Bí quyết học lịch sử của nữ sinh đạt điểm 10 duy nhất của tỉnh Quảng Trị

25/07/2019 06:55
Lại Cường
(GDVN) - Bí quyết học lịch sử của cô nữ sinh đạt điểm 10 duy nhất của tỉnh Quảng Trị đơn giản là đam mê và biết lập kế hoạch để ghi nhớ những dấu mốc quan trọng.

Trong tổng số 7.525 thí sinh dự thi tại Hội đồng thi tỉnh Quảng Trị, nữ sinh Cao Hoàng Thục Nhi, học sinh lớp 12A1 trường Trung học phổ thông Cam Lộ (Huyện Cam Lộ, Quảng Trị) là học sinh duy nhất đạt điểm 10 môn lịch sử của toàn tỉnh.

Trong kỳ thi Quốc gia năm 2019,  môn lịch sử có tổng số 70% số bài thi có điểm dưới 5, điểm trung bình đạt 4.3 và có 80 bài thi đạt điểm 10.

Khác với phần lớn học sinh ngày nay khi cho rằng môn lịch sử là môn “khô khan, khó nhớ”, Cao Hoàng Thục Nhi lại tỏ ra rất hào hứng và có niềm đam mê đặc biệt với môn Lịch sử.

Đó cũng là một trong những bí quyết giúp Thục Nhi trở thành nữ sinh duy nhất tại Quảng Trị đạt điểm 10 môn Lịch sử.

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thục Nhi cho biết, em vừa lựa chọn xong nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2019.

Với 28 điểm (cả cộng điểm ưu tiên vùng) khối C00 với lần lượt Ngữ văn 8,5 điểm, Địa lí 8,75 điểm, Lịch sử 10 điểm, Thục Nhi chọn đăng kí xét tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội với ước mơ trở thành Kiểm sát viên.

Cô nữ sinh Cao Hoàng Thục Nhi, nữ sinh duy nhất đạt điểm 10 môn lịch sử của tỉnh Quảng Trị năm học 2019. (Ảnh Thục Nhi cung cấp)
Cô nữ sinh Cao Hoàng Thục Nhi, nữ sinh duy nhất đạt điểm 10 môn lịch sử của tỉnh Quảng Trị năm học 2019. (Ảnh Thục Nhi cung cấp)

Ngoài ra em còn đăng kí nguyện vọng 2, 3 vào các trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Tòa án.

Với vẻ mặt lanh lợi, có chút cương nghị, toát lên vẻ thông minh, sắc sảo, Thục Nhi đã bày tỏ sự yêu thích ngành luật nên đã chọn vào các trường liên quan đến ngành Luật.

Trở lại câu chuyện học tập môn lịch sử, cô “sinh viên” tương lai Thục Nhi đã chia sẻ những bí quyết học tập môn lịch sử với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thục Nhi cũng hi vọng những bí quyết học tập nho nhỏ của mình sẽ giúp được các em khóa sau không còn sợ môn lịch sử nữa.

Hai nữ sinh Hải Dương chia sẻ bí quyết đạt điểm 10 môn Lịch sử thi quốc gia
Hai nữ sinh Hải Dương chia sẻ bí quyết đạt điểm 10 môn Lịch sử thi quốc gia

Theo Thục Nhi, để học tốt môn lịch sử, trước hết phải… yêu thích nó đã.

Không như nhiều bạn hiện nay “sợ” học Lịch sử vì cho rằng môn này quá khô khan và nhiều dữ kiện, sự kiện… Thục Nhi đã chọn môn lịch sử trước hết vì em muốn tìm hiểu những gì đã xảy ra trong lịch sử.

Ngay từ khi học Trung học cơ sở, Thục Nhi đã thích xem các bộ phim tài liệu, phóng sự truyền hình về lịch sử Việt Nam…

Trong những dấu mốc thời gian ấy các sự kiện xảy ra đã làm cuốn hút Thục Nhi.

“Qua môn học Lịch sử Việt Nam, em cảm thấy rất tự hào về những gì ông cha mình đã thực hiện được. Hành trình dựng nước và giữ nước trong suốt 4.000 năm đã để lại cho em những điều rất đối tự hào.

Đặc biệt là khi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, quê hương và quá trình đấu tranh, bảo vệ, xây dựng đất nước của các thế hệ cha ông càng làm cho em thấy xúc động, tự hào và trân quý những gì mình đã và đang được hưởng.

Đó là lí do chính để em đặc biệt yêu thích bộ môn này.

Em rất hạnh phúc và tự hào khi đạt được điểm số môn Lịch sử tuyệt đối trong kì thi vừa qua”, Thục Nhi chia sẻ.

Để học được lịch sử, Thục Nhi chọn cho mình cách học thu nhặt kiến thức từ những sự kiện gắn liền với đời sống hàng ngày và thông qua nhiều phương tiện tiếp nhận thông tin khác nhau từ việc đọc sách báo về lịch sử, thường xuyên tham gia tham quan thực tế các di tích lịch sử trong tỉnh hoặc để ý một chút về các dữ kiện lịch sử như chuyên mục “ngày này năm xưa”...

Thục Nhi và các bạn trong ngày chia tay thời áo trắng.
Thục Nhi và các bạn trong ngày chia tay thời áo trắng. 

Với những kiến thức thu nhận hàng ngày nên khi ôn bài và học bài về lịch sử Thục Nhi cho biết việc tiếp nhận kiến thức từ sách vở, thầy cô giáo lúc đó trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều.

Thay vì cố gắng nhớ các mốc quan trọng một cách máy móc, Thục Nhi cho biết em tự hệ thống lại các cột mốc quan trọng, sau đó hệ thống lại kiến thức, xâu chuỗi sự kiện chứ không học thuộc lòng nên không bị rối và bị động các kiến thức lịch sử.

 “Để học tốt môn Lịch sử trước hết phải đam mê, nắm rõ kiến thức cơ bản, học theo sơ đồ tư duy, theo lối kể chuyện.

Thường xuyên trao đổi, phản biện kiến thức với thầy cô, bạn bè để hiểu và nhớ nhanh, nhớ lâu, nhớ kĩ hơn.

Kinh nghiệm khi thi là phải nắm được các từ khóa lịch sử để có thể làm được các câu có tính vận dụng cao.

Cùng với đó, em cũng tập khảo sát một số đề lịch sử để nhận biết các dạng đề bài để mình có sự chuẩn bị tốt hơn.

Minh Quân rất xuất sắc, giành huy chương bạc Olympic tin học
Minh Quân rất xuất sắc, giành huy chương bạc Olympic tin học

Quá trình ôn luyện, bên cạnh nắm vững kiến thức cơ bản thì phải thường xuyên làm các đề thi thử trong tỉnh và trên toàn quốc để có có thể ước lượng xem sức mình ở đâu để có hướng khắc phục”, Thục Nhi chia sẻ cách học Lịch sử của bản thân.

Một trong những cách học Lịch sử khác của Thục Nhi đó là kết hợp những kiến thức bổ trợ của môn Ngữ Văn và môn Địa lý.

“Các tác phẩm văn học được đặt trong bối cảnh cụ thể, địa phương cụ thể giúp em có thể hiểu được thông điệp của nhà văn đưa ra là gì”, Thục Nhi chia sẻ.

Lại Cường