Biên soạn sách Tiếng dân tộc thiểu số chậm so với tiến độ, Bộ Giáo dục nói gì?

21/08/2021 08:32
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận còn nhiều hạn chế trong đó có cơ sở vật chất, biên soạn sách môn tiếng dân tộc thiểu số và tài liệu giáo dục địa phương.

Sau một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận còn nhiều hạn chế trong đó có cơ sở vật chất, biên soạn sách giáo dục đối với môn tiếng dân tộc thiểu số và tài liệu giáo dục địa phương.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mặc dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhưng cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều khó khăn nhiều nơi chưa đáp ứng được các điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần đầu tư xây dựng mới một số hạng mục như: đủ phòng học (bảo đảm 1 lớp/phòng cho cấp tiểu học), phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú... rất cần bổ sung các chính sách mới đối với các vùng đặc thù để bổ sung nguồn lực từ trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn thu ngân sách nhiều tỉnh gặp khó khăn, trong khi đó phải tập trung các nguồn lực vừa phải thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Vì vậy, chưa có điều kiện cân đối, bố trí đủ nguồn kinh phí mua thiết bị dạy học tối thiểu cho học sinh lớp 1 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021 theo nhu cầu.

Thiết bị dạy học cho lớp 1 theo chương trình mới chưa đáp ứng yêu cầu, việc mua sắm còn chậm, nhiều trường tiểu học đến thời điểm triển khai nhiệm vụ năm học vẫn chưa nhận được thiết bị. Một phần do nguyên nhân của thủ tục mua sắm phức tạp và kéo dài.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Số lượng trường học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, trải rộng khắp cả nước, đa dạng và có nhiều yếu tố đặc thù địa phương vùng miền. Năm học 2020-2021 toàn quốc hiện có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (số lớp 1 là 57.428 lớp), với 16.323 điểm trường, tỷ lệ bình quân 1,48 trường tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ điểm trường/trường tiểu học là 1,09 trong đó nhiều trường tiểu học có từ 3 đến 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng, khu vực miền núi)…

Nhiều địa phương sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn, tình trạng dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, quy mô một số trường có số lớp/trường lớn, số học sinh/lớp vượt quá quy định; một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư sau sáp nhập chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 0,98 (theo quy định 1 phòng học/lớp); trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 phòng (chiếm khoảng 0,75%).

Đối với việc biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn học tiếng dân tộc thiểu số được quy định là môn học tự chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 34/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2020 ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn học Tiếng Bahnar, Tiếng Chăm, Tiếng Ê đê, Tiếng Jrai, Tiếng Khmer, Tiếng Mông, Tiếng Mnông, Tiếng Thái.

Qua các lần tổ chức thẩm định sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo rộng rãi để các Nhà xuất bản đề nghị thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng không có Nhà xuất bản nào đề nghị thẩm định sách giáo khoa các môn học tiếng dân tộc thiểu số. Như vậy, việc biên soạn sách giáo khoa các môn học tiếng dân tộc thiểu số không thực hiện được theo phương thức xã hội hóa.

Căn cứ quy định tại Nghị quyết 122, và Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 25/7/2010 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã chỉ đạo việc triển khai nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa các môn tiếng dân tộc thiểu số bằng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, do một số vấn đề cần có sự đồng thuận, thống nhất đối với ngôn ngữ, chữ viết tiếng dân tộc thiểu số, nên việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa các môn học tiếng dân tộc thiểu số chậm so với lộ trình triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, việc biên soạn sách giáo khoa các môn ngoại ngữ (ngoài Tiếng Anh) chưa thực hiện được theo phương thức xã hội hóa do số lượng người học ít (chỉ khoảng dưới 1% học sinh học các ngoại ngữ này).

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương biên soạn các bộ sách giáo khoa các ngoại ngữ khác ngoài Tiếng Anh sử dụng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài để tìm sự hỗ trợ trong biên soạn sách giáo khoa cho các ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa đối với các môn học này.

Đặc biệt, việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương đối với các địa phương là một vấn đề mới, nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm triển khai nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu theo thẩm quyền; đồng thời cần phân định rõ trách nhiệm giải trình về chất lượng nội dung tài liệu do địa phương tổ chức biên soạn, thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ phê duyệt trên cơ sở kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định tại địa phương.

Thùy Linh