Bộ Giáo dục có bị động khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018?

05/05/2022 08:35
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn lại quãng thời gian 5-6 năm qua, chúng ta thấy có những việc Bộ đã làm được nhưng cũng có nhiều việc quan trọng thì Bộ chưa làm kịp hoặc không làm được.

Chiều ngày 5/8/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến góp ý. Sau khi lấy ý kiến và chỉnh sửa thì đến chiều ngày 28/7/2017, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua.

Tiếp theo chương trình tổng thể, ngày 27/12/2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học và các nhà xuất bản chính thức bước vào biên soạn, viết các bộ sách giáo khoa của chương trình mới.

Như vậy, nếu tính từ khi công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến nay đã gần 6 năm và tính từ khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức được thông qua thì đến thời điểm hiện tại cũng đã gần 5 năm trời.

Thế nhưng, nguồn lực cần nhất là giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì đến nay một số môn học ở trung học phổ thông gần như chưa có, những môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở thì cũng gần như chưa được đào tạo.

Trong khi, thời gian để hoàn thành khóa học đại học sư phạm hiện nay tối đa là 4 năm (đào tạo theo tín chỉ) và chương trình bồi dưỡng dạy các môn tích hợp cũng chỉ mấy tháng liên tục là xong (từ 20-36 tín chỉ).

Chương trình mới còn rất nhiều việc mà ngành Giáo dục cần phải làm. (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN)

Chương trình mới còn rất nhiều việc mà ngành Giáo dục cần phải làm.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN)

Chương trình mới chỉ có sách giáo khoa được thực hiện theo chủ trương “xã hội hóa” là kịp tiến độ

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì mọi người đều thấy có rất nhiều các đầu việc khác nhau và tất nhiên là Bộ phải triển khai đồng bộ thì hiệu quả mới đạt được.

Thế nhưng, nhìn lại quãng thời gian 5-6 năm vừa qua, chúng ta thấy có những việc Bộ đã làm được nhưng cũng có nhiều việc quan trọng thì Bộ chưa làm kịp hoặc không làm được nên dẫn đến bất cập và tất nhiên là uy tín của Bộ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng trong mắt của mọi người.

Theo quan sát của người viết, chúng tôi chỉ thấy được một việc quan trọng làm kịp tiến độ khi đổi mới chương trình lần này là các bộ sách giáo khoa được biên soạn kịp thời, đúng thời gian theo hình thức cuốn chiếu.

Cho dù, một số đầu sách giáo khoa vẫn còn “sạn” nhưng nhìn về mặt tổng thể thì đó là một sự nỗ lực của các nhà xuất bản. Song, việc biên soạn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại không phải là của Bộ mà nó đã được thực hiện xã hội hóa hoàn toàn.

Còn, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã không thực hiện được theo kế hoạch.

Điều này đã được nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận trong trong phần báo cáo trả lời Quốc hội lúc bấy giờ như sau: “Phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.

Bởi, hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến.

Nhân sự trong việc biên soạn như biên tập viên, họa sĩ trình bày cũng thuộc biên chế của các Nhà xuất bản nên không thể tham gia với Bộ Giáo dục và Đào tạo” [1].

Như vậy, hạn chế đầu tiên là Bộ đã không thể thực hiện được bộ sách giáo khoa phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 theo chủ trương của Nghị quyết số 88/2014/QH13 mà Quốc hội đã đề ra.

Song, suy cho cùng thì việc Bộ không đứng ra biên soạn 1 bộ sách giáo khoa phổ thông ở chương trình mới cũng không còn là vấn đề quá quan trọng bởi thực tế hiện nay cũng đã có 3 bộ sách giáo khoa phổ thông (năm đầu triển khai chương trình mới là 5 bộ).

Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định “chương trình” mới là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là “học liệu” thì các trường giảng dạy bộ sách giáo khoa nào cũng đều được cả. Vì thế, Bộ biên soạn 1 bộ sách giáo khoa cũng được mà không biên soạn được thì cũng chẳng sao.

Bộ có phần lúng túng, bị động trong việc chuẩn bị nhân lực và công tác truyền thông chưa tốt

Nếu được triển khai đồng loạt các đầu việc, ngay sau khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức được Bộ và Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua thì Bộ đã bắt tay vào triển khai cho việc đào tạo giáo viên ở một số môn học mới.

Bởi, cũng ngay sau khi thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, lãnh đạo Bộ đã nhìn thấy ở cấp trung học phổ thông sẽ thiếu hẳn giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật vì đây là 2 môn học hoàn toàn mới, không thể tận dụng được nguồn lực hiện có ở các nhà trường.

Ở cấp trung học cơ sở thì Bộ chủ trương “tích hợp” 5 môn học độc lập của chương trình 2006 là Lịch sử; Địa lý; Sinh học; Hóa học; Vật lí để thành 2 môn học mới. Đó là môn Lịch sử và Địa lý; môn Khoa học tự nhiên nên việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện có của 5 môn học độc lập để có thể dạy 2 môn tích hợp là điều hiển nhiên phải làm.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại thì sao? Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là chương trình mới sẽ được triển khai ở lớp 10 nhưng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật gần như các địa phương đều chưa có. Thậm chí nguồn tuyển cũng thiếu trầm trọng.

2 môn học: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên ở lớp 6 đã dạy gần hết năm học nhưng việc bồi dưỡng cho giáo viên ở các địa phương trên cả nước đa phần chưa thực hiện được.

Bởi ngày 01/9 tựu trường thì đến ngày 21/7/2021 Bộ mới ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở.

Trong khi, theo hướng dẫn của 2 quyết định này thì để bồi dưỡng mỗi chứng chỉ, giáo viên phải tham gia học từ 20-30 tín chỉ. Vậy, giáo viên sẽ học vào lúc nào khi quyết định này được ban hành trước khi các trường bước vào năm học mới chỉ 40 ngày?

Ngoài ra, việc bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới cho giáo viên qua các module cũng chậm so với việc thực hiện ở các nhà trường.

Lớp 1 thực hiện giảng dạy rất lâu thì Bộ mới triển khai bồi dưỡng, lớp 6 dạy được mấy tháng rồi bộ mới triển khai bồi dưỡng module 4- module liên quan trực tiếp đến việc xây dựng các kế hoạch giáo dục của nhà trường và giáo viên.

Bên cạnh một số hạn chế, bất cập về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà chúng tôi đã đề cập ở trên thì công tác truyền thông của Bộ cũng chưa tốt, chưa mang tính liên tục và sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân.

Chính vì thế, khi Bộ triển khai đến đâu thì dư luận lên tiếng đến đó, ngay như chuyện môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông trở thành môn lựa chọn mà dư luận đang lên tiếng trong những ngày vừa qua đã thể hiện rõ sự bất cập này.

Nếu Bộ làm tốt công tác truyền thông thì đâu đến nỗi bây giờ dư luận phản đối nhiều đến vậy bởi đây là công việc đã được thông qua từ 5-6 năm về trước, chuyện bây giờ là triển khai chỉ là những đầu việc của chương trình tổng thể mà thôi.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ còn tiếp tục gian nan, thử thách nếu như năm học tới đây Bộ chưa giải quyết được bài toán nhân sự môn Tin học- Công nghệ ở cấp tiểu học, chưa tuyển được giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông và bồi dưỡng giáo viên dạy 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT mà Bộ đã ban hành vào tháng 7/2021.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/se-khong-thieu-sach-giao-khoa-cho-chuong-trinh-moi-20190523092837802.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY