Bộ không cấm, hay ngăn cản chọn nhiều đầu sách giáo khoa trong cùng 1 tỉnh

06/05/2020 06:00
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Đọc cả Điều 2 và Điều 3 trong Dự thảo sẽ hiểu rõ nghĩa của câu mỗi 1 môn học chọn 1 đầu sách giáo khoa, và không có nghĩa là cả tỉnh phải chọn cùng 1 đầu sách.

Dư luận xã hội cảm thấy khó hiểu, thắc mắc với mục 2 Điều 2 về nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa trong dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa mới trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Dự thảo Thông tư này được xây dựng căn cứ theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Ở mục 2 Điều 2 có ghi: “Mỗi môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) ở một khối lớp lựa chọn 01 (một) đầu sách giáo khoa”.

Điều này dẫn đến mập mờ ở việc mỗi môn học trong dự thảo là khối lớp chỉ được chọn một đầu sách.

Trong khi đó, phê duyệt khung chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ đã chỉ đạo một chương trình và nhiều tài liệu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành: "Mỗi tỉnh có thể chọn nhiều đầu sách cho nhiều vùng trong tỉnh sao cho phù hợp, nhưng mỗi 1 trường chỉ được chọn 1 đầu sách cho 1 môn học để đảm bảo tính thống nhất trong dạy học tại trường đó". Ảnh: Tùng Dương.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành: "Mỗi tỉnh có thể chọn nhiều đầu sách cho nhiều vùng trong tỉnh sao cho phù hợp, nhưng mỗi 1 trường chỉ được chọn 1 đầu sách cho 1 môn học để đảm bảo tính thống nhất trong dạy học tại trường đó". Ảnh: Tùng Dương.

Trước dư luận xã hội đang quan tâm, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Thành cho biết: “Trong bản Dự thảo thì tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải đảm bảo nguyên tắc kế thừa Thông tư 01, đảm bảo quyền tham gia của giáo viên tại các cơ sở giáo dục khi đóng góp ý kiến của mình trong việc lựa chọn sách giáo khoa mới.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà trường cũng đã chọn sách theo Thông tư 01.

Điều 8 trong Thông tư có ghi rõ bắt đầu lấy ý kiến từ giáo viên, đến tổ bộ môn, đến nhà trường, những ý kiến này được gửi lên phòng giáo dục, sau khi tập hợp ý kiến của các trường, phòng sẽ gửi lên Hội đồng chọn sách giáo khoa của tỉnh.

Việc lựa chọn sách giáo khoa thì có quy định tại điều 2 và điều 3 trong Thông tư, và ý của việc chọn mỗi môn học 1 đầu sách giáo khoa, có nghĩa là: Với môn học này ở trong cùng 1 cơ sở giáo dục thì chỉ chọn 1 đầu sách, chứ không được chọn 2, ví dụ môn Toán không thể chọn cùng lúc 2 đầu sách giáo khoa.

Nhưng không có nghĩa là cả một tỉnh đều chọn đồng loạt cùng 1 đầu sách Toán đó, việc này được thể hiện ở Điều 3 trong dự thảo khi nói về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa: Phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, và của từng khu vực của địa phương đó.

Ngay như trong cùng 1 tỉnh thì quyển sách giáo khoa này phù hợp với vùng này, nhưng có thể với vùng khác mà tiêu chí của tỉnh đặt ra chưa chắc đã phù hợp.

Chính vì vậy mới có câu là phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, và của từng khu vực của địa phương đó".

Cách bố trí, thiết kế có thể khác nhau nhưng điểm chung là tất cả các sách giáo khoa đều phải đáp ứng yêu cầu chương trình thì mới được phê duyệt và cho phép sử dụng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Cách bố trí, thiết kế có thể khác nhau nhưng điểm chung là tất cả các sách giáo khoa đều phải đáp ứng yêu cầu chương trình thì mới được phê duyệt và cho phép sử dụng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cũng theo ông Thành: "Khi đưa Dự thảo lên để xin ý kiến đóng góp của mọi người, khi đã có ý kiến chưa rõ Bộ xin tiếp thu và chỉnh sửa để làm sao diễn đạt rõ nghĩa, cũng như để Điều 2 và Điều 3 phải ăn khớp với nhau.

Hiện nay Điều 3 đã ghi rõ như vậy, nhưng nếu mọi người đọc cả Điều 2 và 3 thì sẽ rõ ngay nghĩa của câu mỗi môn học chọn 1 đầu sách giáo khoa, và không có nghĩa là cả tỉnh phải chọn cùng 1 đầu sách giáo khoa.

Trong Luật có quy định là phải sử dụng ổn định, có nghĩa không tự nhiên năm nay chọn sách này, nhưng năm sau lại chọn sách khác, giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông trong quá trình dạy học nếu không có ý kiến thì không có lý do gì tự nhiên hội đồng chọn sách của tỉnh lại đi thay đổi đầu sách.

Nhưng nếu trong quá trình sử dụng sách giáo khoa để triển khai tổ chức dạy học mà giáo viên thấy có vấn đề gì, hoặc thấy không đáp ứng được, không phù hợp thì sẽ có ý kiến để xuất, trong những lần lựa chọn tiếp theo nếu hội đồng xét thấy những đề đạt trên là đúng và cần thiết phải thay đổi thì hội đồng sẽ bàn bạc, cân nhắc để điều chỉnh chọn đầu sách khác cho phù hợp với thực tế.

Bộ không cấm, hay ngăn cản chọn nhiều đầu sách giáo khoa trong cùng 1 tỉnh ảnh 3Giá sách giáo khoa mới tăng cao, ai được lợi?

Chương trình của chúng ta hiện nay với quan điểm phát triển hiện đại, chứ không phải như chương trình trước đây ban hành ra là sử dụng trong nhiều năm mà không thay đổi.

Hiện nay chương trình theo xu thế phát triển, Thông tư 32 cũng ghi rõ như vậy, trong quá trình vận hành áp dụng chương trình sẽ luôn luôn có phát triển nội dung đáp ứng yêu cầu của thực tế, đó là ý thứ nhất.

Ý thứ 2 là đối với sách giáo khoa thì bây giờ cũng phải có quan niệm khác so với trước đây, sách giáo khoa do nhiều tổ chức cá nhân xây dựng và điều quan trọng nhất là tất cả sách giáo khoa đều phải đáp ứng yêu cầu của chương trình mà Bộ đã đề ra.

Vậy nên cách bố trí, thiết kế có thể khác nhau nhưng điểm chung là tất cả các sách giáo khoa đều phải đáp ứng yêu cầu chương trình.

Khi đưa ra hội đồng thẩm định đều phải bảo đảm yêu cầu chương trình thì mới được phê duyệt và cho phép sử dụng.

Vậy nên về nguyên tắc là sử dụng quyển sách giáo khoa nào cũng đáp ứng được yêu cầu. Sự khác nhau giữa các quyển sách giáo khoa khác nhau để đảm bảo sự phù hợp của các cơ sở giáo dục chính là ở Điều 3 đã quy định.

Đó là phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương và của từng vùng của địa phương, trong thực tế là nhiều tỉnh có cả đồng bằng, miền núi, miền biển, thành thị…nên mỗi vùng trong tỉnh có thể chọn 1 đầu sách giáo khoa phù hợp với vùng của mình.

Chính vì thế nên tiêu chí đặt ra ở Điều 3 là Ủy ban nhân dân tỉnh phải cụ thể hóa việc này của tỉnh mình, phù hợp với tình hình kinh tế của từng vùng là như vậy”.

Trong 1 tỉnh được chọn nhiều đầu sách!

Ông Thành khẳng định: “Khi các tỉnh ra tiêu chí lựa chọn rồi, mặc dù quyển sách giáo khoa nào cũng đáp ứng được tiêu chí của chương trình nhưng ngữ điệu trong sách, cách bố trí trong sách nó sẽ khác và phù hợp với điều kiện của vùng này, nhưng với vùng khác có thể dùng sách giáo khoa khác sẽ phù hợp hơn.

Mỗi tỉnh có thể chọn nhiều đầu sách cho nhiều vùng trong tỉnh sao cho phù hợp, nhưng mỗi 1 trường chỉ được chọn 1 đầu sách cho 1 môn học để đảm bảo tính thống nhất trong dạy học tại trường đó.

Đó cũng là nghĩa của Điều 2 trong Dự thảo, chứ không phải là cả tỉnh chỉ được chọn 1 đầu sách giáo khoa. Tới đây khi chỉnh sửa thì Bộ sẽ lưu ý điểm này để diễn giải cho đủ ý và rõ nghĩa hơn, tránh tình trạng gây hiểu nhầm như hiện nay.

Cũng chính vì điều này nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng Thông tư lên mạng trong 2 tháng để xin ý kiến đóng góp, với mục đích xem người đọc có hiểu đúng nghĩa của ban soạn thảo đã viết ra hay không, và khi có ý kiển hiểu chưa rõ thì Bộ sẽ tiếp thu và làm rõ những ý đó để tránh gây nhầm lẫn”.

Quy định về thành phần Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi môn học của một cấp học thành lập một Hội đồng.

Thành viên hội đồng lựa chọn sách giáo khoa bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.

Hội đồng có trách nhiệm lựa chọn sách giáo khoa theo quy định và tiêu chí của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đề xuất danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; Giải trình trước cấp tỉnh về danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, việc tiếp thu ý kiến góp ý về việc lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo quy định tại dự thảo Thông tư, người đã tham gia biên soạn, thẩm định, chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt không được tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.

Việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải tuân theo ba nguyên tắc: Sách giáo khoa phải thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Tùng Dương