Bổ nhiệm hạng cũ sang hạng mới “hên xui”, thầy cô lấy đâu ra động lực phấn đấu

12/06/2022 06:42
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Người viết đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, thi/xét thăng hạng mỗi năm một lần để giáo viên có đủ điều kiện được dự thi và thăng hạng lên hạng cao hơn.

Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non phổ thông.

Phần lớn những điều của dự thảo được các chuyên gia, giáo viên đánh giá cao, những dự kiến trong việc quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, giáo viên ở tiểu học, trung học cơ sở không cần trình độ thạc sĩ,… cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo rất cầu thị, lắng nghe ý kiến từ cơ sở.

Tuy nhiên, trong dự thảo có một số điểm mới dự kiến nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trong phạm vi bài viết, xin được góp ý về dự thảo sửa đổi chùm Thông tư 01-04 về vấn đề bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Dự kiến bổ nhiệm, chuyển xếp lương từ hạng cũ sang hạng mới

Theo dự thảo, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu phải có minh chứng của tất cả các tiêu chuẩn khác.

Chỉ cần đạt tiêu chuẩn trình độ đào tạo, thời gian giữ hạng thì giáo viên được bổ nhiệm các hạng như sau:

Đối với giáo viên mầm non: Giáo viên hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06), hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,1-4,89); giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm hạng II mới cùng hệ số lương 2,34-4,98.

Đối với giáo viên tiểu học: Giáo viên hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06), hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38).

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38); giáo viên hạng I cũ (hệ số lương 4,0-6,38) được bổ nhiệm hạng I mới (hệ số lương 4,4-6,78).

Đối với giáo viên trung học phổ thông bổ nhiệm hạng III cũ sang hạng III mới cùng hệ số lương 2,34-4,98; hạng II cũ sang hạng II mới cùng hệ số lương 4,0-6,38; hạng I cũ sang hạng I mới cùng hệ số lương 4,4-6,78.

Dự kiến việc bổ nhiệm hạng cũ sang hạng mới sẽ dễ dàng?

Tại dự thảo, khi bổ nhiệm chỉ xét 2 tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề nên việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới sẽ rất dễ dàng vì sẽ không căn cứ bất cứ tiêu chuẩn nào khác của các hạng.

Thậm chí tại khoản 6 Điều 5 Điều khoản thi hành về nhiệm vụ của giáo viên các hạng có ghi rõ “Nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công. Hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.

Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường mầm non, phổ thông công lập quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. Không yêu cầu giáo viên phải nộp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng.”

Đối với những trường hợp từ hạng III, IV sang hạng III mới thì không có gì để bàn vì chuyển hệ số lương bằng hoặc chỉ chênh lệch đôi chút và tiêu chuẩn hạng III là tiêu chuẩn của giáo viên đứng lớp, phù hợp.

Tuy nhiên, khi chuyển từ hạng II cũ ở bậc tiểu học, trung học cơ sở sang hạng II mới dự kiến sẽ có những giáo viên ở hệ số lương 3,33, 3,66, 3,99 cùng được chuyển qua hệ số lương 4,0 khiến nhiều giáo viên bức xúc, bất bình.

Có giáo viên tiểu học, trung học cơ sở nhận nhiệm vụ 2012, năm 2013 hết tập sự được bổ nhiệm lương tương đương hạng II cũ có hệ số lương 2,34 đến năm 2022 được bổ nhiệm lương có hệ số lương 3,33 (công tác 10 năm, 9 năm giữ hạng tương đương hạng II), người này không biết làm nhiệm vụ gì, có thành tích gì, có bị kỷ luật hay không,…vẫn sẽ được bổ nhiệm giáo viên hạng II mới có hệ số lương 4,0.

Một giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khác công tác 2005, khi nhận công tác có trình độ cao đẳng nên được xếp lương tương đương hạng III cũ, đến năm 2012 có trình độ đại học, trải qua gần 18 năm công tác, vẫn ở lương hạng III cũ có hệ số lương 3,65, khi chuyển sang hạng III mới có hệ số lương 3,66. Muốn chuyển sang hạng II mới phải trải qua kỳ thi/xét thăng hạng khá vất vả.

Công tác dài hơn 7 năm, có bằng đại học trước khi giáo viên trên nhưng khi bổ nhiệm lương mới thấp hơn, khiến giáo viên bức xúc. Trong số những giáo viên trên có những người đã và đang là tổ trưởng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng,…

Một giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khác nhận công tác năm 2005, khi nhận công tác có trình độ đại học xếp lương tương đương hạng II cũ, công tác 18 năm, hệ số lương hiện nay là 3,99, khi bổ nhiệm xếp lương mới sẽ xếp hạng II mới có hệ số lương 4,0.

Từ những phân tích trên cho thấy việc bổ nhiệm từ lương cũ sang mới vẫn còn tính chất “hên xui”.

Theo người viết phân tích, có sự dễ dãi trong bổ nhiệm từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới sẽ nảy sinh nhiều bất cập, bất công khiến giáo viên lớn tuổi, nhiều thành tích bất mãn, giáo viên trẻ không có động lực phấn đấu vì khi bổ nhiệm hạng mới không cần căn cứ tiêu chuẩn và nhiệm vụ.

Giáo viên đang ở hạng II cũ có hệ số lương 3,33 nếu chuyển qua hạng II mới có hệ số lương 4,0 là sẽ vượt qua rất nhiều giáo viên công tác dài hơn đến gần 10 năm sẽ khiến nhiều người bức xúc.

Người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến việc bổ nhiệm, xếp lương mới đơn giản, dễ dàng, có lợi cho giáo viên nhưng khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới quá dễ dãi, còn “hên xui” sẽ khiến nhiều giáo viên bất bình, tâm tư, không có động lực phấn đấu, nhiều người ở “nhầm hạng”.

Nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại những tồn tại, bất cập điều này. Người viết có những kiến nghị, góp ý về dự thảo Thông tư trên như sau:

Thứ nhất, giáo viên không đảm bảo và thực hiện nhiệm vụ ở hạng cao phải “xuống hạng”.

Theo người viết, có thể quy định nhiệm vụ quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc được giao sau khi bổ nhiệm để thuận tiện trong quá trình bổ nhiệm giống như dự thảo.

Tuy nhiên, sau khi bổ nhiệm trong vòng 03 năm, người được bổ nhiệm phải thực hiện nhiệm vụ tương ứng giáo viên hạng I, II, nếu không đủ tiêu chuẩn, không thực hiện được nhiệm vụ phải xuống hạng thấp hơn liền kề.

Thứ hai, nghiên cứu hệ số lương để không còn tình trạng bất cập 3,33-3,99 cùng chuyển qua hệ số lương 4,0, điều này rất bất cập vì nó không có cơ sở khoa học, việc chuyển xếp lương kiểu “hên xui” này không nên tồn tại.

Tôi cho rằng, để chuyển xếp giáo viên từ 3,33 sang 4,0 phải là giáo viên đặc biệt tiêu biểu, hiệu quả làm việc rất cao, có thành tích nổi bật ít nhất phải có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc phải là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trở lên.

Còn hiện nay, quy định chỉ đủ thời gian giữ hạng là được chuyển sang hạng II mới sẽ dẫn đến có những giáo viên không có thành tích gì, không giữ nhiệm vụ gì ở hệ số lương 3,33, 3,66 được chuyển sang hệ số lương 4,0 khiến nhiều người bức xúc.

Thứ ba, khi bổ nhiệm phải đảm bảo các tiêu chuẩn thi đua, thành tích

Có thể nới lỏng về các tiêu chuẩn nhiệm vụ, tiêu chuẩn đạo đức,… không cần minh chứng như trong dự thảo là đúng nhưng những tiêu chuẩn về thành tích phải được giữ lại. Giáo viên để được bổ nhiệm hạng II, I phải có thành tích về thi đua, khen thưởng,… ở từng hạng, điều này là động lực để giáo viên cố gắng phấn đấu để được thăng hạng. Chỉ cần thủ trưởng xác minh có các thành tích mà không cần minh chứng.

Thứ tư, thăng hạng mỗi năm một lần

Người viết đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, thi/xét thăng hạng mỗi năm một lần để giáo viên có đủ điều kiện được dự thi và thăng hạng lên hạng cao hơn.

Người viết đề xuất bỏ quy định thời gian giữ hạng, giáo viên đủ tiêu chuẩn thì được dự thi/xét thăng hạng để đảm bảo nguyên tắc giáo viên đủ tiêu chuẩn ở hạng nào thì hưởng lương ở hạng đó.

Nếu không đảm bảo tiêu chuẩn hạng đang giữ thì xuống hạng thấp hơn. Việc này nên được quy định rõ trong Thông tư vì Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định điều này.

Thứ năm, bổ sung quy định giáo viên hạng III cũ được chuyển sang hạng II mới

Những giáo viên ở hạng III cũ ở bậc trung học cơ sở, tiểu học có bằng đại học trên 9 năm, đủ tiêu chuẩn hạng II mới nên được bổ nhiệm sang hạng II mới dạng trường hợp đặc cách để bù đắp mất mát, bất công của giáo viên trên thời gian qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi