Bộ Giáo dục có chỉ đạo cho Nestlé vào Sữa học đường hay không?

04/04/2019 14:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu vậy hoạt động cho học sinh uống Milo miễn phí trong khuôn khổ Chương trình Sữa học đường mà Vụ Giáo dục thể chất chỉ đạo đóng vai trò gì?

Ngày 28/3/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết "Ai nhân danh Bộ trưởng tiếp tay cho Nestlé Milo "chui" vào Sữa học đường?", phản ánh các nghi vấn xung quanh việc Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh thừa lệnh Bộ trưởng ký công văn gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam về việc tạm dừng triển khai Chương trình Sữa học đường.

Ngày 2/4/2019, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu câu hỏi với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự họp báo - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ:

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Bộ Giáo dục và Đào tạo ông Ngũ Duy Anh dù biết quy định Sữa học đường phải là sữa tươi nhưng lại ký công văn giới thiệu sản phẩm Milo của Nestlé vào các trường học nhân danh sữa học đường, công văn có ghi là thừa lệnh của Bộ trưởng. 

Xin hỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết việc này hay không và xử lý ra sao?

Ảnh minh họa " Chương trình Sữa Học đường - "Tiếp sức giờ ra chơi" được tài trợ bởi hãng Sữa Milo" tại Trường Tiểu học Quang Bình huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, nguồn: http://thquangbinh.pgdkienxuongtbh.edu.vn.
Ảnh minh họa " Chương trình Sữa Học đường - "Tiếp sức giờ ra chơi" được tài trợ bởi hãng Sữa Milo" tại Trường Tiểu học Quang Bình huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, nguồn: http://thquangbinh.pgdkienxuongtbh.edu.vn.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: 

“Chính phủ có Đề án Sữa học đường 1340 giúp nâng cao tầm vóc Việt đối với học sinh mầm non và học sinh tiểu học.

Bộ và Chính phủ cũng phê duyệt Đề án 641, đề án phát triển thể lực, tầm vóc nâng cao giáo dục thể chất cho học sinh trong độ tuổi 3 đến 18 tuổi.

Chương trình này chính là đề án mà đồng chí Ngũ Duy Anh trong bài báo nói là sữa học đường, là Nestlé tham gia vào sữa học đường. Cái này không phải là tham gia vào sữa học đường

Sữa học đường phải là sữa tươi thực hiện cho các cháu ở bậc mầm non và tiểu học. Đưa sữa vào để nâng cao tầm vóc cho các cháu. Cái này là hoàn toàn khác nhau”. [1]

Mâu thuẫn giữa công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và giải thích của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Công văn số 5198/BGDĐT-GDTC ngày 6/11/2017 do Vụ trưởng Ngũ Duy Anh thừa lệnh Bộ trưởng ký, cho thấy rất rõ 3 vấn đề sau:

Bộ Giáo dục có chỉ đạo cho Nestlé vào Sữa học đường hay không? ảnh 2Để Vinamilk đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường là coi thường phép nước

Một là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn Nestlé vì đã "phối hợp, đồng hành triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường" thông qua hoạt động "cho trẻ em uống sữa hàng ngày".

Hai là, do vụ việc "một số" học sinh có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, có triệu chứng “tương tự ngộ độc” và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu ngày 27/10/2017 tại Hậu Giang sau khi uống sữa miễn phí do Nestlé cung cấp, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Nestlé tạm dừng Chương trình Sữa học đường.

Xin lưu ý thêm, về con số "một số" học sinh "phải đưa vào bệnh viện cấp cứu" mà Vụ trưởng Ngũ Duy Anh đề cập, thực tế là gần 500 trẻ em của 2 trường tiểu học phải vào Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy cấp cứu, trong đó có 39 em được xác định là bị ngộ độc. [2] [3]

Ba là, sau khi xác định nguyên nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Công ty để chỉ đạo và hướng dẫn việc triển khai Chương trình Sữa học đường trong thời gian tiếp theo.

Sau vụ ngộ độc trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành Công văn số 10915 ngày 20/11/2017 về việc tạm dừng triển khai chương trình “Sữa học đường” đối với sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam. [4]

Ngày 26/12/2017, tức chỉ 2 tháng sau khi tạm dừng "chương trình sữa học đường Nestlé Milo", ông Ngũ Duy Anh lại "thừa lệnh" Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký công văn số 6082/BGDĐT-GDTC để tiếp tục triển khai chương trình này.

Cho dù có thay đổi tên gọi từ "Chương trình Sữa học đường" sang "Chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh trên phạm vi toàn quốc", thì thực tế khó có thể phủ nhận Công văn số 6082/BGDĐT-GDTC ngày 26/12/2017 là sự tiếp nối Công văn số 5198/BGDĐT-GDTC ngày 6/11/2017.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh trong một sự kiện tại Cần Thơ, ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh trong một sự kiện tại Cần Thơ, ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại.

Chẳng có Đề án 641 nào được Vụ trưởng Ngũ Duy Anh nhắc đến trong 2 công văn này như chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trong khi Chương trình Sữa học đường và Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 thì được 2 công văn nhắc rất rõ ràng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ có thể giải thích như thế nào về mâu thuẫn này?

Nestlé muốn và đã tham gia Chương trình Sữa học đường

Một ngày sau khi đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời, ngày 3/4, Phòng Truyền thông và Đối ngoại của Công ty Nestlé Việt Nam đã gửi phản hồi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đó khẳng định:

"Từ năm 2016 chúng tôi tham gia vào Chương trình 3 Đề án 641: “Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi”.

Đây là chương trình Quốc gia, nhằm mục tiêu phát triển tầm vóc thể lực, nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khoẻ mạnh của người Việt Nam, khuyến khích lối sống năng động và thường xuyên luyện tập thể thao, nhất là với trẻ em, thông qua nhiều hoạt động khác nhau gồm các giải thể thao, hội khỏe phù đổng, và các hoạt động thể thao ngoại khóa khác trên toàn quốc.

Hai Chương trình nói trên là hoàn toàn khác nhau và chúng tôi không sử dụng sản phẩm Milo trong Chương trình “Sữa học đường” ở bất kỳ địa phương nào."

Bộ Giáo dục có chỉ đạo cho Nestlé vào Sữa học đường hay không? ảnh 4"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường?

Có điều, trong Công văn số 6082/BGDĐT-GDTC ngày 26/12/2017, Vụ trưởng Ngũ Duy Anh "thừa lệnh" Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo với Nestlé rằng:

Công ty Nestlé mong muốn tham gia Chương trình này (Chương trình Sữa học đường quốc gia theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ) hoàn toàn phù hợp với mục tiêu xã hội hóa của Nhà nước trong việc huy động sự tham gia, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích của các doanh nghiệp, các công ty thực phẩm dinh dưỡng.

Nestlé có thể không sử dụng sản phẩm Milo cho Chương trình Sữa học đường, nhưng Nestlé không phủ nhận hãng tham gia Chương trình Sữa học đường.

Nếu vậy hoạt động cho học sinh uống Milo miễn phí trong khuôn khổ Chương trình Sữa học đường mà Vụ Giáo dục thể chất chỉ đạo đóng vai trò gì?

Phải chăng là tiếp thị, khuyến mãi, để bán được nhiều sản phẩm vào trường học dưới mác Sữa học đường như cách Vinasoy hay VP Milk đã làm trái quy định của Thủ tướng Chính phủ ở Thái Nguyên và một số địa phương khác dưới sự giúp sức của một số người có thẩm quyền?

Thứ hai, sản phẩm Nestlé tham gia Sữa học đường có đúng sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ hay không?

Trên website www.nestle.com.vn ghi là của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chỉ giới thiệu 3 sản phẩm sữa nước pha lại từ sữa bột (sữa tiệt trùng) có tên gọi: Sữa tiệt trùng Nestlé có đường, sữa nước Nestlé hương trái cây, sữa nước Nestlé hương việt quất. [5]

Chúng tôi không nhận thấy sản phẩm sữa tươi nào của Nestlé hiện diện trên website này, không biết hãng sẽ lấy sữa tươi ở đâu để tham gia Chương trình Sữa học đường tại Đắk Lắk? [6] [7]

Dư luận mong chờ Bộ trưởng lên tiếng

Cả Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lẫn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam đều dẫn Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 (gọi tắt là Đề án 641).

Bộ Giáo dục có chỉ đạo cho Nestlé vào Sữa học đường hay không? ảnh 5Cần ngăn chặn ngay việc đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường

Phải chăng câu trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trong buổi họp báo ngày 2/4 là muốn nói rằng, chương trình mà Vụ trưởng Ngũ Duy Anh nhắc đến là Đề án 641, chứ không phải Chương trình Sữa học đường theo Quyết định 1340/QĐ-TTg?

Mặc dù Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 có nhắc đến "sữa học đường", nhưng mà là Thủ tướng giao Bộ Y tế "Xây dựng và triển khai chương trình sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học."

Còn Chương trình 3 thuộc Đề án 641 mà Nestlé tham gia từ 2016 có tên gọi "Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi", do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hơn nữa, Chương trình 3 thuộc Đề án 641 nói trên không có nội dung nào về việc "uống sữa hàng ngày" như Công văn số 5198/BGDĐT-GDTC ngày 6/11/2017 mà Vụ trưởng Ngũ Duy Anh ký, đã đề cập.

Nói cách khác, câu trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ không đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục bác bỏ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Nestlé đã "phối hợp, đồng hành triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày" mà Công văn số 5198/BGDĐT-GDTC đã ghi rõ.

Vì vậy chúng tôi trân trọng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng cho dư luận biết:

Bộ Giáo dục có chỉ đạo cho Nestlé vào Sữa học đường hay không? ảnh 6

120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại?

1. Bộ trưởng / lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo Vụ Giáo dục thể chất triển khai Chương trình Sữa học đường bằng sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam không? Nếu có, thì dựa vào cơ sở pháp lý nào và bao gồm những sản phẩm gì?

2. Nếu Bộ trưởng / lãnh đạo Bộ không chỉ đạo, mà Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất tự "thừa lệnh" Bộ trưởng đưa sản phẩm không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ vào Chương trình Sữa học đường, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

3. Các vụ chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thường gửi công văn chỉ đạo xuống các địa phương theo hệ thống khép kín (công văn đăng ký mua sách VNEN, Công nghệ giáo dục, Sữa học đường) mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, có phải chủ trương của lãnh đạo Bộ hay không? 

Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự định công khai các văn bản chỉ đạo lên Cổng thông tin điện tử của Bộ (www.moet.gov.vn) để nhân dân giám sát hay không?

Thiết nghĩ trường hợp này không còn đơn thuần liên quan đến uy tín và danh dự của Bộ trưởng, mà còn là kỷ cương phép nước, rất mong Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sớm chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan trả lời rõ.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-va-Dao-tao-tra-loi-ve-viec-dua-Nestle-Milo-vao-truong-hoc-post197134.gd

[2]https://bnews.vn/cong-bo-nguyen-nhan-vu-ngo-doc-sua-tai-hau-giang/67048.html

[3]https://bnews.vn/vu-hoc-sinh-bi-ngo-doc-sua-tai-hau-giang-nestle-viet-nam-len-tieng-/67053.html

[4]https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/201711/ngung-cho-tre-uong-sua-hang-nestle-8060543/

[5]https://www.nestle.com.vn/brands/sua-nuoc

[6]https://daklak.gov.vn/-/ubnd-tinh-lam-viec-voi-cong-ty-tnhh-nestle-viet-nam

[7]https://daklak.gov.vn/widget/-/tinh-hinh-trien-khai-chuong-trinh-sua-hoc-uong-cua-tinh-ak-lak

Hồng Thủy