Bộ đã bỏ định mức dự giờ cho giáo viên, nhiều trường vẫn cài cắm

11/11/2021 06:34
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sẽ rất khó có thể đánh giá chất lượng một tiết dạy trực tuyến khi rất nhiều tác động khách quan, giáo viên không thể chủ động xử lý được.

Chuyện giáo viên phải dự giờ theo định mức đã không còn sau khi Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT; Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ra đời.

Tuy nhiên, với giáo viên Tiểu học còn có nội dung “dự giờ” trong hồ sơ giáo viên; tại điểm b khoản 2 Điều 21 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên bao gồm:

- Kế hoạch bài dạy;

- Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh …”.

Còn với giáo viên trung học, theo Khoản 3 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, tuyệt đối không có cụm từ “dự giờ” trong hồ sơ cá nhân.

Với giáo viên chủ nhiệm chỉ “có quyền dự giờ” lớp mình phụ trách, theo Điểm a Khoản 1 Điều 29 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT:

a) Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.

Thế nhưng, không ít cơ sở giáo dục vẫn “cài cắm” số tiết tiêu chuẩn dự giờ trong “quy chế thi đua” của nhà trường;

Điều này dẫn đến tình trạng “trên thông nhưng dưới không thoáng”, dự giờ và bị dự giờ vẫn là điều gây áp lực cho giáo viên.

Hoạt động dự giờ, hội giảng đang còn đó những “góc tối” đã được phản ánh qua bài viết “Cô giáo Bình Thuận trầm cảm nhập viện vì tin nhắn "dập cho chết" của đồng nghiệp” [1] từng gây xôn xao dư luận; hoạt động dự giờ, hội giảng đã trở nên… phản giáo dục; là công cụ để “triệt hạ” đồng nghiệp.

Ảnh minh họa: Vtv.vn

Ảnh minh họa: Vtv.vn

Dạy trực tuyến giáo viên vất vả bội phần còn bị “hành” dự giờ, hội giảng

Giáo viên dạy trực tuyến phải “đối phó” với muôn vàn khó khăn khách quan như: chất lượng đường truyền internet của cả giáo viên và học sinh; thiết bị của học trò; có điện hay cúp điện… đủ thứ “hầm bà lằng” nên chỉ còn “mặc cho số phận”.

Vì thế, sẽ rất khó có thể đánh giá chất lượng một tiết dạy trực tuyến khi rất nhiều tác động khách quan, giáo viên không thể chủ động xử lý được.

Vì thế, dự giờ, hội giảng trực tuyến là điều rất nhiều giáo viên đang dạy trực tuyến không mong muốn.

Dạy dự giờ trực tuyến giáo viên cũng phải diễn?

Dù giáo viên không muốn có dự giờ, hội giảng trực tuyến, thế nhưng lãnh đạo đã quyết định là phải chấp hành.

Để có 1 tiết dạy trực tuyến hoàn hảo hơn, giáo viên đành phải “huy động lực lượng” hỗ trợ cho mình, lực lượng đó không ai khác, chính là… học sinh và phụ huynh.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã chứng kiến cảnh giáo viên “huy động lực lượng” cho tiết dự giờ trực tuyến, chia sẻ:

“Ba hôm nay tôi bị cuốn vào nỗi sợ của đồng nghiệp, của phụ huynh và của người nhà tôi khi: lớp của con họ được thông báo dự giờ;

Giáo viên được dự giờ kéo theo phụ huynh, học sinh vào “sự chuẩn bị đến phát sợ”.

Ôi chao, chỉ dự giờ online thôi mà phụ huynh cuống lên, cả ngày giục con rồi con giục lại, chuẩn bị thiết bị, chuẩn bị bài,…”.

Như vậy, cứ có “dự giờ” giáo viên phải cuống cuồng chuẩn bị, làm khổ cả học trò, phụ huynh; tiết dạy đó có thể “hoàn hảo” hơn, nhưng chẳng khác gì vở diễn, hoàn toàn không phải thực chất. Thế nên mới có “Tiết dạy chuyên đề càng hoàn hảo, giả dối càng lên ngôi”.[2]

Làm sao chấm dứt “diễn” khi giáo viên dạy dự giờ, hội giảng?

Mọi hoạt động giáo dục chỉ có tác dụng giáo dục khi và chỉ khi hoạt động đó thực chất, không mang bệnh hình thức, không có sự giả dối; hoạt động dự giờ, hội giảng không nằm ngoài quy luật đó.

Giáo viên chắc chắn không muốn “diễn” khi dạy dự giờ; thế nhưng, chính áp lực đòi hỏi phải có tiết dạy hoàn hảo, nên đành phải “diễn”.

Hễ có tiết dự giờ là giáo viên, học sinh, phụ huynh… sợ, tìm mọi cách để đối phó, làm sao cho tiết dạy trở nên “hoàn hảo” hơn, học sinh thực hiện theo kịch bản “trơn tru” hơn,… dẫn đến tình trạng “diễn” trong thời gian qua.

Muốn xóa tình trạng “diễn”, chúng ta phải thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận về mục đích của hoạt động dự giờ, hội giảng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ vấn đề này: “Dự giờ là để biết: giờ dạy ở thực tiễn thế nào? Xem học sinh học ra sao? Người dạy học thế nào? Những gì cần cải thiện để hướng đến việc học được như mong muốn?

Những gì cần khắc phục để tránh đi những ảnh hưởng không mong muốn? Những gì có thể nhân rộng, có thể học lẫn nhau!”.

Dự giờ để “chẻ tư sợi tóc”, muốn tiết dạy thật hoàn hảo trên một điều kiện thực tế không hoàn hảo, đó là hình thức; thông qua dự giờ để “đánh hội đồng” đồng nghiệp, bằng nhận xét ác ý, “tin nhắn khủng bố”, đó là phi giáo dục.

Tiết dạy dự giờ phải thực chất, bình thường như những gì vốn có đã và đang xảy ra trong điều kiện thực tiễn, có như thế mới giúp cho người dạy rút kinh nghiệm; người dự, học được cái hay khắc phục khó khăn của người dạy; tránh được cái chưa hay của người dạy trong điều kiện thực tế.

Lúc đó, hoạt động dự giờ mới thực chất, mang tính giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; dự giờ trực tiếp hay trực tuyến, không còn làm khó giáo viên nữa; giáo viên không còn phải “diễn” nữa; đó là mong muốn của giáo viên nói riêng, xã hội nói chung.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT.

- Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-giao-binh-thuan-tram-cam-nhap-vien-vi-tin-nhan-dap-cho-chet-cua-dong-nghiep-post218100.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tiet-day-chuyen-de-cang-hoan-hao-gia-doi-cang-len-ngoi-post221921.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến