Bộ nên cấm các Sở Giáo dục bán sách luyện thi vào 10 cho học sinh

07/05/2021 07:10
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách tài liệu tuyển sinh 10 không bao giờ dư thừa vì được in theo số lượng đã được đặt hàng từ trước và nó nằm trong một vòng tròn khép kín từ Sở đến tay học trò.

Hiện nay, để phục vụ cho việc ôn tập thi tuyển 10, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã đứng ra biên soạn tài liệu ôn tập và bán cho học sinh, giáo viên ở các nhà trường. Khi ra đề thi, Sở sẽ hướng vào nội dung của các cuốn tài liệu này.

Mỗi cuốn sách có giá từ 40-50 ngàn đồng- dù không phải là quá lớn nhưng nó cũng đã tạo thêm gánh nặng cho nhiều phụ huynh bởi mỗi kỳ thi có ít nhất từ 3 môn thi trở lên.

Trong khi, lâu nay thì ngành giáo dục đã chủ trương là đề thi, đề kiểm tra không ra kiến thức ngoài sách giáo khoa thì việc bán sách tài liệu ôn thi tuyển sinh 10 là một việc làm không thực sự cần thiết và có phần lãng phí.

Kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay đang có nhiều... dịch vụ ăn theo (Ảnh mang tính chất minh họa, nguồn: Thùy Linh)

Kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay đang có nhiều... dịch vụ ăn theo

(Ảnh mang tính chất minh họa, nguồn: Thùy Linh)

Sách tuyển sinh 10 đang được bán theo đường “nội bộ”

Thông thường, khi bước vào đầu học kỳ II thì bộ phận chuyên môn của Sở Giáo dục sẽ gửi kế hoạch thi tuyển sinh 10 về các nhà trường. Đồng thời, Sở cũng triển khai việc bán sách tài liệu ôn thi đến các nhà trường.

Sau đó, các Phòng Giáo dục yêu cầu các trường triển khai việc cho học sinh đăng ký mua sách tuyển sinh với rất nhiều “từ nhấn” quan trọng để nhà trường và học sinh đăng ký mua sách.

Các trường sẽ báo số lượng về Phòng, Phòng tổng hợp và báo về Sở, sau đó những cuôn sách tài liệu này sẽ được in ấn và chuyển về các nhà trường vào thời điểm cuối năm học.

Nhìn chung, sách tuyển sinh 10 không bao giờ bị dư thừa vì được in theo số lượng đã được đặt hàng từ trước và nó nằm trong một vòng tròn khép kín từ Sở Giáo dục và đến các nhà trường.

Đã nhiều lần, giáo viên ôn thi góp ý là nhà trường chỉ cần đăng ký mua vài cuốn, sau đó photo cho học sinh thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí của học sinh. Hoặc, những học sinh có anh chị học khóa trước có thể tận dụng những cuốn sách cũ để ôn tập sẽ tránh được những lãng phí.

Nhưng, năm nào Ban giám hiệu nhà trường cũng nói không được với lý do đơn giản là sách đem photo là sai quy định. Hơn nữa, sách in năm nay có nhiều điểm mới.

Tuy nhiên, hàng chục năm tham gia ôn thi tuyển sinh 10 theo kế hoạch của nhà trường thì chúng tôi chẳng thấy “mới” được bao nhiêu. Nội dung sách giáo khoa gần 20 năm qua vẫn một chương trình, thậm chí còn được giảm tải đi rất nhiều bài.

Chẳng hạn như từ năm học 2019-2020 đến nay do tình hình dịch bệnh nên Bộ đã có hướng dẫn giảm tải rất nhiều bài học. Những bài giảm tải này sẽ không nằm trong chương trình học chính khóa và thi tuyển sinh 10.

Thế nhưng, những cuốn sách được Hội đồng bộ môn của Sở biên soạn hàng chục năm nay vẫn vậy.

Những bài giảm tải cũng không được bỏ đi, vẫn in với số trang cũ. Đáng lẽ ra những bài giảm tải sẽ phải bỏ đi để giảm số trang, giảm giá thành cho học sinh nhưng không hiểu sao Sở vẫn để nguyên như vậy.

Vì thế, mặc dù mỗi năm học thì sách tài liệu ôn tập được in mới nhưng về cơ bản thì số trang, nội dung không thay đổi. Chỉ khác, phần cuối sách bao giờ cũng có 3 đề thi của năm gần nhất với năm in để học sinh tham khảo.

Điều này cũng đồng nghĩa sách tài liệu ôn thi tuyển sinh 10 mỗi năm in ra chỉ bỏ một đề cũ (đã thi cách nay 4 năm) và thêm vào một đề mới (năm thi vừa qua) mà thôi.

Mỗi tỉnh ít cũng có gần chục ngàn thí sinh dự thi, những tỉnh (thành) lớn lên tới 60-70 ngàn thí sinh dự thi tuyển sinh 10. Nếu địa phương nào cũng in ấn, phát hành sách tài liệu tuyển sinh 10 thì số tiền phụ huynh cả nước bỏ ra cũng là một con số không hề nhỏ chút nào.

Và, có lẽ là “hoa hồng” cũng được rải đều ở nhiều cấp, nhiều bộ phận nên nhiều Ban Giám hiệu rất sốt sắng việc bán sách cho học trò và các Phòng Giáo dục cũng rất nhiệt tình đốc thúc các trường…

Có cần thiết phải có sách tài liệu ôn tập tuyển sinh 10 hay không?

Nhiều năm ôn tập tuyển sinh 10, chúng tôi thấy rằng Sở không cần thiết phải biên soạn sách tài liệu và bán sách đến các nhà trường bởi các lý do sau:

Thứ nhất: nội dung, kiến thức, chương trình môn học đã được Bộ, Sở và Hội đồng bộ môn của tỉnh thống nhất rất cụ thể. Những bài học nào chính khóa nằm trong nội dung thi cử, những bài nào tự học, đọc thêm không nằm trong kiến thức thi thì giáo viên đã nắm rất kỹ phần này.

Họ sẽ biết hướng dẫn cho học sinh học bài, ôn tập chính xác, không cần thiết phải thêm tài liệu của Sở làm gì.

Thứ hai: những cuốn tài liệu ôn tập tuyển sinh 10 mà Sở phát hành cũng chỉ là cách hệ thống lại các bài học, các ghi nhớ, khái niệm, bài tập ở sách giáo khoa, không có gì mới. Nhưng, học sinh phải mua sách tuyển 10 với giá gấp 3-4 lần sách giáo khoa là một sự lãng phí.

Cái lợi chỉ có một số ít người nhưng phụ huynh, các trường học phải mua hàng năm với một khoản tiền không hề nhỏ. Mỗi em ít nhất là 140.000 đồng, hàng chục ngàn em trong một tỉnh sẽ là số tiền khá lớn.

Trong khi, thời gian học sách tài liệu tuyển sinh 10 chỉ trên dưới 1 tháng rồi bỏ phí, không còn giá trị sử dụng.

Thứ ba: theo định hướng chuyên môn từ hàng chục năm nay thì nội dung kiểm tra, thi cử luôn bám vào chuẩn kiến thức kỹ năng nên người ra đề phải bám sát vào nội dung sách giáo khoa chứ không thể là kiến thức ngoài sách giáo khoa được.

Vì thế, nhiều năm qua thì Bộ cũng thường chỉ cho phép bán sách giáo khoa trong trường học. Các loại sách khác không được khuyến khích bán…Vậy nên, việc bán tài liệu tuyển sinh 10 là việc không nên làm của Sở Giáo dục nhiều địa phương.

Chỉ tiếc, những cuốn sách tài liệu tuyển sinh 10 vẫn liên tục được nhiều Sở Giáo dục chủ trương phát hành và bán cho học sinh các trường trung học cơ sở vào dịp cuối năm học để ôn thi tuyển sinh 10!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

LÊ VĂN MINH