Bộ nên gấp rút có phương thức thi cử mới định hướng dạy và học

02/09/2021 07:23
Nguyễn Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần có chương trình khảo thí nói chung, thi tuyển sinh lớp 10 nói riêng theo phẩm chất năng lực người học, chứ không phải theo phương thức thi tuyển hiện nay.

Vấn đề môn chính - môn phụ trong nền giáo dục nước ta đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của xã hội; đặc biệt, sau khi Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông được ban hành, một lần nữa môn chính, môn phụ lại được các diễn đàn giáo dục bàn luận sôi nổi.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài về vấn đề này, được cộng đồng giáo viên trên cả nước quan tâm, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Thế là tới đây sẽ không còn môn chính, môn phụ, cảm ơn Bộ Giáo dục!”; “Không còn môn chính-môn phụ, không còn học sinh yếu kém sau Thông tư 22”;

Vị thế môn chính-môn phụ không nằm ở Thông tư 22 mà ở chương trình, thi cử”; “Nói không có môn chính- môn phụ, theo tôi đó là quan điểm sai lầm”;

Xóa bỏ môn chính - môn phụ: Trước chỉ học thêm 3 môn, giờ phải đầu tư 6 môn”; “Tôi lại lo Thông tư 22 sẽ tăng gấp đôi áp lực học thêm lên học sinh phổ thông”.

Môn chính hay môn phụ do học sinh quyết định”; “Cấp 2 chỉ có 3 môn chính, muốn xóa chính-phụ phải thay đổi cách thi vào lớp 10”.

Có thể nói, tất cả các bài viết trên đều thu hút được sự quan tâm của độc giả. Đó là một dấu hiệu vui cho giáo dục, cho thấy người dân đã và đang theo dõi những chính sách, giải pháp của ngành chấn hưng giáo dục.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Tại sao Bộ nên gấp rút có có phương thức thi cử mới?

Thứ nhất, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan.

Sau khi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ban hành, nỗi lo học sinh lại bị “cối đá úp đầu” bởi dạy thêm, học thêm tràn lan; học thêm ở lớp 6 bây giờ không chỉ là 3 môn chính truyền thống (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), mà có thể là… tất cả các môn có cách đánh giá bằng nhận xét và cho điểm.

Lo lắng trên của dư luận của không phải không có cơ sở, khi mà giáo dục chúng ta đang dạy và học vì điểm số, vì thành tích, vì giấy khen, vì… mơ ước của gia đình.

Thực tế mà nói Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT không có tác dụng tích cực trong dạy thêm, học thêm; vì dạy thêm, học thêm ở trung học cơ sở bị chi phối bởi tuyển sinh lớp 10, chứ không phải… văn bản chỉ đạo của Bộ.

Nên, bên cạnh hoàn thiện văn bản quản lý dạy thêm, học thêm, Bộ cần thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10.

Thứ hai, khẳng định chương trình giáo dục 2018 vì phát triển phẩm chất năng lực người học.

Chương trình giáo dục 2000 đang bị mục tiêu “tiến sĩ giấy”, học để ứng thí, học để “làm quan” khóa chặt từ cách dạy của thầy, cách học học của trò; mục tiêu học để thành thợ giải bài, không phải học để làm, học để khai phóng bản thân, đóng góp cho nhân loại.

Chính khái niệm môn chính, môn phụ cũng có từ đây, học nhưng không vì phẩm chất năng lực người học. Quy định thi cái gì, môn gì, thì nhà trường, học sinh dạy và học theo môn đó, đó là môn chính; người thích bơi, phải học chạy; người giỏi vẽ, phải học hát; người hát hay, phải học vẽ.

Vì thế, cần có chương trình khảo thí nói chung, thi tuyển sinh lớp 10 nói riêng theo phẩm chất năng lực người học, chứ không phải theo phương thức thi tuyển hiện nay.

Thứ ba, khẳng định chương trình mới coi trọng dạy người.

Hiện tượng giới trẻ tôn sùng “giang hồ mạng”, “thần tượng” lệch lạc, coi thường chuẩn mực đạo đức xã hội phải chăng cũng vì giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp Trung học cơ sở, chú trọng dạy chữ, coi nhẹ dạy người?

Muốn dạy người, người học và người dạy phải hạnh phúc. Người học phải được tự do, học theo sở thích và năng lực của mình; môn nào chính hay phụ là do mình quyết định.

Muốn người học được tự do, học theo sở thích và năng lực của mình; môn nào chính hay phụ là do mình quyết định phải cho họ thấy ánh sáng tương lai phía trước, thấy đích để bước đi, không bị ngoại cảnh chi phối, được là chính mình.

Một học sinh thích Lịch sử, thế nhưng bố mẹ,… nói lo học ba môn chính để thi tuyển sinh lớp 10, sở thích đó liệu có còn, niềm tin vào xã hội có còn?

Đứa trẻ không dám phản kháng, không là chính mình, sẽ tôn sùng bất cứ ai dám phản kháng; thực tế, những học sinh “cá biệt” thường được bạn bè “ngưỡng mộ”, vậy làm sao có thể dạy người khi chúng ta tước đi quyền là chính mình, quyền được ghét, được yêu môn học của học trò?

Thứ tư, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Phương án tuyển sinh lớp 10 nói riêng thi cử nói chung, nghe qua không liên quan gì đến chỉ đạo của Thủ tướng “học thật, thi thật, nhân tài thật”, nhưng thực tế có mối quan hệ mật thiết.

Có phương án tuyển sinh lớp 10 bám sát mục tiêu đổi mới của chương trình 2018 sẽ có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, từ dạy chữ đến dạy người; từ thực hiện giáo dục vì con người, vì hạnh phúc của học sinh, đến đào tạo ra nhân tài thật ngay từ trung học cơ sở; vậy tại sao không nên làm ngay?

Phương án tuyển sinh, thi cử khi thực hiện chương trình mới chắc chắn sẽ phức tạp, cần trí tuệ của xã hội, từ các chuyên gia cho đến phụ huynh, học sinh.

Để thực hiện mục tiêu "Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn", đối với mỗi môn học, việc lựa chọn, sắp xếp nội dung giáo dục bảo đảm sự tinh giản, gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực thi các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

Phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng" [1] cần phải đồng bộ thay đổi từ gốc đến ngọn; từ nội dung giáo dục đến phương thức thi cử.

Vì vậy, người viết thiết tha mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành dự thảo, lấy ý kiến đóng góp của dư luận, có một phương thức thi cử tối ưu, định hướng cho việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục; xóa bỏ tàn dư học để thi, học để lấy giấy khen, học để lấy thành tích như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=847

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Hồng Nhung