Bộ lấy đâu ra giáo viên tích hợp, sao cứ vội vã "tích hợp" 2-3 môn vào 1 sách?

04/04/2021 06:44
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều lo lắng nhất là khi chưa chuẩn bị đội ngũ giáo viên tích hợp, chưa có kế hoạch đào tạo giáo viên tích hợp mà chúng ta đã vội vã “tích hợp”.

Chương trình phổ thông mới 2018 xuất hiện hai bộ môn mới ở bậc trung học cơ sở là Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.

Việc ra đời hai môn mới Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích là môn học tích hợp.

Môn mới Lịch sử và Địa lý là tích hợp của hai môn học trước đây Lịch sử, Địa lý. Môn Khoa học tự nhiên được cho là tích hợp của ba môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Việc ra đời hai môn học “tích hợp” đã nhận được ý kiến trái chiều của dư luận, đặc biệt là những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy và các nhà giáo tâm huyết.

Điều lo lắng nhất là khi chưa chuẩn bị đội ngũ giáo viên tích hợp, chưa có kế hoạch đào tạo giáo viên tích hợp mà chúng ta đã vội vã “tích hợp”.

Điều lo lắng này đã được minh chứng trong kết quả nghiên cứu "Giải pháp giảng dạy tích hợp môn khoa học xã hội cho học sinh các trường trung học cơ sở vùng Đông Nam Bộ" cho thấy có 53,9% giáo viên được đào tạo sư phạm đơn môn và 46,1% đào tạo đa môn. Tuy nhiên, đa số giáo viên dạy lịch sử hoặc địa lý riêng rẽ, chỉ có 15,8% giáo viên giảng dạy đồng thời cả 2 môn.

Các nghiên cứu cho thấy giáo viên các môn khoa học tự nhiên có khả năng dạy 2 môn vật lý - hóa học hoặc hóa học - sinh học dưới 30%, số giáo viên có thể dạy đồng thời 3 môn hoặc 2 môn vật lý - sinh học rất ít. Trong khi đó, số giáo viên lịch sử, địa lý có khả năng dạy cả 2 môn khoảng 16%.[1]

(Ảnh minh hoạ đăng trên Giaoduc.net.vn)

(Ảnh minh hoạ đăng trên Giaoduc.net.vn)

Công tác đào tạo giáo viên tích hợp như thế nào?

Người viết đã tìm hiểu công tác tuyển sinh của những trường Sư phạm hàng đầu hiện nay của nước ta để tìm hiểu chỉ tiêu tuyển sinh ngành Lịch sử và Địa lý, ngành Khoa học tự nhiên.

Trường Đại học sư phạm Hà Nội [2], Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh [3] không có chỉ tiêu ngành Lịch sử và Địa lý, ngành Khoa học tự nhiên.

Trường Đại học sư phạm Huế [4] có 60 chỉ tiêu cho mỗi ngành ngành Lịch sử và Địa lý, ngành Khoa học tự nhiên.

Có thể nói, còn lâu, rất lâu nữa mới có thể có đủ giáo viên ngành tích hợp để dạy môn tích hợp khi các “máy cái” không chịu đào tạo giáo viên ngành Lịch sử và Địa lý, ngành Khoa học tự nhiên.

Vấn đề đặt ra là, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên ngành tích hợp (ngành Lịch sử và Địa lý, ngành Khoa học tự nhiên) cho các trường Sư phạm?

Hay những trường đại học Sư phạm không đào tạo ngành Lịch sử và Địa lý, ngành Khoa học tự nhiên do không có nhân lực đào tạo ngành này?

Bồi dưỡng chương trình 2018 sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không tận dụng đào tạo giáo viên tích hợp?

Tất cả giáo viên trung học cơ sở đang học bồi dưỡng chương trình mới với phương thức trực tuyến và trực tiếp.

Mỗi giáo viên học theo đơn môn đào tạo của mình. Như vậy, sau khi hoàn thành 9 mô-đun bồi dưỡng chương trình mới, tuyệt nhiên không có thêm một giáo viên “tích hợp” nào.

Trong khi đó, số giáo viên lịch sử, địa lý có khả năng dạy cả 2 môn khoảng 16%. Giáo viên các môn khoa học tự nhiên có khả năng dạy 2 môn vật lý - hóa học hoặc hóa học - sinh học khoảng 30%.

Nếu có cơ chế thích hợp trong bồi dưỡng chương trình mới, chúng ta có thể có 16% giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý; 30% giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên trong tổng số giáo viên đơn môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Đây chính là điều đáng tiếc, lãng phí, đáng lẽ ra chúng ta có thể “tiết kiệm” được khi bồi dưỡng chương trình mới.

Rõ ràng công tác đào tạo nhân lực ngành Lịch sử và Địa lý, ngành Khoa học tự nhiên đã và đang bị bỏ trống. Không bồi dưỡng liên môn còn lâu mới hết cảnh ba thầy cùng dạy một cuốn sách.

Điều này càng củng cố những nghi ngờ, lo lắng mà dư luận đã đặt ra khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương “tích hợp” các môn học Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Vì vậy, nỗi lo “cha chung không ai khóc khi ba thầy cùng dạy một cuốn sách” sẽ còn tồn tại lâu dài với giáo dục nước nhà.

Dạy học tích hợp là xu thế của thế giới, thế nhưng không có giáo viên tích hợp thật sự liệu tích hợp có thành công?

Để góp phần xây dựng đất nước, không gì hơn lúc này, mỗi giáo viên bộ môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học tự bồi dưỡng kiến thức cho mình, tự nâng hạng cho bản thân thành giáo viên tích hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/sgk-tich-hop-nhieu-noi-lo-20210108223205337.htm

[2] https://eduplus.edu.vn/dai-hoc-su-pham-ha-noi/

[3] https://eduplus.edu.vn/truong-dai-hoc-su-pham-thanh-pho-ho-chi-minh

[4] http://tuyensinh.hueuni.edu.vn/News/Detail/dai-hoc-hue-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-trinh-do-dai-hoc-he-chinh-quy-nam-2021_20210208095627

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến