Bộ khoán tập huấn cho các nhà xuất bản, giáo viên như cưỡi ngựa xem hoa

14/10/2020 06:08
Nguyễn Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Bộ không thay đổi cách làm, vẫn giao toàn bộ việc tập huấn cho các nhà xuất bản thì chúng tôi tin rằng không chỉ lớp 1 mà các lớp còn lại cũng sẽ như vậy.

Dù cho chương trình, sách giáo khoa mới có hay, có tốt như thế nào đi chăng nữa nhưng nếu tập huấn cho giáo viên mà sơ sài, chiếu lệ thì việc thay đổi chương trình lần này cũng sẽ khó thành công như mục tiêu đã đề ra.

Cho dù, từ nhiều năm qua thì Bộ Giáo dục đã chỉ đạo lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ là người dẫn dắt, gợi mở, định hướng vấn đề nhưng thực tế không mấy trường và giáo viên làm được điều này liên tục.

Bởi, những tiết như vậy thì chủ yếu mới dừng lại ở các tiết thao giảng chuyên đề, thi giáo viên giỏi hoặc khi có giáo viên dự giờ lẫn nhau nên đa phần đã được làm nháp trước…

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Đài truyền hình Bắc Kạn.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Đài truyền hình Bắc Kạn.

Trong khi, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm nay thì khâu tập huấn cho giáo viên còn quá ít nên ngay năm đầu tiên nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình giảng dạy ở các nhà trường.

Việc tập huấn chưa được chú trọng

Điều mà ai cũng biết là việc Bộ chủ trương chỉ thực nghiệm một số đơn vị kiến thức khó, kiến thức mới cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã là một hạn chế nhất định.

Bởi, việc thực nghiệm chỉ dừng lại ở một số nhà trường, khi thực nghiệm có nhiều thành phần xây dựng, dự giờ có lãnh đạo Sở, Phòng, các nhà biên soạn đi cùng thì đương nhiên những giáo viên được giao thực nghiệm khó nói hết được những khó khăn, hạn chế của chương trình mới.

Nhất là việc thực nghiệm, tập huấn chương trình, sách giáo khoa mới lần này thì Bộ gần như đã giao hết công việc này cho các nhà xuất bản…

Thực hiện công văn số 2058/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở đã phối hợp với các nhà xuất bản tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên nhưng nhiều môn học chỉ được tập huấn trực tiếp từ 1 buổi đến 1 ngày…

Vì vậy, chủ yếu là các cán bộ tập huấn cũng chỉ giới thiệu lướt qua được bộ sách mà giáo viên tập huấn mà thôi.

Giáo viên thì được tập huấn trực quá ít thời gian nhưng phải thực hiện bài tập ngay trong ngày hôm đó để gửi đến địa chỉ của đơn vị tập huấn rồi vội vàng bước vào giảng dạy ở trên lớp.

Chính vì thế, nhiều giáo viên dạy chương trình mới gặp muôn vàn khó khăn. Họ không chỉ tiếp cận với các bài học mới, phương pháp mới mà tự mày mò tìm cách đi...

Chưa bao giờ, một chương trình phổ thông khi đem ra áp dụng dạy đại trà cho hàng triệu học sinh trên cả nước mà lại có cách làm lạ lẫm như lần này.

Giáo viên thì cũng có nhiều hệ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng ở nhiều thời điểm khác nhau chứ đâu phải ai cũng nhanh nhạy, ai cũng có thể lên mạng internet để bồi dưỡng trực tuyến, xem các clip bài giảng mẫu…

Vậy nên, khi đi vào thực tế giảng dạy thì nhiều người gặp khó là điều đương nhiên, khó là điều mà đa số giáo viên đang phải đối mặt nhưng họ ít dám lên tiếng vì nhiều lý do ràng buộc họ.

Nói thật thì lãnh đạo cho là thoái thác nhiệm vụ, ngại khó, ngại phiền mà im lặng thì chầy chật trong từng tiết dạy. Trong khi đó, một số địa phương mãi cuối tháng 9 thì sách giáo viên mới được cấp trên đưa về.

Công tác truyền thông cũng chưa tốt

Việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa lớp mới vừa được triển khai ở lớp 1 trong năm học này là bước đi đầu tiên cho một vòng đời của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Nhưng, ngay khi vừa giảng dạy chương trình mới thì dư luận cả nước đã nóng lên theo chiều hướng phản đối với nội dung kiến thức nặng và có những nội dung, câu chữ không phù hợp.

Nhiều người lên tiếng không đồng tình, trong đó có cả những thầy cô giáo đang đứng lớp cho thấy việc tập huấn và công tác truyền thông của Bộ thực hiện chưa tốt và chưa thấu đáo.

Nếu được tập huấn kĩ lưỡng và được tuyên truyền, khích lệ thì giáo viên họ sẽ không phải lên tiếng như bây giờ.

Thế nhưng, trong thời gian qua thì việc tuyên truyền ở các trường học chưa được coi trọng, nhất là khi ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học.

Khi các bộ sách giáo khoa được thẩm định và phê duyệt thì các đơn vị xuất bản, các tác giả biên soạn sách giáo khoa nói nhiều về những ưu điểm của bộ sách mà mình viết, phát hành.

Thậm chí có cả việc đề cao bộ sách của mình để nhằm hướng tới việc các địa phương dạy sách của mình…

Vì thế, ngay từ khi vừa bước vào năm học mới thì dư luận cả nước đã nóng lên về chuyện những cuốn sách bổ trợ, tham khảo đi kèm. Khi bước vào giảng dạy thì nổi lên những tranh luận về về nội dung sách giáo khoa đề cập.

Nếu Bộ không thay đổi cách làm, vẫn giao toàn bộ việc tập huấn cho các nhà xuất bản thì chúng tôi tin rằng không chỉ lớp 1 mà các lớp còn lại cũng sẽ giống như năm học này.

Bởi, suy cho cùng giáo viên vẫn đang là trung tâm, là chủ thể trong mỗi tiết dạy để truyền đạt kiến thức, định hướng cho học trò nhưng chương trình, sách giáo khoa mới thì không được tập huấn cẩn thận...!

Nguyễn Nguyên