Bộ nhiều lần có công văn gửi Bộ ngành, địa phương đề nghị giữ ổn định học phí

02/06/2022 06:26
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng Bộ GD cho hay, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ đã nhiều lần có công văn gửi các Bộ ngành, địa phương đề nghị giữ ổn định mức học phí.

Chiều ngày 1/6, trước nhiều ý kiến của các Đại biểu trong Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, băn khoăn về tăng học phí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Về vấn đề học phí được quy định trong Nghị định 81, có hiệu lực từ tháng 10/2021, nhưng chủ yếu được áp dụng cho năm học 2022-2023”.

Theo đó, đối với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh/thành phố là người sẽ quyết định mức thu học phí trong hệ thống.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN

“Trong Nghị định 81 đã quy định theo “mức trần”, “mức sàn” có lộ trình và có nêu “các địa phương căn cứ vào địa phương mình để quyết mức học phí cho phù hợp”. Và trên thực tế, cũng đã có một số địa phương miễn học phí như thành phố Hải Phòng, một số nơi cũng đã cân nhắc các mức học phí theo quy định” - Bộ trưởng đề cập.

Đối với các trường đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thông tin: “Tùy theo mức độ tự chủ, nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên, một phần tự chủ chi đầu tư, không được thu quá “mức trần” học phí được quy định theo Nghị định 81. Đối với các trường đạt chuẩn kiểm định chuẩn quốc gia, quốc tế, được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật do nhà trường tính toán, quyết định. Đây là một quyền tự chủ của các trường đại học”.

“Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2021 đã nhiều lần trao đổi và có các công văn gửi các Bộ ngành, địa phương về đề nghị giữ ổn định mức học phí trong tình hình dịch bệnh. Tháng 8/2021, Bộ tiếp tục có công văn 3277, chỉ đạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn với học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh.

Gần đây nhất, ngày 24/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 2153 gửi các địa phương và lãnh đạo các trường đại học, nhắc nhở, lưu ý và chỉ đạo các đơn vị về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong đó, lưu ý khuyến cáo các địa phương, các trường căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, góp phần bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội, có chính sách miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để các em học sinh có đủ sách đến trường”, Bộ trưởng nêu.

Cuối cùng, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, để thực hiện trách nhiệm giải trình với người học, xã hội về mức thu, khoản thu. Việc công khai các mức thu cũng là một trong những vấn đề cần được tiến hành giải trình trước xã hội.

Trước đó, thảo luận tại hội trường trong sáng cùng ngày, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Ủy ban của Quốc hội về nội dung “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022”.

Trong đó, góp ý về lĩnh vực giáo dục, Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội.

“Một xã hội sẽ không phát triển nếu thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt, hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, thì có cải cách mấy cũng bằng thừa. Đó là những vấn đề mà người dân quan tâm. Bên cạnh đó là những bất cập về cải cách, thay đổi chương trình và các mức học phí của các bậc học” - nữ Đại biểu đề cập.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề cập đến vấn đề học phí của bậc học phổ thông. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề cập đến vấn đề học phí của bậc học phổ thông. (Ảnh: quochoi.vn).

Về vấn đề học phí, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đặt câu hỏi, tại sao cứ tăng kinh phí, học phí đào tạo hay các khoản phí khác tuỳ từng trường từng nơi, ở các cấp học hay siết chặt đầu vào mà đầu ra buông lỏng.

Thiết nghĩ, ở bậc tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông phải có cơ chế hạ học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ thấp nhất cho các em vì đó là trẻ em dưới 18 tuổi cần có môi trường nhận thức và học tập phát triển. Có chăng, nên xem xét điều chỉnh học phí ở bậc đại học và sau đại học.

Bên cạnh đó, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cũng nêu lên một thực tế: “Lâu nay, chúng ta thi tuyển khắt khe ở đầu vào, nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn đến chất lượng không đảm bảo và không có chọn lọc, sàng lọc”. Chính vì vậy, nữ Đại biểu đề xuất nghiên cứu chính sách theo hướng thu hút đầu vào và siết chặt đầu ra.

Ngân Chi