Bộ Giáo dục thừa nhận, nhiều nơi thuyên chuyển giáo viên chưa qua đào tạo

03/08/2018 07:51
Thùy Linh
(GDVN) - Năm học 2017 - 2018, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tăng, có 2.594 cơ sở (tăng 307 cơ sở, 13,42% so với năm học 2016-2017).

Ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. 

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017-2018, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đa dạng, đáp ứng phần lớn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Toàn quốc có 15.256 cơ sở giáo dục mầm non (tăng 375 cơ sở so với năm học trước) với gần 195.762  nhóm/lớp (tăng 8.256 so với năm học trước). 

Ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. (Ảnh: Thùy Linh)
Ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. (Ảnh: Thùy Linh)

Số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tăng, có 2.594 cơ sở (tăng 307 cơ sở, 13,42% so với năm học trước). 

Tỷ lệ huy động tăng, trẻ nhà trẻ đạt 28,52% (tăng 0,8% so với năm học trước và vượt 0,52% so với kế hoạch); trẻ mẫu giáo đạt 91,96% (tăng 1,1% so với năm học trước và vượt 0,96% so với kế hoạch), trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt tỷ lệ 99,9% (tăng 0,7% so với năm học trước).

Toàn quốc có 163.744 nhóm, lớp tổ chức bán trú, đạt tỷ lệ 89,68% (tăng 7,54% so với năm trước). Tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 83,70%  (tăng  0,85% so với năm học trước).

Trong đó trẻ nhà trẻ học 2 buổi/ngày đạt 98,99%, trẻ mẫu giáo đạt 81,34%, riêng trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 99,92% (tăng 0,22% so với năm học trước). 

Mạng lưới trường, lớp, học sinh giáo dục mầm non năm học 2017-2018 so với năm học 2016-2017 (Ảnh: Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Mạng lưới trường, lớp, học sinh giáo dục mầm non năm học 2017-2018 so với năm học 2016-2017 (Ảnh: Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và giáo viên mầm non;

Trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, trong đó miễn giảm học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi ở cùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

Bộ cũng ban hành Thông tư số 13/2018/TT-BGDĐT ngày 30/5/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30/6/2015 về quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, trong đó bổ sung yêu cầu về quản lý chuyên môn ở các nhóm, lớp độc lập tư thục; điều chỉnh quy định về quy mô nhóm lớp độc lập tư thục phù hợp với thực tiễn.

Bộ Giáo dục thừa nhận, nhiều nơi thuyên chuyển giáo viên chưa qua đào tạo ảnh 3Tiến sĩ Võ Thế Quân góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục

Được biết, chất lượng phổ cập ngày càng được nâng cao, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi tăng, điều kiện đảm bảo chất lượng được cải thiện. Tổng số xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giảm còn 35 xã (giảm 55 xã)....

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, mạng lưới trường lớp mầm non ở một số địa phương phân tán, chưa hiệu quả; thiếu trường mầm non ở khu đô thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất; 

Tình trạng sáp nhập trường mầm non với trường phổ thông vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; tồn tại nhiều nhóm nhà trẻ, lớp mẫu giáo dục độc lập (hơn 14.000 nhóm, lớp), nhiều nhóm lớp thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Nhiều địa phương còn thiếu giáo viên; một số địa bàn đông dân cư số trẻ/lớp vượt quá quy định; một số địa phương đã chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp. 

Tỷ lệ giáo viên/lớp ở khối ngoài công lập thấp (bình quân đạt 1,4 giáo viên/lớp), đội ngũ này thường xuyên biến động do thu nhập thấp, chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Một số giáo viên mầm non còn hạn chế về kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống trong chăm sóc, giáo dục trẻ, một số ít thiếu kiềm chế cảm xúc dẫn đến bạo hành trẻ.

Vẫn còn 8.653 phòng học tạm, nhiều nơi thiếu phòng học để huy động trẻ đến trường; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng.

Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng theo quy định tối thiểu, đặc biệt ở các điểm lẻ.

Tại một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ, một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử đối với trẻ chưa chuẩn mực, cá biệt có một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ. 

Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ và gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.

Thùy Linh