Bộ có tính đến khả năng rối loạn nhân lực nhà giáo bậc trung học phổ thông?

03/09/2021 08:10
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường sẽ vô cùng bị động bởi vì không thể biết được học sinh vào lớp 10 tiếp theo sẽ lựa chọn môn nào để dự báo nhân lực, đặt hàng nhu cầu đào tạo giáo viên.

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, việc thực hiện chương trình mới sẽ tiếp tục ở lớp 1, 2, 6 và thực hiện mới ở lớp 3, 7,10, điều này có nghĩa là chương trình 2018 bắt đầu thực hiện ở bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023.

Trong bài viết này người viết xin được phân tích những điểm mới, khó khăn khi thực hiện chương trình mới ở bậc trung học phổ thông ở các năm tiếp theo về nhân lực giáo viên, đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu.

Các địa phương phải đặt hàng, nhu cầu đào tạo giáo viên

Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được phép đào tạo giáo viên (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo giáo viên) thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Theo đó, Điều 3. Xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu quy định:

“1. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31 tháng 01 hằng năm và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh.

2. Căn cứ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo công khai rộng rãi cho các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo giáo viên và thông báo lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên.

3. Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên và nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu có nhu cầu quyết định thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo một trong các hình thức sau:

a) Thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc;

b) Đặt hàng đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên;

c) Đấu thầu lựa chọn cơ sở đào tạo giáo viên cung cấp dịch vụ đào tạo giáo viên…”

Như vậy, hàng năm các địa phương (tỉnh, thành) phải báo cáo nhu cầu tuyển dụng, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên để đảm bảo dự kiến được nguồn nhân lực giáo viên trong tương lai, tránh thừa, thiếu cục bộ như hiện nay.

Tuy nhiên, sắp tới đây khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhất ở bậc trung học phổ thông việc này sẽ rất vất vả và khó dự báo nguồn nhân sự. Phần dưới đây xin được làm rõ nội dung trên.

(Ảnh minh hoạ: Baophuyen.com.vn)

(Ảnh minh hoạ: Baophuyen.com.vn)

Các môn học, hoạt động của học sinh trung học phổ thông trong chương trình mới

Số môn học, tiết học cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông 2018:

Nội dung giáo dục

Số tiết/năm học/lớp

Môn học bắt buộc

Ngữ văn

105

Toán

105

Ngoại ngữ 1

105

Giáo dục thể chất

70

Giáo dục quốc phòng và an ninh

35

Môn học lựa chọn (Lựa chọn 5 môn trong nhóm môn sau)

Nhóm môn khoa học xã hội

Lịch sử

70

Địa lí

70

Giáo dục kinh tế và pháp luật

70

Nhóm môn khoa học tự nhiên

Vật lí

70

Hoá học

70

Sinh học

70

Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật

Công nghệ

70

Tin học

70

Âm nhạc

70

Mĩ thuật

70

Chuyên đề học tập lựa chọn (3 cụm chuyên đề)

105

Hoạt động giáo dục bắt buộc

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

105

Nội dung giáo dục của địa phương

35

Môn học tự chọn

Tiếng dân tộc thiểu số

105

Ngoại ngữ 2

105

Tổng số tiết học/năm học (không kể các môn học tự chọn)

1015

Thay vì học 13 môn như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn, gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn). Đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Như vậy, mỗi học sinh bậc trung học cơ sở sẽ học tổng số 29 tiết/ tuần. Cụ thể Ngữ văn (3 tiết/ tuần); Toán (3 tiết/ tuần); Ngoại ngữ 1 (3 tiết/ tuần); Giáo dục thể chất (2 tiết/ tuần); Giáo dục quốc phòng và an ninh (1 tiết/ tuần); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (3 tiết/ tuần), Nội dung giáo dục của địa phương (1 tiết/ tuần); 3 chuyên đề (3 tiết/ tuần); Môn tự chọn (Ngoại ngữ 2 hoặc Tiếng dân tộc thiểu số) 3 tiết/ tuần, 5 môn tự chọn thuộc các nhóm môn trên (2 tiết/ tuần mỗi môn x 5 môn là 10 tiết/ tuần).

Rất khó dự báo nguồn nhân lực, đặt hàng đào tạo giáo viên

Học sinh sẽ học 29 tiết/ tuần, không chênh lệch so với chương trình hiện hành, tuy nhiên đối với môn tự chọn học sinh sẽ lựa chọn học 5/10 môn.

Tức là sẽ có đến 5 môn nếu học sinh không chọn sẽ dư thừa, giáo viên; các môn, hoạt động mới sẽ thiếu giáo viên.

Điều này sẽ gây ra một số bất cập, có môn học số lượng học sinh chọn quá nhiều nhưng sẽ có những môn học ít hoặc không có học sinh nào chọn.

Có bộ môn học sinh lựa chọn quá ít, không lập được lớp thì tổ chức dạy học thế nào? Nếu rất ít học sinh chọn môn Lịch sử, Sinh học, Giáo dục công dân,… thì những giáo viên đó sẽ như thế nào?

Có năm học học sinh không chọn các môn trên nhưng năm sau học sinh khác lại chọn thì như thế nào?

Làm sao để dự báo, đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên? Rõ ràng là bài toán vô cùng khó cho các trường trung học phổ thông khi thực hiện chương trình mới.

Đối với 2 môn mới là Âm nhạc và Mĩ thuật thì hiện nay ở bậc trung học phổ thông chưa có giáo viên nếu học sinh chọn thì sẽ giải quyết ra sao? Mà nó là môn tự chọn, nên cũng không ổn định, nếu tuyển dụng giáo viên nhưng học sinh không chọn thì khi đó giáo viên sẽ dôi dư.

Nếu học sinh được quyền lựa chọn môn học nhưng vì lý do nào đó, nhà trường chưa tổ chức được mà bắt các em chọn theo định hướng thì lại sai quan điểm, mục tiêu đổi mới giáo dục

Nên việc dự báo thừa, thiếu giáo viên là không thể thực hiện được. Việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở bậc trung học phổ thông khi thực hiện theo chương trình mới là khó lường.

Sau khi học sinh ở lớp 10 lựa chọn 5 môn/10 môn để học thì đương nhiên ở lớp 11, 12 sẽ học tiếp các môn đó, như vậy các môn lựa chọn nhiều sẽ thiếu giáo viên, môn ít lựa chọn lại thừa giáo viên.

Tuy nhiên, nhà trường sẽ vô cùng bị động bởi vì không thể biết được học sinh vào lớp 10 tiếp theo sẽ lựa chọn môn nào để dự báo nhân lực, đặt hàng nhu cầu đào tạo giáo viên, nếu không sẽ lãng phí nhân lực, tốn ngân sách.

Thời gian còn lại là một năm để hoàn thiện cơ chế chính sách để giải quyết các bất cập trên, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những chính sách hợp lý để giải quyết các bất cập trên, đừng để các địa phương bị động, lúng túng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA