Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo không được dạy trước lớp 1 cho trẻ

29/08/2013 14:00
Xuân Trung
(GDVN) - Trong buổi họp thông báo về nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, bộ đã có chỉ đạo không được dạy trước lớp 1 cho trẻ.

Không dạy trước lớp 1

Trong thời gian qua báo chí phản ánh nhiều về hiện tượng trẻ trước khi vào lớp 1 được “luyện” chữ, chấm điểm và khuyến khích phụ huynh đưa con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Chiều qua (28/8), bà Trần Thị Thắm – Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) một lần nữa khẳng định bộ đã có Chỉ thị nói rõ không được dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Theo bà Thắm, cho con đi luyện trước khi vào lớp 1 chẳng qua đây là tâm lí của nhiều phụ huynh khi không yên tâm vào con mình trước khi đi học cấp 1. Nếu các trường mầm non và Tiểu học thực hiện đúng chỉ thị thì mặt bằng trẻ vào lớp 1 sẽ như nhau.

Thực tế, nhiều phụ huynh lại cho rằng do chương trình lớp 1 nặng nên họ muốn cho con đi học trước để đảm bảo tiếp thu kiến thức và bắt kịp với chương trình học để không thua kém bạn bè. Lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, nói chương trình lớp 1 nặng là không đúng vì thực tế các em vùng dân tộc thiểu số cũng tiếp thu rất tốt chương trình này.

Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

“Khi vào lớp 1, trẻ sẽ được dạy những việc đầu tiên như tư thế ngồi, cách cầm bút, học từng chữ cái, vần, âm...Trẻ dân tộc thiểu số không cần tập tô, viết trước khi vào lớp 1. Ở mầm non, các em có chương trình tăng cường tiếng Việt. Khi vào lớp 1, các e có thêm 5 chương trình tăng cường để các em học tốt hơn” bà Thắm thông tin thêm.

Thời gian  qua một số trường Tiểu học ở Hà Nội tiến hành  tổ chức kiểm tra kiến thức cho học sinh chuẩn bị lên lớp 1, nhiều người cho rằng đó gần như là một cách để đánh giá học sinh khi các em còn nhỏ. Điều này làm hạn chế khả năng tự chủ của học sinh. Về việc này bà Trần Thị Thắm cho biết, một số trường ở Hà Nội có tổ chức tuyển chọn đầu vào chứ không phải thi.

Đảm bảo cho “heo vàng” được đi học đầy đủ

Một vấn đề khác cũng được nhiều phụ huynh quan tâm, đó là lứa “heo vàng” sinh năm 2007 năm nay bắt đầu vào lớp 1 sẽ gây nên hiện tượng quá tải học sinh ở các lớp 1 tại thành thị. Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học Trần Thị Thắm cho biết, trẻ sinh năm 2007 tăng đột biến, các địa phương không phải năm nay mới biết. Tuy nhiên, để phòng trường hợp này thì các trường đã có sự chuẩn bị cơ sở vật chất để trẻ sinh năm heo vàng có nơi học thông qua các điều tra số lượng trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Theo bà Thắm niện nay, trên cả nước không có học sinh nào sinh năm 2007 không có chỗ học. Tuy nhiên, sĩ số có thể đông hơn bình thường một chút.

Thông tin với phóng viên, bà Trần Thị Thắm cho hay hiện Bộ GD&ĐT đang thí điểm việc áp dụng dạy tiếng Việt công nghệ giáo dục thực hiện từ năm 2008. Với 19 tỉnh thực hiện lúc đầu và cho kết quả tốt. Bộ chủ trương áp dụng trên toàn quốc với điều kiện cơ sở địa phương tự nguyện tham gia. Hiện có 36 tỉnh tham gia với 200.000 học sinh. Lào Cai là tỉnh đang thực hiện với 100% học sinh được áp dụng.

“Khi địa phương tự nguyện thực hiện song song 2 chương trình, hiện hành và công nghệ giáo dục. Chuẩn cuối cùng vẫn đánh giá khả năng đọc viết của học sinh. Áp dụng tiếng Việt công nghệ giáo dục có nhiều ưu thế. Bộ cho triển khai ở tất cả vùng dân tộc thiểu số vì các em học nắm chắc chính tả, cấu tạo tiếng, qua một mùa hè vẫn nhớ, không bị quên chữ” bà Thắm kỳ vọng về chương trình thí điểm này.

Cũng theo bà Thắm, việc thí điểm áp dụng dạy tiếng Việt công nghệ giáo dục giống như một nguyên tắc căn bản của giáo dục là không được thất bại, vì thất bại trên một con người không phải là việc đơn thuần.

Theo đó, những giải pháp được gọi là thí điểm đều được phân tích rất kĩ ở những khía cạnh khác nhau trước khi đưa ra dạy cho học sinh, bên cạnh đó có một quá trình quản lí chặt chẽ từ đầu thời gian triển khai đến suốt quá trình, nếu thấy trục trặc phải điều chỉnh ngay.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học cũng lạc quan cho rằng, nguyên tắc này chắc chắn là “phát” bởi nếu “hòa” thì không ai làm. Tuy nhiên vì chương trình này là thí điểm nên đòi hỏi phụ huynh tự nguyên.

Được biết, năm nay Bộ GD&ĐT cũng thực hiện triển khai mô hình trường học mới ở 1.447 trường trên cả nước. Hiện chưa có trường nào phản ứng. Riêng Hà Nội chỉ có một trường được tham gia dự án này, hiện nay đã có nhiều trường tiếp tục đăng kí tham gia. Lưu ý với các trường trước về chương trình của mô hình trường học mới này, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các địa phương, vì mô hình có nhiều nội dung khác nhau nếu chưa thể áp dụng được ngay tất cả nội dung của mô hình thì có thể áp dụng từng phần.

Có thể dạy chưa được nhưng vẫn áp dụng về nội dung quản lí, tổ chức lớp học, về tự quản học sinh. Thậm chí, trong dạy học nếu chưa dạy được toàn bộ theo sách của chương trình trường học mới có thể áp dụng từng phần, vì điều kiện này rất mở.


Xuân Trung