Bộ giao địa phương, trường chờ chỉ đạo, giáo viên thiệt thòi không biết kêu ai

10/08/2020 06:36
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần tính toán và đưa ra công thức quy đổi cụ thể đối với những việc làm, những tiết dạy trực tuyến, online cho giáo viên mùa dịch là vô cùng hợp lý.

Năm học 2019-2020 quả là một năm đáng nhớ đối với ngành giáo dục của cả nước. Không chỉ học sinh liên tục nghỉ học do ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài mà nhiều thầy cô giáo phải bỏ bao công sức với mong muốn bù đắp cho các em những lỗ hổng kiến thức vì dịch bệnh Covid-19 mang lại.

Giáo viên đã dạy và làm việc trong mùa dịch như thế nào?

Kể từ sau Tết Nguyên Đán, tình hình dịch Covid-19 mới bắt đầu nên 3 tuần đầu tiên các địa phương chưa có phương án học sinh nghỉ học có thời hạn. Vì thế, tuần nào giáo viên chúng tôi cũng ở thế sẵn sàng cho học sinh đi học lại.

Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, giáo viên liên tục có mặt ở trường khi thì dọn vệ sinh, lau chùi phòng học, đồ dùng dạy học, tổng vệ sinh toàn trường, khi thì họp để tiếp thu các công văn chỉ đạo của cấp trên để thông báo đến từng học sinh cho kịp thời, khi thi luân phiên nhau trực trường…

Giáo viên Đà Nẵng dọn vệ sinh mùa dịch Covid-19 (Ảnh An Nguyên)

Giáo viên Đà Nẵng dọn vệ sinh mùa dịch Covid-19 (Ảnh An Nguyên)

Giáo viên Bình Thuận tổng vệ sinh trường học mùa dịch (Ảnh tác giả)

Giáo viên Bình Thuận tổng vệ sinh trường học mùa dịch (Ảnh tác giả)

Từ tuần thứ 4, khi đã có thông báo “Thời gian đi học trở lại sẽ báo sau” thì các trường học mới bắt đầu lên phương án dạy học bằng nhiều hình thức.

Có trường khuyến khích giáo viên dạy và quay video gửi lên nhóm Zalo của lớp, có trường tạo địa chỉ dạy trực tuyến, gửi bài qua tin nhắn, Zalo, email, đến tận nhà trao bài…

Giáo viên làm video hỗ trợ học sinh học mùa dịch (Ảnh An Nguyên)

Giáo viên làm video hỗ trợ học sinh học mùa dịch (Ảnh An Nguyên)

Giáo viên Bình Thuận giao bài trên Zalo cho học sinh mùa dịch (Ảnh tác giả)

Giáo viên Bình Thuận giao bài trên Zalo cho học sinh mùa dịch (Ảnh tác giả)

Để có những nội dung ôn tập, những đề yêu cầu học sinh làm thì giáo viên đã phải tốn không ít thời gian và công sức ngồi hệ thống và biên soạn lại.

Giáo viên Nghệ An đưa bài tận nhà cho học sinh học mùa dịch (Ảnh CTV)

Giáo viên Nghệ An đưa bài tận nhà cho học sinh học mùa dịch (Ảnh CTV)

Ngoài ra, thầy cô giao bài phải chấm, sửa, phải giảng giải cho học sinh những thắc mắc mà các em mắc phải. Nhưng đâu phải học sinh nào cũng làm, giáo viên phải liên tục gọi điện nhắc nhở, nhắn tin cho phụ huynh những em lười học để đề nghị cùng hợp tác.

Học sinh gửi bài, giáo viên chấm sửa và góp ý lại (Ảnh tác giả)

Học sinh gửi bài, giáo viên chấm sửa và góp ý lại (Ảnh tác giả)

Bấy nhiêu công việc giáo viên đã làm trong mùa dịch có đủ 23 tiết/tuần theo tiêu chuẩn của giáo viên tiểu học và 19 tiết tiêu chuẩn của giáo viên trung học hay không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận việc làm của giáo viên

Để đánh giá công sức các nhà giáo bỏ ra trong mùa dịch một cách công bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số: 1366/BGDĐT-NGCBQLGD do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã ký gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc của giáo viên nêu:

a) Căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi);

b) Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán, quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc;[1]

Thế nhưng, ở nhiều địa phương các trường học lại thờ ơ trong việc tính toán những việc giáo viên đã làm trong mùa dịch để quy đổi tiết dẫn đến việc công sức của các nhà giáo không được ghi nhận dẫn đến sự thiệt thòi, gây bức xúc cho nhiều thầy cô.

Nhà trường thờ ơ quy đổi tiết dạy mùa dịch, giáo viên lãnh đủ

Dù công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường tính toán việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên mùa dịch nhưng nhiều địa phương, nhiều trường học vẫn thờ ơ.

Hậu quả là bao công sức giảng dạy của giáo viên trong học kỳ 1 và những tuần học sinh nghỉ dịch đều không được trả thù lao xứng đáng.

Nhiều giáo viên tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khẳng định nhà trường chưa bao giờ thực hiện việc quy đổi. Cụ thể, hiệu trưởng các trường chưa tổ chức cuộc họp để trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện công việc chuyên môn khác ra tiết dạy cho giáo viên.

Giáo viên tại huyện Châu Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lại cho biết nhà trường có thực hiện việc quy đổi nhưng phần lớn giáo viên không vượt được số tiết 115 cho 5 tuần học sinh nghỉ dịch vì không tính quy đổi tiết chủ nhiệm, trực trường, vệ sinh, đưa bài tận nhà mà chỉ tính tiết dạy trực tuyến.

Nhiều địa phương khác lại cũng giống như những trường tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận không thực hiện việc quy đổi nhưng vẫn tính tiết dạy tăng giờ của 28 tuần thực dạy rồi chờ tài chính duyệt chi trong sự lo sợ phập phồng: “chẳng biết họ có chi không?”.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 1726/GDĐT-TC về hướng dẫn chế độ làm việc đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hiệu trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thực hiện việc quy đổi tiết dạy học trực tuyến để xác định tổng số tiết dạy của giáo viên trong học kỳ II năm học 2019-2020 phải đúng với các quy định hiện hành (trong trường hợp có giáo viên có số tiết dạy vượt định mức giờ dạy/năm).

Tuy thế, đây mới thực hiện việc quy đổi các tiết dạy trực tuyến còn quy đổi công việc ra tiết dạy (theo đúng tinh thần của Bộ Giáo dục) vẫn chưa được ghi nhận.

Điều này, cũng làm giáo viên đặc biệt giáo viên chủ nhiệm vô cùng thiệt thòi.

Một số hiệu trưởng chia sẻ với chúng tôi, không phải họ không thực hiện quy đổi mà rất lúng túng không biết sẽ quy đổi thế nào với những công việc giáo viên đã làm?

Nếu không có sự chỉ đạo thống nhất từ trên sẽ dẫn đến tình trạng quy đổi kiểu “trăm hoa đua nở” trường này sẽ lệch với trường kia, địa phương này sẽ không giống với địa phương khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công thức quy đổi chung cho cả nước

Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu quy đổi tiết dạy cho giáo viên.

Bộ đã từng quy định việc quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy thể hiện trong Khoản 2 Điều 11 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Khi việc quy đổi tiết dạy có căn cứ cụ thể thì các trường chỉ cần dựa vào các công thức để tính ra tiết dạy phụ trội cho nhà giáo một cách thống nhất.

Hơn nữa, với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thì năm học này và những năm học tiếp theo không ai dám chắc học sinh sẽ không phải nghỉ học vì dịch.

Bởi thế, việc xây dựng cụ thể thang quy đổi tiết dạy online, các công việc nhà giáo để giúp học sinh học tập tránh mỗi địa phương làm theo mỗi kiểu cũng là việc cần thiết.

Vì những lý do đó, chúng tôi nghĩ, Bộ Giáo dục cần cân nhắc, tính toán và đưa ra quy định, đưa ra một công thức quy đổi cụ thể đối với những việc làm, những tiết dạy trực tuyến, online cho giáo viên mùa dịch là vô cùng hợp lý.

Làm thế sẽ khuyến khích được sự nhiệt tình, nhiệt tâm của nhà giáo đối với công việc giảng dạy và giáo dục học sinh trong mùa dịch bệnh.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/y-te/cong-van-1366-bgddt-ngcbqlgd-182793-d6.html

https://thukyluat.vn/news/phan-tich-chinh-sach/tp-hcm-huong-dan-quy-doi-tiet-day-hoc-truc-tuyen-cua-giao-vien-trong-hoc-ky-ii-75777.html

Phan Tuyết