Bộ nên xây dựng ngân hàng ma trận đề thi, kiểm tra dùng chung toàn quốc

24/11/2021 06:48
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi giáo viên dạy ra đề thì việc dạy chỉ chú trọng vào đề kiểm tra mà không bao quát chương trình, dạy khó hiệu quả.

Ngày 21/11 trên báo điện tử Vietnamnet có đăng tải bài viết “Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam” [1] của tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nghiên cứu chuyên sâu về nhân lực, nhân tài, lãnh đạo học, chuyển đổi số.

Bài viết được nhiều người quan tâm được rất nhiều bình luận, chia sẻ đa số đồng tình, ủng hộ với những giải pháp hay đó.

Nội dung bài viết có rất nhiều quan điểm mới, rất hay và phù hợp với tình hình giáo dục hiện nay, người viết xin được lược trích và chia sẻ một số nội dung trong bài viết mà người viết cho rằng hiến kế của tác giả rất hay, hợp lý nếu áp dụng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó trong bài viết xin được phép phân tích, bổ sung để hy vọng góp thêm tiếng nói nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp cho giáo dục, để giáo dục trở nên thực chất, toàn diện, hiệu quả.

Yếu tố về con người là cực kỳ quan trọng trong công cuộc đổi mới

Xin được trích lược những hiến kế của tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng gồm 2 vấn đề mà người viết rất tâm đắc gồm:

Thứ nhất, trả lương giáo viên cao, tuyển chọn kỹ

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng có nêu “Để chấn hưng nền giáo dục và đào tạo, nên bắt đầu từ người thầy. Đây là người có vai trò then chốt quyết định chất lượng giáo dục, thậm chí dù sách giáo khoa có tồi, trang thiết bị dạy học có thiếu thốn, sĩ số lớp có đông nhưng người thầy xuất sắc, tâm huyết thì vẫn có thể đảm bảo chất lượng giáo dục tốt hơn là khi các điều kiện khác đầy đủ nhưng người thầy tầm thường.

Về phương án hiến kế: “Trước hết, cần đảm bảo lương giáo viên ít nhất tương ứng với những người có cùng trình độ ở các ngành công an, quân đội, thường xuyên xem xét để điều chỉnh, đảm bảo sự hấp dẫn của nghề dạy học. Hàng năm cần có những phần thưởng tôn vinh với các thành tựu, đóng góp xuất sắc của các giáo viên cho sự nghiệp giáo dục.

Giáo viên có thành tích xuất sắc có cơ hội nhận tiền thưởng năng suất lao động. Người xuất sắc gắn bó lâu dài với nghề được nhận số tiền thưởng lớn khi nghỉ hưu vì đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục.

Đối với việc tuyển chọn giáo viên phải thật kỹ lưỡng theo cơ chế 2 vòng, vòng sơ tuyển và vòng thi tuyển quốc gia cạnh tranh, công khai. Một khi được lựa chọn, họ nhận được khoản trợ cấp hằng tháng tương đương 60% lương khởi điểm giáo viên, đồng thời được miễn học phí, cam kết dạy học ít nhất gấp đôi thời gian đào tạo…”

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Rõ ràng những hiến kế về việc trả lương cao, tuyển chọn giáo viên của tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng vô cùng phù hợp, đây là vấn đề then chốt, thực tế do nguyên nhân thu nhập thấp nên chất lượng sinh viên sư phạm chưa cao, ít có người giỏi; giáo viên thì chưa hết tâm sức với nghề; thiếu nhiều giáo viên; giáo viên chưa tận tâm;…

Đã đến lúc phải thay đổi theo hướng tinh gọn, hiệu quả trả lương cao để thu hút giáo viên giỏi.

Giáo viên còn vừa dạy vừa bươn chải mọi nghề để kiểm sống thì khó mà yên tâm với công việc, việc đổi mới cũng khó thành công.

