Bộ nên cấm các trường bán SGK để dẹp triệt để chuyện "bia kèm lạc"

19/06/2022 06:48
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách giáo khoa là mặt hàng mà mọi học sinh cần phải có trong quá trình học tập nên giá sách giáo khoa tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh cả nước.

Trong 2 năm qua, dịch Covid quái ác hoành hành đã gây rất nhiều hệ lụy cho mọi người, mọi ngành, ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.

Khi vật giá leo thang, học phí sắp tới cũng có thể tăng mạnh theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP,…giá sách giáo khoa theo chương trình mới tiếp tục tăng từ 2-3 lần so với chương trình cũ khiến nhiều gia đình khó khăn, quá sức chịu đựng. Giá sách giáo khoa tăng đã là khó khăn nhưng gánh nặng với các gia đình chính là vấn đề bán sách giáo khoa kèm trọn bộ sách bài tập, sách tham khảo. Nhiều cuốn sách được phụ huynh cho là không cần thiết và gây lãng phí.

Những giải pháp quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ

Sách giáo khoa là mặt hàng mà mọi học sinh cần phải có trong quá trình học tập nên việc giá sách giáo khoa tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh cả nước.

Sách giáo khoa tăng giá 2-3 lần được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình tại Quốc hội là bộ sách của chương trình 2018 biên soạn mớixã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội; Các loại sách này được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn;

Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do các doanh nghiệp đảm nhiệm, sau đó kê khai giá với Bộ Tài chính.

Ngày 13/6, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Không được lập danh mục, đóng gói SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo” của tác giả Thiên Ân trong đó có nêu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông trong đó có các giải pháp khá hợp lý (trích lược) như:

“Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa, không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền;

Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào;

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có sách giáo khoa đã được phê duyệt tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa nhằm tiết kiệm, giảm giá thành sách giáo khoa; kịp thời in ấn, phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh.”

Mới nhất, Báo cáo tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì vào chiều 13/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính, tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá.[1]

Với các động thái quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hy vọng giá các mặt hàng thiết yếu liên quan giáo dục nhất là sách giáo khoa sẽ được bình ổn, giảm giá trong thời gian tới.

Sách mới có nơi phản ánh dễ hư hỏng, bong gáy hơn

Trong các nguyên nhân thì nguyên nhân sách giáo khoa được in khổ to, giấy đẹp gặp nhiều phản ứng trái chiều, chưa thuyết phục khi nhiều gia đình còn khó khăn, nhất là giai đoạn hiện nay.

Thực tế, việc ban hành sách giáo khoa khổ to, giấy đẹp cũng tạo một phần kích thích cho học sinh trong quá trình học, học sinh quan sát và tiếp thu bài tốt hơn, những gia đình có điều kiện cũng có mong muốn học với sách đẹp.

Tuy nhiên, nó có 3 vấn đề cần bàn đó là sách khổ to, giấy đẹp thì bán với giá thành cao; sách khổ to, giấy đẹp thì dễ bong gáy, hư hỏng khó sử dụng lại; không phù hợp với những gia đình khó khăn.

Một quyển sách sử dụng chưa hết năm đã hư hỏng, bong gáy - Ảnh tác giả cung cấp

Một quyển sách sử dụng chưa hết năm đã hư hỏng, bong gáy - Ảnh tác giả cung cấp

Theo người viết, ngoài việc sản xuất sách giáo khoa đảm bảo các Tiêu chuẩn Việt Nam, phải tăng cường chất lượng sách giáo khoa mới có thể sử dụng được lâu dài, chất lượng hiện nay theo tôi là chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, người viết cho rằng hiện nay chính việc học sinh không được quyền chọn nơi mua sách giáo khoa (thường là mua tại trường) chính là nguyên nhân học sinh không được mua sách cũ giá rẻ để học.

Theo người viết, bên cạnh các giải pháp trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiêm cấm các cơ sở giáo dục bán sách giáo khoa, hãy để quyền mua bán sách giáo khoa, sách tham khảo cho các nhà sách.

Vai trò quan trọng của thư viện trường phổ thông trong việc sách được sử dụng nhiều lần

Người viết cho rằng thời gian gần đây vai trò của thư viện trường học khá mờ nhạt, không có đóng góp gì trong việc sách giáo khoa dùng lại được nhiều lần.

Để sách giáo khoa không lãng phí được sử dụng lại nhiều lần như chỉ thị 643/CT-BGDĐT về sách giáo khoa, phải nâng cao vai trò của thư viện.

Cụ thể, đầu năm thư viện phải tham mưu thủ trưởng ban hành kế hoạch quyên góp sách giáo khoa, sinh hoạt học sinh cách dùng sách giáo khoa cẩn thận, không viết vẽ vào sách giáo khoa,...để cuối năm có thể quyên góp cho các bạn khóa sau, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giáo dục tính nhân văn, nhường cơm sẻ áo, tính tiết kiệm cho các em học sinh.

Kết hợp nhà trường thường xuyên tuyên truyền về việc sử dụng sách, cuối năm tiến hành phát động việc thu gom sách, khen thưởng các lớp thực hiện tốt.

Sau khi nhận sách quyên góp, tiến hành phân loại, lựa chọn sách còn sử dụng được, đóng gói thành bộ và chuẩn bị phát lại cho học sinh ở năm học tiếp theo.

Học sinh không có điều kiện mua sách mới, ngoài việc có thể mượn tại các thư viện trường (quyên góp hàng năm) hoặc mua sách giáo khoa cũ bên ngoài, tiết kiệm một phần kinh phí.

Thực hiện tốt các giải pháp trên thì các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ có cơ hội mua sách giáo khoa mới với giá vừa phải, được mua và sử dụng sách giáo khoa cũ, được nhận những quyển sách tốt do quyên tặng,..sẽ giảm được phần nào chi phí, dịch vụ trong học tập.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.vietnamplus.vn/thong-nhat-khong-tang-gia-dich-vu-giao-duc-nam-hoc-2022-2023/797662.vnp

Minh Khoa