Bí quyết để trở thành thủ khoa đầu ra ngành tiếng Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân

26/04/2021 06:03
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thanh Lam sinh năm năm 1999 đến từ Hà Tĩnh là nữ thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành tiếng Anh thương mại với điểm trung bình 8,7.

Dương Thị Thanh Lam sinh viên khóa 59 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong 31 sinh viên đạt danh hiệu thủ khoa các chuyên ngành được vinh danh trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp hệ chính quy năm 2021 diễn ra ngày 25/4.

Nhận được thông tin trở thành thủ khoa của chuyên ngành tiếng Anh thương mại, Lam rất vui mừng và khá bất ngờ.

Nhìn lại hành trình 4 năm ở giảng đường đại học, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nữ sinh 9X cho hay, “đối với em, lựa chọn ngành ngôn ngữ Anh nói chung và Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng như là một “định mệnh”. Bởi đây chỉ là nguyện vọng dự phòng sau khi em đăng kí các ngành kinh tế của các trường khác nhau nhưng không đỗ”.

Dương Thị Thanh Lam là thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành tiếng Anh thương mại của trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2021 (ảnh: NVCC)

Dương Thị Thanh Lam là thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành tiếng Anh thương mại của trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2021 (ảnh: NVCC)

“Mặc dù em thích học môn Tiếng Anh, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chọn Ngôn ngữ Anh là ngành để theo học trong 4 năm. Thế nhưng, giờ đây khi ngoảnh đầu nhìn lại, em thấy đó là một sự lựa chọn đúng đắn và thấy bản thân thật may mắn khi được rèn luyện và trưởng thành từ mái nhà Ngoại ngữ Kinh tế của trường Kinh tế quốc dân, để em có được ngày hôm nay”, Lam tâm sự.

Khi tôi hỏi bí quyết học tập để đạt điểm cao và học môn tiếng Anh không bị chán trên giảng đường đại học thì Lam kể, cũng như đại đa số các sinh viên khác, Lam thường chỉ học khi bắt đầu gần thi. Nhưng có lẽ có chút khác biệt là em ít khi “bùng” học và thường ghi chép khá đầy đủ trên lớp.

Đây là tư liệu quan trọng và hữu ích nhất khi ôn thi cuối kỳ, vì thường nếu cả kỳ không học trong khi chỉ có mấy ngày ôn thì việc đọc một cuốn sách giáo trình dày gần như là điều không thể. Với Lam, động lực thôi thúc bản thân học Tiếng Anh là muốn hiểu được người nước ngoài đang nói gì với mình.

“Những lần có cơ hội tiếp xúc nói chuyện với người nước ngoài, nếu nghe họ nói mà mình không hiểu gì thì em cảm thấy rất xấu hổ từ đó quyết tâm học hơn”, Lam nhớ lại.

Trong giảng đường đại học, Lam tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải (ảnh: NVCC)

Trong giảng đường đại học, Lam tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải (ảnh: NVCC)

Cũng theo nữ sinh xứ Nghệ này, việc biết ít nhất một ngoại ngữ giúp bản thân mở mang tầm mắt hơn, có cơ hội giao lưu và gặp gỡ nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. “Nghe họ kể chuyện về văn hóa nước họ làm em càng muốn chinh phục tiếng Anh để có cơ hội đi đến khám phá những vùng đất ấy hơn”- cô bạn trải lòng chia sẻ.

Bạn bè hay hỏi em cách học tiếng Anh, thì em hay chia sẻ thật lòng là bản thân đã có gốc từ hồi lớp 8 vì được học để thi học sinh giỏi, nên nếu phải chia sẻ lộ trình học từ đầu cho người mất gốc thì em không thể. Nhưng em rút ra được là bước đầu tiên khi học Tiếng Anh đó là phải nắm rõ quy tắc phát âm 44 âm IPA (IPA là viết tắt của International-Phonetic-Alphabet – bảng kí hiệu ngữ âm quốc tế).

Theo Lam, đây là bước chuẩn bị rất cần thiết để khi tra từ vựng mọi người sẽ biết cách đọc đúng, và từ việc đọc đúng từ thì sẽ nghe được đúng, dần dần nói chuẩn hơn.

Lam nhớ lại hồi mới vào đại học, là một tân sinh viên từ quê lên, dù đã là học sinh giỏi môn tiếng Anh từ bậc trung học cơ sở nhưng em đã thấy vô cùng choáng ngợp trước khả năng Tiếng Anh của các bạn cùng lứa, nhất là các bạn đến từ Hà Nội.

Từ choáng ngợp dẫn đến sợ hãi, Lam mất hết hoàn toàn tự tin về vốn tiếng Anh từ trước đến giờ của mình, thậm chí cô sinh viên năm đó đã buồn rầu cho đến khi dần dần nhận ra việc mình nghe/nói kém là vì chưa biết cách phát âm chuẩn.

“Từ khi nắm được quy tắc phát âm, kết hợp với việc tra từ điển Anh-Anh thay vì Anh-Việt như trước, dần dần em cảm thấy mình không còn tụt lại nhiều so với các bạn như hồi đầu. Và việc tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên trên giảng đường đã giúp em càng củng cố tri thức vững vàng hơn”, Lam tâm sự.

Trong ngày nhận bằng tốt nghiệp, bố mẹ và người thân của Lam có mặt để chúc mừng em (ảnh: NVCC)

Trong ngày nhận bằng tốt nghiệp, bố mẹ và người thân của Lam có mặt để chúc mừng em (ảnh: NVCC)

Có ý kiến cho rằng học ngoại ngữ cần gắn với văn hóa nước sở tại. Việc biết tất cả cấu trúc ngữ pháp hay từ vựng của một ngôn ngữ được liệt kê trong từ điển sẽ không đảm bảo người học có khả năng giao tiếp tự nhiên với người bản xứ nếu không hiểu biết về văn hóa của họ thì Lam đồng tình với quan điểm này bởi thủ khoa ngành tiếng Anh thương mại cho rằng, học ngoại ngữ nếu chỉ biết đơn thuần về lý thuyết thì khó có thể giao tiếp tự nhiên với người bản xứ vì mỗi từ, mỗi câu sử dụng còn tùy thuộc vào văn cảnh.

Hơn nữa, có những từ lóng, hay slang được người bản xứ sử dụng khá nhiều nhưng không được đưa vào sách vở. Trong bối cảnh bùng nổ Internet hiện nay, mọi biên giới đã được xóa nhòa. Việc biết đến các nền văn hóa cũng trở nên phổ biến hơn rất nhiều thông qua các nền tảng mạng xã hội. Vì thế, học ngoại ngữ mà biết kết hợp với việc tìm hiểu các văn hóa đặc trưng của nước sở tại sẽ giúp người học có hứng thú hơn khi học, giúp hiểu sâu và nhớ lâu hơn.

Dù trở thành thủ khoa nhưng Lam tự nhủ với bản thân mình rằng việc sử dụng tốt tiếng Anh là một điều cần thiết trong cuộc sống, chứ không phải là thành tích để tự hào.

Hiện nay, Lam đang làm việc tại một công ty về công nghệ thông tin có 100% vốn nước ngoài, thành lập tại Việt Nam. Tuy làm việc trong môi trường có yếu tố nước ngoài, nhưng trong suy nghĩ của Lam, một khi có một ít hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa nào đó, thì chắc chắn là ai cũng sẽ ít nhất một lần muốn đến tận nơi khám phá.

“Kiến thức chuyên ngành thì trên mạng không thiếu, chúng ta thể học online mọi lúc mọi nơi nhưng điều đó không thể thay thế được với việc trực tiếp sinh sống và trải nghiệm nền văn hóa đó. Nên trong tương lai, nếu có bất kì cơ hội nào, em đều muốn được đi đến, học tập và khám phá nhiều nhất có thể, rồi về nước đóng góp sức mình xây dựng quê hương Hà Tĩnh yêu dấu của em”- tân thủ khoa 9X cho hay.

Ngày 25/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đợt 1 cho các tân cử nhân năm 2021. Trong số 1.325 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp đợt 1, có 223 sinh viên đạt kết quả học tập Xuất sắc, 571 sinh viên đạt loại Giỏi và 491 sinh viên đạt loại Khá.

Nhắn nhủ tới các tân cử nhân, Phó giáo sư Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường có chia sẻ với những sinh viên tốt nghiệp năm nay đã phải trải qua quãng thời gian đầy khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương nhắn nhủ tới các tân cử nhân (ảnh: Thúy Nga)

Thầy Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương nhắn nhủ tới các tân cử nhân (ảnh: Thúy Nga)

“Vì Covid-19, một số lưu học sinh của nhà trường đã không thể có mặt ở đây hôm nay. Thầy cũng rất chia sẻ và cảm thông với các tân cử nhân, đặc biệt là tân cử nhân ngành Du lịch vì phải trải qua những lo lắng khi thị trường việc làm có nhiều biến động. Nhưng thầy tin các em sẽ là những nhân tố mới - với trí tuệ và sức trẻ - sẽ biết cách vượt khó và tự tạo cho mình cơ hội để thành công”.

Ngày mai các em sẽ rời xa mái trường này. Các em sẽ không còn phải lo dậy sớm để kịp tiết học đầu tiên; không phải đứng chờ đợi trước cửa thang máy; không phải lo lắng đến những bài tập lớn cuối tuần, những kỳ thi hết môn hay những buổi học online;… để chính thức bước chân vào một cuộc sống mới.

Thầy mong các em hãy bước lên phía trước, vững vàng đối diện với tất cả để khẳng định bản thân và trở thành người dẫn dắt, định hướng cho nền kinh tế của đất nước”, Phó giáo sư Phạm Hồng Chương nhắn nhủ tới các tân cử nhân.

Thùy Linh