Thứ hai, thi tuyển quốc gia để chọn lãnh đạo trường học (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng)

Trong bài viết có nêu: “Lãnh đạo trường học có vai trò quan trọng quyết định thành bại của trường, lãnh đạo tài giỏi là đầu tàu định hướng, dẫn dắt trường phát triển, lãnh đạo kém tài sẽ ngáng chân người giỏi, cản trở sự phát triển của trường.

Do vậy, chức vụ lãnh đạo trường học phải được trao cho người tài giỏi nhất, tuyệt đối không thể tùy ý bố trí người nhà hoặc thân hữu không có năng lực….”

Cách làm được gợi ý cụ thể như sau: “Các giáo viên trẻ được đánh giá về năng lực lãnh đạo và tạo cơ hội, môi trường để thể hiện cũng như học hỏi. Những người có tiềm năng trở thành lãnh đạo trường được tuyển vào một nhóm để đào tạo, bồi dưỡng trở thành lãnh đạo trường học, cất nhắc làm hiệu phó hoặc hiệu trưởng.

Sau đó, họ phải vượt qua kỳ thi tuyển quốc gia cạnh tranh, công khai. Khi vượt qua được kỳ thi này, ứng viên sẽ được theo học khóa lãnh đạo trường học để chuẩn bị cho việc đề bạt, bổ nhiệm làm hiệu phó hoặc hiệu trưởng.

Chỉ những người vượt qua được kỳ thi nghiêm ngặt này, đáp ứng tốt tiêu chuẩn mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo trường học, dù là “con ông cháu cha” cũng không có ngoại lệ. Chỉ người tài giỏi nhất đáp ứng tốt tiêu chuẩn làm lãnh đạo mới được đề bạt, bổ nhiệm, nhất quyết không được bổ nhiệm kiểu “gọt chân cho vừa giày” hay “so bó đũa chọn cột cờ”.”

Nếu hiệu trưởng, giáo viên được lựa chọn cẩn thận, kỹ càng, cộng với việc làm có tinh thần trách nhiệm của các thành phần trên thì chắc chắn giáo dục sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, phát triển vững chắc.

Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm mọi vấn đề liên quan đến giáo viên, học sinh,… quyết định sự thành bại của chương trình, nếu hiệu trưởng có tâm, có tầm, thương yêu học sinh thì khi đó cả phó hiệu trưởng và giáo viên đều cố gắng hết sức mình thì chắc chắn ngôi trường đó sẽ tiến bộ còn theo chiều ngược lại, nếu hiệu trưởng vô đức, vô năng thì chắc chắn hệ lụy sẽ vô cùng lớn, đã có các hiệu trưởng bị khởi tố, tạm giam vì lạm thu, cố ý làm trái quy định,…

Đổi mới thi cử, kiểm tra là khâu quan trọng thứ hai

Ngoài vấn đề về con người là khâu quan trọng, then chốt trong công cuộc đổi mới, chấn hưng giáo dục thì người viết nhận thấy còn vấn đề rất quan trọng cần thay đổi đó chính là thay đổi việc việc kiểm tra, đánh giá người học.

Hiện nay sau những lần thay đổi chương trình và khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực và phẩm chất cần đạt nhưng việc đổi mới vẫn chưa đạt hiệu quả.

Bằng chứng là sau khi đổi mới thì học sinh vẫn quá tải, vẫn học thêm tràn lan,… việc học thêm tràn lan, vô bổ gây nhiều bức xúc hiện nay không phải do chương trình nặng hay kiến thức nặng mà là chủ yếu do việc ra đề kiểm tra, thi cử như hiện nay.

Hiện nay, việc ra đề kiểm tra giao cho các trường, thực chất là các trường giao cho giáo viên dạy trên lớp ra đề, mà giáo viên ra đề thì nếu là người dạy thêm muốn học sinh học thêm nhiều thì sẽ ra đề kiểm tra khó, phức tạp để học sinh có học thêm thì đã làm trước nên được điểm cao, học sinh không học thêm thì điểm thấp nên lo sợ và đi học thêm.

Mà việc giáo viên dạy ra đề thì việc dạy chỉ chú trọng vào đề kiểm tra mà không bao quát chương trình, dạy khó hiệu quả. Bên cạnh đó, giao cho giáo viên các trường ra đề thì không đồng đều, không thống nhất, không đảm bảo ma trận chung,...

Việc học sinh luôn đạt danh hiệu khá, giỏi ở bậc phổ thông nhưng khi thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì kết quả rất thấp không còn hiếm gặp.

Do đó, không nên giao cho giáo viên dạy trên lớp ra đề và chấm bài thi, kiểm tra cũng là cách hạn chế phần nào việc “o ép” học sinh học thêm, lấy lại công bằng cho học sinh.

Năm nay dịch bệnh phức tạp, nhiều học sinh không được đến trường tuy nhiên các địa phương đã tổ chức dạy online nên các em cơ bản đã quen dần với việc kiểm tra trên máy, việc kiểm tra cơ bản đã thuần thục, đảm bảo.

Nên theo người viết, để tránh tình trạng giáo viên trong nhà trường “o ép” học sinh học thêm chính khóa, tạo sự công bằng giữa các học sinh, giáo viên cố gắng dạy đảm bảo chương trình, không cắt xén chương trình,… góp phần đổi mới, chấn hưng giáo dục thì nên tổ chức kiểm tra trên máy và đề kiểm tra theo ma trận và đề chung cả nước hoặc cả tỉnh (xây dựng ngân hàng đề và câu hỏi phù hợp) có thể kiểm tra trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận theo nội dung phù hợp, hợp lý.

Cơ quan quản lý cao nhất về giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan ban hành chương trình bộ môn và các cá nhân rất giỏi chuyên môn, am hiểu chương trình nên việc ra đề kiểm tra thống nhất cả nước theo chương trình là vô cùng hợp lý.

Hiện nay, dù các địa phương khi thực hiện theo chương trình mới có thể dạy theo các sách giáo khác nhau nhưng sách giáo khoa hiện nay chỉ là tài liệu tham khảo, chương trình là pháp lệnh, thống nhất. Nên dạy theo sách gì, tài liệu tham khảo nào vẫn phải đảm bảo nội dung chương trình, nên việc ra đề kiểm tra thống nhất cả nước vẫn hợp lý.

Do đó, người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ ở tất cả các khối lớp có thể từ bậc trung học cơ sở ở tất cả các môn (trừ các môn năng khiếu, giáo dục địa phương,…) thực hiện đề chung vào một thời điểm thống nhất cả nước (hoặc cả tỉnh) trên phần mềm vnedu.vn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thì sẽ rất tiện lợi, đơn giản, dễ thực hiện và đồng bộ cả nước và tránh được tiêu cực, góp phần đổi mới giáo dục thành công.

Nếu thực hiện tốt điều trên thì việc giáo viên mỗi lớp sẽ cố gắng thực hiện nhiêm vụ của mình, không còn tiêu cực trong việc ra đề, chấm bài, o ép học thêm, cũng là cách so sánh đánh giá các giáo viên một cách cơ bản (đảm bảo bỏ lớp chọn, trình độ các lớp gần như tương đương).

Tôi tin rằng với 3 hiến kế của tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm nghiên cứu thực hiện tốt và việc đổi mới kiểm tra, thi cử theo hướng đồng bộ, thống nhất thì mỗi giáo viên sẽ cố gắng làm hết mình, dành toàn bộ tâm sức, trí lực cho công việc giảng dạy và giáo dục thì khi đó giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sánh vai với các cường quốc trên thế giới là điều đương nhiên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/viet-nam-hung-cuong/hien-ke-chan-hung-giao-duc-viet-nam-792448.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM