Bị "mắc kẹt" ở Hà Nội, sinh viên tìm kiếm sự giúp đỡ trong đợt giãn cách

05/09/2021 06:05
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không đi làm thêm được do dịch bệnh, nam sinh viên ở Hà Nội thường ăn mỳ tôm và thực phẩm của gia đình bạn gửi lên, đồng thời đăng lên mạng xã hội nhờ giúp đỡ.

Bốn tháng qua, Hoàng Doanh (sinh năm 2002, sinh viên trường Cao đẳng công nghệ Bách Khoa Hà Nội) không thể về thăm quê ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội khoảng 80 cây số. Trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, nỗi nhớ nhà càng nhân lên.

“Mẹ em mới sinh, gia đình có thêm thành viên mới nên trước đây em hay về, còn giờ thì nhớ nhà quá mà cũng không thể về được”, Doanh chia sẻ.

Nam sinh ngành Quản trị kinh doanh cho biết, khu nhà trọ em có tổng 16 người giờ còn 9 người, riêng phòng của Nam có 3 sinh viên. Trong đợt dịch này, chủ trọ giảm tiền phòng cho Nam và các bạn từ 1,3 triệu đồng còn 1 triệu đồng, dù ít nhưng cũng đỡ được một khoản chi phí.

“Dịch dã thế này, cô giảm cho các cháu 300 nghìn đồng tiền nhà”, cô chủ nhà nói với Doanh và các bạn, nghe được lời này, Doanh cũng thấy đỡ được phần nào lo lắng về các khoản chi phí.

Trong đợt dịch vừa qua, phòng của Doanh cũng được nhận sự hỗ trợ của chính quyền địa phương với 5 cân gạo và mỳ tôm, giúp các em vượt qua đại dịch trong 1 tuần.

Trước khi đại dịch ập đến, các thành viên trong phòng đi làm thêm nên ngại thổi cơm, họ thường đi ăn cơm quán với giá 20 nghìn đồng/suất.

Khi có dịch bệnh, Doanh và các bạn được phát phiếu đi chợ 3 lần/15 ngày. Tuy nhiên, mọi người cũng hạn chế đi chợ vì đồ ăn giá cả cũng tương đối cao, thay vào đó là họ dùng thực phẩm của gia đình gửi lên. Nếu đợt này hết đồ ăn, thì mọi người lại ăn mỳ tôm “trừ bữa”. Vóc dáng của nam sinh vốn nhỏ bé sau những ngày ăn mỳ tôm, trông cậu lại mảnh khảnh hơn.

“Bố mẹ chu cấp cho em tiền trọ, còn tiền sinh hoạt, ăn uống thì em tự lo. Thời gian vừa qua, em đã hết tiền nên ăn đồ của gia đình các bạn gửi lên, đồng thời cũng phải vay tiền của bạn bè để chi tiêu sinh hoạt”, Doanh chia sẻ.

Chia sẻ thêm về việc phải tự lo chi phí sinh hoạt, Doanh nói, em đã đi làm thêm nên em ngại phải xin bố mẹ tiền chi tiêu, phần vì thương bố mẹ ở quê lam lũ vất vả và phải lo toan khi có thành viên mới. Khó khăn là vậy, nên Doanh đăng tải trên Zalo connect mong được nhận sự giúp đỡ của các mạnh thường quân hỗ trợ thực phẩm, nhưng em chưa gặp được ai, em cũng không buồn vì có người còn khó khăn hơn mình.

Chia sẻ về lý do bị “mắc kẹt”, Hoàng Doanh cho hay, trong thời gian đi học thì em có đi làm thêm tại một nhà hàng nhưng đến khi Hà Nội giãn cách, nhà hàng đóng cửa thì em cũng không kịp về quê. Tiền lương mãi sau họ mới thanh toán nốt cho nhân viên.

Nghỉ việc, Doanh xin sang làm về lĩnh vực bất động sản đất nền thổ cư tại một văn phòng ở Thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Chưa làm được bao lâu thì dịch Covid bùng phát khiến Doanh không có thêm thu nhập.

Hoàng Doanh tại khu nhà trọ trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: NVCC)

Hoàng Doanh tại khu nhà trọ trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: NVCC)

"Giờ em ở nhà chấp hành giãn cách xã hội, em cũng mong người thực hiện nghiêm chỉnh việc này, để Hà Nội sớm trở lại cuộc sống bình thường", Doanh chia sẻ.

Cũng tương tự như trường hợp “mắc kẹt” của Doanh, em Hoàng Thị Cẩm (quê ở Thái Bình, sinh viên trường Đại học Y hà Nội) cho biết, em đang trong thời gian đi thực tập tại phòng khám tư ở Thường Tín (Hà Nội), khi dịch đến thì em cũng không kịp về quê.

Trọ tại vùng quê ngoại thành, Cẩm cho hay việc phòng chống dịch tại nơi đây khá chặt chẽ, khác hẳn so với những gì em đọc báo, xem trên ti vi.

“Em thấy ở trên phố thì người ta vẫn đi ngoài đường đông quá, vậy thì phòng chống dịch không hiệu quả. Còn chỗ em thì đợt vừa qua cũng có một số ca bệnh Covid-19 nhưng đến nay đã kiểm soát được”, Cẩm chia sẻ.

Nữ sinh này cho hay, việc nhiều người không chấp hành nghiêm việc phòng chống dịch, khiến dịch bệnh lây lan, thời gian giãn cách xã hội tăng lên, khiến không chỉ những sinh viên như các em, mà còn nhiều người lao động phải khốn đốn.

Chia sẻ thêm về cuộc sống hiện tại, nữ sinh này cho biết, chủ nhà trọ cũng giảm một phần tiền phòng. Về việc ăn uống thì do không có phiếu đi chợ nên em đi mua đồ tại một siêu thị gần nhà nhưng thực phẩm cũng khá đắt đỏ.

“Quả bí xanh cũng gần 40 nghìn đồng/quả, mớ rau cũng hơn chục nghìn. Trong khi đó tiền gia đình chu cấp thì hạn hẹp nên em đăng kí nhờ sự hỗ trợ qua mạng xã hội, vừa rồi cũng được một chị ở trong xã Hòa Bình hỗ trợ chúng em 10 cân gạo với ít trứng. Chúng em mừng quá, vậy là có thêm đồ ăn trong một thời gian nữa”, Cẩm cho hay.

Mạnh Đoàn