Bộ cần cấm các trường thu tiền buổi 2 của học sinh tiểu học

14/05/2022 06:46
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thu tiền buổi 2 của phụ huynh trong chương trình mới là không đúng với tinh thần của việc miễn học phí với bậc tiểu học đã được luật định.

Học chương trình mới phụ huynh có phải đóng tiền buổi 2 cho con không đang là câu hỏi được giáo viên và nhiều phụ huynh quan tâm.

Một số phụ huynh hiểu rõ về giáo dục đã trực tiếp nêu thắc mắc với người viết, ở chương trình 2000 (mà chúng tôi hay gọi là chương trình hiện hành), việc học buổi 2 là theo nhu cầu nên phụ huynh buộc phải đóng tiền như hình thức xã hội hóa.

Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay còn gọi là chương trình mới được xây dựng học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học thì ngân sách nhà nước phải chi trả những tiết dạy vượt giờ cho giáo viên, sao lại buộc phụ huynh đóng góp?

Học sinh tiểu học hiện nay phần lớn đã học cả ngày (Ảnh minh họa của tác giả)

Học sinh tiểu học hiện nay phần lớn đã học cả ngày (Ảnh minh họa của tác giả)

Vẫn chưa có hướng dẫn mới về cách tính định mức giáo viên, các trường hiện đang làm theo quy định cũ

Cũng lấn cấn về chuyện có thu tiền phụ huynh buổi 2 khi đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hay không mà nhiều trường học tại địa phương gần hết năm học, mới thông báo phụ huynh đóng tiền buổi 2 cho năm học này.

Tuy nhiên, theo một cán bộ quản lý chia sẻ, cho đến nay các cơ sở giáo dục vẫn chưa nhận được hướng dẫn mới về cách tiền phụ trội cho giáo viên dạy buổi 2 ở chương trình mới.

Vì thế, nhà trường vẫn làm theo quy định cũ là căn cứ vào Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định đối với bậc tiểu học là 1,5 giáo viên/lớp.[1]

Định mức này là phù hợp khi được xây dựng trên cơ sở học sinh chỉ học 1 buổi/ngày. Hiện nhiều trường học có đầy đủ cơ sở vật chất đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày nên kinh phí trả buổi dạy tăng thêm cho giáo viên từ trước đến nay đều do phụ huynh đóng góp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. [2] Tuy nhiên, bất cập này cũng vẫn chưa được giải quyết.

Định mức giáo viên tiểu học

Đối với trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày:

Trường tiểu học thuộc vùng 1: được bố trí 1,5 giáo viên/25 học sinh.

Trường tiểu học thuộc vùng 2: được bố trí 1,5 giáo viên/30 học sinh.

Trường tiểu học thuộc vùng 3: được bố trí 1,5 giáo viên/35 học sinh.

Điểm khác của dự thảo mới là thay đổi định mức giáo viên theo sĩ số học sinh nhưng định mức giáo viên với trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày vẫn chưa thay đổi, vẫn chỉ là 1,5 giáo viên/lớp.

Nếu tổ chức dạy 2 buổi thì tỉ lệ giáo viên trên lớp phải đạt từ 1,7 đến 1,8 giáo viên. Lúc này, các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày sẽ không phải thu tiền từ phụ huynh.

Chương trình mới đã xây dựng cho học sinh học 2 buổi/ngày (việc học này là bắt buộc, không còn phụ thuộc vào ý kiến của phụ huynh như trước đây). Vì thế, nhiều ý kiến đặt ra là quy định thu tiền của người dân để chi trả cho buổi học thứ 2 có còn phù hợp nữa hay không?

Thu tiền buổi 2 từ phụ huynh có sai không?

Buổi 2 học theo nhu cầu hoàn toàn khác buổi 2 học bắt buộc. Vì thế, chương trình mới hiện nay đã xây dựng học sinh tiểu học bắt buộc phải học 2 buổi/ngày thì đương nhiên số tiền trả cho giáo viên dạy tăng tiết buổi 2 không thể bắt phụ huynh nộp như trước mà phải do ngân sách nhà nước chi trả mới là hợp lý.

Thế nhưng trong thực tế, nhiều địa phương trong đó có Bình Thuận vẫn đang phải thu tiền buổi 2 từ phụ huynh.

Nếu không thu tiền từ phụ huynh, nhà trường sẽ lấy kinh phí ở đâu để trả cho giáo viên khi dạy vượt số tiết quy định?

Theo Điều 99 Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì “Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí”.

Thu tiền buổi 2 từ phụ huynh trong chương trình mới chẳng khác nào phụ huynh phải đóng tiền học phí cho con mà như thế là không đúng tinh thần của việc miễn học phí với tiểu học đã được luật định.

Nói về điều này, ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu quan điểm:

Khi học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì đồng nghĩa với việc cả 2 buổi ấy học sinh tiểu học tại trường công lập phải được miễn học phí.

Do vậy, địa phương nào khó khăn vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất... thì ngành Giáo dục và Đào tạo nơi đó phải có trách nhiệm báo cáo với chính quyền địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ... đảm bảo yêu cầu tối thiểu để dạy học 2 buổi/ngày.

Về lâu dài là không thể thu kinh phí của cha mẹ học sinh tiểu học để dạy học buổi 2 nữa vì như thế là không đúng tinh thần của việc miễn học phí với tiểu học đã được luật định.

"Bộ chỉ có thể ban hành chương trình và hướng dẫn tổ chức thực hiện, còn đầu tư nguồn lực thì phải là trách nhiệm và sự quan tâm của các địa phương, nơi “nắm” cả việc tuyển dụng biên chế và ngân sách cho Giáo dục và Đào tạo". [2]

Bộ Giáo dục cần có hướng dẫn cụ thể

Từ trước đến nay, không có một quy định cụ thể về mức thu học phí cho buổi học tăng thêm nên mỗi địa phương thu tiền mỗi khác.

Có nơi thu 50 ngàn đồng/học sinh/tháng, nơi thu 100 ngàn đồng, nơi thu 150 ngàn đồng, nơi lại thu tới 200 ngàn đồng/tháng.

Với mức thu 200 ngàn đồng một tháng thì một năm học phụ huynh phải bỏ gần 2 triệu đồng tiền học buổi 2 cho con. Rõ ràng đây là số tiền không hề nhỏ với nhiều gia đình đặc biệt là những gia đình nghèo, khó khăn.

Vì thế, cũng sẽ có những học sinh không có cơ hội đến trường vì gia đình không đủ sức lo cho con số tiền lớn như thế thay vì các em có quyền được đi học.

Trò chuyện với một số đồng nghiệp làm quản lý, nhiều thầy cô cũng khẳng định hoàn toàn không muốn thu tiền học buổi 2 từ phụ huynh.

Tuy nhiên, nếu không thu tiền từ cha mẹ học sinh thì nhà trường sẽ không có kinh phí để trả cho thầy cô đã dạy tăng tiết trong khi quy định về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập từ Thông tư 16 vẫn chưa được sửa đổi.

Bởi thế, người viết cho rằng, để đúng với tinh thần của việc miễn học phí đối với bậc tiểu học đã được luật định, đúng với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng là giúp những học sinh nghèo, khó khăn có thêm cơ hội được học tập thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT về định mức giáo viên cho phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-16-2017-tt-bgddt-khung-vi-tri-viec-lam-so-luong-nguoi-lam-co-so-giao-duc-cong-lap-56aea.html

[2] https://moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDT/Attachments/1580/du-thao.pdf

[3] https://thanhnien.vn/day-hoc-2-buoi-ngay-nhieu-cau-hoi-chua-giai-quyet-post1030142.html

Phan Tuyết