở Giáo dục cũng có thể có mức lương thấp hơn lương giáo viên đứng lớp cũng là một chuyện rất bình thường vì ít năm công tác hơn.

Nếu lương lãnh đạo thấp hơn giáo viên vì giáo viên đó quá giỏi thì nó cũng hợp lý nhưng nhiều khi thua lương một giáo viên bình bình trong các nhà trường thì rõ ràng đó là những bất cập trong chính sách trả lương suốt hàng chục năm qua.

Nhiều giáo viên cứ qua tập sự, được xét vào biên chế hoặc hợp đồng không xác định thời hạn là yên tâm mọi chuyện. Bởi giỏi hay không giỏi thì cũng phải 3 năm mới lên bậc lương, phải 5 năm mới được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm 1%.

Nước ta đã thực hiện kinh tế thị trường từ mấy chục năm qua, nhiều ngành nghề khác cũng đã trả lương theo năng lực, theo vị trí việc làm thì ngành giáo dục và một số ngành nghề khác vẫn đang được trả lương theo…năm công tác.

Chính vì cách trả lương như hiện nay đã tạo ra một số hệ lụy cho ngành giáo dục, đó là tình trạng học sinh giỏi không muốn thi vào sư phạm, nhiều thầy cô có năng lực nhưng cũng không muốn phát huy hết mình. Thậm chí làm nhiều có khi còn bị ghét, bị rèm pha…

Bỏ phụ cấp thâm niên, trả lương theo vị trí việc làm là phù hợp nhất

Cho dù thực hiện chính sách chế độ tiền lương nào trong thời gian tới đây cũng không thể làm phù hợp tất cả đội ngũ nhà giáo. Giữ phụ cấp thâm niên thì xảy ra tình trạng không công bằng, cắt thâm niên nhà giáo thì những thầy cô lớn tuổi…tâm tư.

Nhưng, chế độ lương, phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức phải nằm trong trong chính sách tổng thể để đảm bảo công bằng, kích thích lao động cho mọi người thì mới là chính sách ưu việt nhất.

Trong khi, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 27-NQ-TW, Quốc hội đã đồng ý Luật Giáo dục năm 2019 là bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và chỉ còn quân đội, công an, cơ yếu chứ đâu chỉ riêng với ngành giáo dục.

Vì thế, những cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ thầy cô giáo nói riêng khi bị cắt thâm niên cũng cần bình thản đón nhận chính sách mới.

Chúng ta đều biết, cũng chừng ấy kinh phí được giao cho ngành hàng năm, nếu giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo như hiện nay thì những giáo viên lớn tuổi được hưởng nhiều nhưng giáo viên trẻ sẽ rất khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Giáo viên lớn tuổi muốn được giữ lại phụ cấp thâm niên thì giáo viên trẻ họ cũng muốn được trả chế độ tương xứng với công việc họ được giao chứ.

Vì thế, chúng tôi cho rằng bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, trả lương theo vị trí việc làm chưa hẳn đã là điều không tốt cho ngành giáo dục bởi nó sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy cô giáo đừng lo lương của mình sẽ thấp đi bởi nếu như mình có nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn tốt thì chế độ lương, phụ cấp sẽ được trả một cách tương xứng vì cụm từ “trả lương theo vị trí việc làm” nó đã bao hàm tất cả rồi.

HƯƠNG GIANG