Bộ Giáo dục nên đánh giá toàn diện về trường chuyên, cho tư thục tham gia

27/06/2020 07:14
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần phải có đánh giá cụ thể thì chúng ta mới đi tới việc định hướng phát triển tiếp theo của hệ thống trường chuyên này nên hoạt động như thế nào cho hiệu quả.

Có nhiều ý kiến cho rằng không nên dùy trì trường chuyên, lớp chọn, hoặc mô hình trường công lập thu phí cao như hiện nay.

Trường chuyên nên giao cho tư thục làm, còn nhà nước tập trung nguồn lực mở thêm nhiều trường học cho con em nhân dân lao động. Cũng có ý kiến cho rằng nên tư thục hóa hệ thống trường chuyên của Hà Nội.

Thầy Võ Thế Quân: "Bộ Giáo dục nên nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các trường ngoài công lập, nên tạo cơ hội cho hệ thống này tham gia vào các trường chuyên hiện nay”. Ảnh : Tùng Dương.

Thầy Võ Thế Quân: "Bộ Giáo dục nên nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các trường ngoài công lập, nên tạo cơ hội cho hệ thống này tham gia vào các trường chuyên hiện nay”. Ảnh : Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), chia sẻ:

“Trước tiên chúng ta phải xem xét vấn đề này xuất phát từ luật.

Hiện nay theo Luật Giáo dục thì hệ thống các trường công lập vẫn có sự đầu tư của ngân sách, có hệ thống trường chuyên để đào tạo nhân tài cho đất nước.

Việc đào tạo nhân tài là một vấn đề luôn cấp bách và nhất là trong giai đoạn hiện nay, một đất nước hùng cường thì luôn đi liền với những công dân xuất sắc, nhưng nhà khoa học giỏi…

Việc đào tạo này không phải đến bậc đại học mới làm, quá trình đào tạo nhân tài phải bắt đầu từ bậc phổ thông, chính vì tư duy như vậy nên hiện nay chúng ta có một hệ thống trường chuyên từ bậc Trung học phổ thông.

Trước đây chúng ta đã có trường chuyên từ bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, có thể hiểu theo nghĩa nào đó chưa cụ thể nhưng cũng đã từng có mô hình này.

Thực tế hiện nay có một số trường điểm của các quận với mô hình giống như trường chuyên để đào tạo những học sinh xuất sắc cho các trường chuyên.

Vậy nên vấn đề đặt ra ở đây là quy trình đào tạo, tuyển chọn nhân tài của chúng ta bắt đầu từ bậc phổ thông như đã làm trong nhiều năm qua, nhưng lại chưa hề có đánh giá hiệu quả đến mức độ nào của mô hình đào tạo ấy.

Cần phải có đánh giá cụ thể thì chúng ta mới đi tới việc định hướng phát triển tiếp theo của hệ thống này nên như thế nào cho hiệu quả.

Cho đến nay cũng chưa có đánh giá khoa học thật chuẩn xác về vấn đề trường chuyên, lớp chọn này.

Lâu nay chúng ta vẫn nói tới câu chuyện những em học sinh xuất sắc đạt giải quốc gia, quốc tế… và điều mọi người dễ nhận thấy các em này đều từ các trường chuyên mà ra.

Sau đó các em lên đại học, đi du học nước ngoài, rồi tỷ lệ bao nhiêu % quay lại cống hiến cho đất nước ra sao? Chúng ta hoàn toàn chưa có tổng kết, thông kê nghiên cứu một cách chuẩn xác”.

Theo thầy Quân: “Chúng ta muốn định hướng phát triển hệ thống trường chuyên như thế nào cho nó khoa học, cho hợp lý, đúng với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước thì việc đầu tiên phải làm là có sự đánh giá khách quan, tổng thể toàn bộ hệ thống trường chuyên này trong suốt những năm qua cho đến thời điểm hiện nay, rồi căn cứ vào đó mới điều chỉnh nên xóa bỏ hay tồn tại, phát triển.

Theo tôi đây là một nghiên cứu rất cấp bách cần phải làm ngay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa việc này thành đề tài cấp Bộ, sở Giáo dục các tỉnh, thành phố cũng phải triển khai nghiên cứu ngay trong năm học 2020 - 2021 này.

Đây cũng là năm học mở đầu cho chu kì mới của đất nước, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là trọng tâm trong những Nghị quyết của các đại hội, báo cáo chính trị, chính vì vậy chúng ta cần nghiên cứu ngay.

Bao lâu nay chúng ta duy trì hệ thống trường chuyên này theo thói quen, tùy hứng không có nghiên cứu gì cụ thể, cứ như vậy thì không thể được.

Hiện nay Hà Nội có một loại trường nữa là trường công lập chất lượng cao và đồng nghĩa với việc thu học phí cũng rất cao, thậm chí có trường còn thu cao hơn trường tư thục trong khi lại không phải đóng thuế, được nhà nước bao cấp về cơ sở vật chất, lương giáo viên…

Xuất phát từ Luật Thủ Đô quy định trường chất lượng cao, như vậy ở Việt Nam chỉ Hà Nội có mô hình này.

Luật Thủ Đô có hiệu lực được một thời gian rồi, và cũng không nằm ngoài quy luật là chúng ta phải đánh giá lại một cách thật khoa học việc thực hiện giáo dục trong Luật Thủ Đô.

Với hệ thống trường chất lượng cao này đã đạt được ưu điểm gì, thành công thế nào và cái gì còn hạn chế, việc gì cần phải khắc phục.

Từ đó chúng ta mới có đề xuất giải pháp làm sao cho hợp lý, và giải pháp này nó lại phải phù hợp với Luật. Vấn đề ở đây là Luật và cuộc sống.

Nếu như Luật đi sau cuộc sống thì chúng ta phải sửa Luật sao cho thích ứng với cuộc sống phát triển.

Còn chúng ta làm chưa đúng Luật thì phải trở lại việc đầu tiên là làm cho đúng Luật đã, rồi từ đó mới đề xuất sửa Luật.

Như vậy ở đây có 2 vấn đề liên quan mật thiết với nhau, một vấn đề là phải thực hiện Luật, thứ 2 là từ thực tiễn cuộc sống nếu thấy vấn đề nào của Luật chưa hợp lý, không phản ánh đúng, không định hướng phát triển…thì chúng ta đề nghị chỉnh sửa Luật.

Tất cả cần phải được nghiên cứu, đánh giá tổng kết chính xác để có một định hướng mới rõ ràng, mạch lạc hơn về giáo dục trong giai đoạn tới”.

Theo thầy Võ Thế Quân: "Nhà nước không phải chi ngân sách mà chỉ cần tháo gỡ cơ chế, điều kiện hoạt động cho hệ thống trường tư thục, nếu làm được như vậy thì chúng ta được lợi rất nhiều thứ và đầu tiên các em học sinh là người trực tiếp được hưởng". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo thầy Võ Thế Quân: "Nhà nước không phải chi ngân sách mà chỉ cần tháo gỡ cơ chế, điều kiện hoạt động cho hệ thống trường tư thục, nếu làm được như vậy thì chúng ta được lợi rất nhiều thứ và đầu tiên các em học sinh là người trực tiếp được hưởng". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cho tư thục mở trường chuyên?

Thầy Quân nêu quan điểm: “Việc này cũng liên qua đến các văn bản pháp quy, hiện nay các văn bản về trường chuyên thì chỉ cho phép trường công lập, những trường ngoài công lập không được tổ chức trường chuyên.

Nhưng thực tế các trường ngoài công lập thừa sức để đào tạo mô hình này, họ có cơ sở vật chất tốt hơn, đội ngũ giáo viên tư thục cũng có trình độ cao.

Và có một điểm hay hơn nữa là nhà nước không phải đầu tư một chút nào về ngân sách mà chỉ việc thu thuế.

Nhưng vấn đề hiện nay trong quy chế, văn bản pháp quy không có một chữ nào về việc trường tư thục được mở trường chuyên.

Tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉnh sửa lại quy chế về hệ thống trường chuyên, bên cạnh hệ chuyên của công lập thì nên mở rộng ra cho các trường tư thục có đủ điều kiện được phép mở trường chuyên.

Cả hai hệ thống này hỗ trợ cho nhau sẽ rất tốt và còn thực hiện tốt vấn đề xã hội hóa giáo dục, tiết kiện được ngân sách cho nhà nước.

Từ nguồn ngân sách tiết kiệm được đó nhà nước sẽ mở rộng hơn hệ thống trường lớp cho vùng khó khăn hơn.

Nếu tư thục được mở trường chuyên sẽ phải tuân thủ quy chế quản lý của Bộ, Sở một cách chặt chẽ và trường nào đạt được đầy đủ các quy định thì mới được triển khai”.

“Hơn nữa Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục cũng phải ủng hộ, tạo điều kiện cho hệ thống tư thục vì đây cũng là một kênh hỗ trợ rất tốt cho hệ thống giáo dục công lập.

Nhà nước không phải chi ngân sách mà chỉ cần tháo gỡ cơ chế, điều kiện hoạt động cho hệ thống trường tư thục, nếu làm được như vậy thì chúng ta được lợi rất nhiều thứ và đầu tiên các em học sinh là người trực tiếp được hưởng.

Bộ Giáo dục nên nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các trường ngoài công lập, nên tạo cơ hội cho hệ thống này tham gia vào các trường chuyên hiện nay”, thầy Quân nhấn mạnh.

Tùng Dương