Bộ GD yêu cầu các địa phương tham mưu cụ thể về việc triển khai chương trình mới

12/03/2022 06:21
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng 11/3, Bộ trưởng GD&ĐT và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng dự tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ. Chủ trì tại 63 điểm cầu địa phương có lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan thuộc Sở; lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.

Hội nghị nhằm rà soát tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chia sẻ kết quả đạt được và kinh nghiệm triển khai; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Nhiều tỉnh gặp khó khăn vì thiếu nguồn tuyển

Tại hội nghị, phát biểu của đại diện các địa phương đều cho thấy quyết tâm, nỗ lực trong triển khai thực hiện chương trình mới; tập trung bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng tài liệu giáo dục địa phương...

Báo cáo về tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bà Lâm Thị Sang, Giám đốc sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu cho biết, thời gian đầu triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm tháo gỡ kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương đã nhanh chóng đưa ra giải pháp để khắc phục.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Về chuẩn bị đội ngũ, cơ bản Bạc Liêu bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu đối với giáo viên giảng dạy lớp 1, 2 và 6. Thầy cô được tập huấn theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ bản đã theo kịp yêu cầu thực hiện Chương trình.

Về sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, tỉnh đã triển khai các bước chọn sách theo đúng chỉ đạo của Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo đánh giá của giáo viên, các bộ sách được lựa chọn đang được triển khai thuận lợi tại nhà trường; khả năng tiếp cận, nhận thức, kết quả cuối kì của học sinh đều có tiến bộ hơn so với thực hiện Chương trình 2006 ở các khối lớp tương ứng.

Tại Hà Tĩnh, thông tin từ ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh được triển khai tương đối thuận lợi. Tỉnh đã cấp gần 200 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học; bảo đảm đủ giáo viên Ngoại ngữ, Tin học triển khai chương trình mới với lớp 3 năm học tới.

Hà Tĩnh đồng thời rà soát lại đội ngũ giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học; làm việc với cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn để phối hợp tổ chức dạy học môn Âm nhạc, Mĩ thuật lớp 10. Hoạt động chọn sách, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh bảo đảm đúng tiến độ…

Trong khi đó, tại Quảng Trị, nhiều giải pháp đồng bộ đã được thực hiện nhằm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản chỉ đạo; do đó, cơ sở giáo dục thuận lợi trong triển khai.

Khi tổ chức thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ nên từ tập huấn giáo viên, chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức dạy học, đầu tư cơ sở vật chất… đều khá hiệu quả.

Bên cạnh thuận lợi và kết quả đạt được, từ những chia sẻ của các địa phương cũng cho thấy, hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh (Tiểu học); môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) ở cấp Trung học phổ thông. Nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, một số trường chưa có phòng học bộ môn; nhiều trường thiết bị dạy học không đầy đủ, không đồng bộ.

Về lựa chọn sách giáo khoa, một số địa phương cho biết chưa thực hiện bố trí kinh phí, chế độ cho việc lựa chọn sách giáo khoa; không có giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật tham gia chọn sách giáo khoa… Có địa phương gặp khó khăn trong biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương…

Trước những khó khăn này, các địa phương cho biết đã tích cực tham mưu với Ủy ban dân dân tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời, tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để xây dựng, tuyển dụng đội ngũ theo hướng đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu bộ môn hợp lí.

Phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 3 chữ “P” của giáo dục là: Phát triển xã hội - Phục vụ xã hội - Phúc lợi xã hội. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh.

"Triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; rất cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý các địa phương cần quan tâm để bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3, Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022-2023. Vận dụng các giải pháp có thể để đáp ứng yêu cầu này, từ tuyển dụng, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái…

Thứ trưởng cho rằng, địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường; xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô, bảo đảm có đủ đội ngũ để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, tinh thần vì quyền lợi của người học là trên hết. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường sư phạm tổ chức các mã ngành, đào tạo giáo viên dạy các môn học đáp ứng nhu cầu thực tế.

Về lựa chọn sách giáo khoa, Thứ trưởng yêu cầu thực hiện minh bạch, khách quan, công bằng, vì quyền lợi của học sinh; bảo đảm công bằng trong tiếp cận các bộ sách; tôn trọng ý kiến chuyên môn từ cơ sở để chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn sách giáo khoa theo đúng tinh thần Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý việc hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương và tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương; xây dựng phương án tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục, nhất là các tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 và công bố công khai; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ triển khai chương trình mới, trong đó có phòng máy tính để dạy học môn Tin học…

Cần có sự chuẩn bị dài hơi

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới bối cảnh, tầm quan trọng, ý nghĩa của quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 - một trong những khâu quan trọng nhất của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29.

Để việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo. Bởi với tốc độ triển khai cuốn chiếu rất nhanh, nếu chỉ lo cho một năm, khó khăn sẽ càng tăng nhanh hơn vào các năm tiếp theo.

Liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa, Bộ trưởng lưu ý, tinh thần chung là cố gắng bảo đảm sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói của người trực tiếp dạy học; đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều bộ sách giáo khoa thông qua việc giáo viên có thể chọn một bộ để sử dụng nhưng tham khảo nhiều sách.

Bộ trưởng cũng mong muốn, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong quá trình lựa chọn sách và dạy học sách giáo khoa mới, nếu phát hiện vấn đề cần sớm có ý kiến chính thống một cách chủ động về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước thực tế thiếu giáo viên được nhiều địa phương nêu ra tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có được chỉ tiêu; rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Về phía các tỉnh/thành, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ đó có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường… để đảm bảo có giáo viên dạy các môn học trong chương trình mới.

Trong các giải pháp bước đầu để giải quyết thiếu giáo viên, tiếp tục củng cố dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, sử dụng bài giảng điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số… là giải pháp được Bộ trưởng lưu ý các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, vẫn sẽ cần một số lượng giáo viên nhất định - về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có hướng dẫn chi tiết.

Với cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị địa phương dùng các biện pháp tổng lực để xử lý. Riêng về việc mua sắm thiết bị dạy học, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn của Bộ tham mưu làm việc với Bộ Tài chính để lên một khung giá thiết bị trong danh mục trang thiết bị mà Bộ quy định. Đây là việc cần làm sớm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong mua sắm thiết bị dạy học, phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông.

Trao đổi về vấn đề có tính thời sự hiện nay là phòng chống dịch và đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp, Bộ trưởng đề nghị các địa phương kiên trì mục tiêu đưa học sinh quay trở lại trường sớm nhất có thể. Để làm được việc này, cần theo sát diễn biến dịch để có biện pháp kịp thời. Ở những nơi dịch bùng phát mạnh học sinh chuyển sang học trực tuyến, nhưng dịch giảm tới đâu lại huy động học sinh quay trở lại trường tới đó.

"Ngành Giáo dục các địa phương cần phối hợp với ngành Y tế để thực hiện trên tinh thần bình tĩnh, thực tiễn, thích ứng an toàn. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tiến độ nhanh nhất tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Ngọc Ánh