Bé khóc thì cho ra khỏi lớp, thế thì gọi gì là sư phạm nữa?

13/06/2019 07:19
HỒNG LAM SƠN
(GDVN) - Nếu giờ dạy mà có bé nào khóc (vì lý do nào đó) mà cứ đưa ra khỏi lớp, gởi lớp bên, hết giờ đưa về thì việc dạy học quá dễ dàng, đâu cần qua trường lớp sư phạm

LTS: Trước những tình huống sư phạm phát sinh trong tiết dạy của mình, tác giả Hồng Lam Sơn cho rằng, các thầy cô giáo cần thực sự bình tĩnh, khéo léo để xử lý.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dư luận ồn ào về câu chuyện một ngôi trường ở Hải Phòng, để chuẩn bị cho tiết dạy giáo viên giỏi đã cho một số học sinh có học lực yếu nghỉ ở nhà, đã làm cho tôi nhớ lại câu chuyện xử lý tình huống sư phạm…

Hôm đó, lớp của bé K. (5 tuổi, lớp mẫu giáo) có giáo viên dự giờ. Khi các cô vào lớp với một đội hình “đông đảo”, đầy "khí thế" thì bất ngờ bé K. khóc òa lên.

Cô chủ nhiệm là người dạy hôm đó tỏ ra luống cuống vì chưa kịp xử lý như thế nào trước tình huống bất ngờ này.

Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏi
Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏi

Cô bước đến chỗ bé K. (lúc này đang thút thít khóc) hỏi làm sao con khóc thì bé cho biết không muốn các cô vô lớp nhiều như vậy, làm con sợ lắm!

Bình thường bé K. rất ngoan, nhưng hôm nay thấy nhiều cô đến lớp thì bé không chịu, bé chỉ “thích” một mình cô chủ nhiệm ở trong lớp thôi.

Ổn định xong, khi các cô dự giờ đã yên vị chỗ ngồi, cô bắt đầu vào bài thì bé K. lại khóc, một hai đòi các cô đi ra khỏi lớp…

Thay vì bằng nghiệp vụ sư phạm, bằng cách xử lý tình huống khôn khéo là “dỗ dành” bé ngồi im để học thì cô chủ nhiệm dừng lại, xin lỗi các giáo viên đang dự giờ vì “sự cố” rồi bước tới chỗ ngồi bé K. và bế thốc bé ra ngoài, gởi cho cô đang dạy lớp bên cạnh và tiếp tục vào dạy bài.

Cách xử lý tình huống của cô chủ nhiệm khi có đồng nghiệp dự giờ vừa thiếu tính sư phạm vừa thiếu cái tâm cần có của một người dạy trẻ.

Có thể cô nghĩ đơn giản là cho bé K. ra ngoài lớp thì lớp sẽ “yên ổn”, không còn bé nào “quấy rối” để cô dạy cho hết giờ. Nhưng, cô không nghĩ rằng cách xử sự của mình như vậy đã làm tổn thương tinh thần của bé rất nhiều…

Đến chiều, khi nghe bà xã kể lại toàn bộ câu chuyện xảy ra ở lớp học hồi sáng, người bạn đồng nghiệp hỏi con:

“Sao lúc đó con không đưa tay xin nói với cô!”. Bé K. trả lời: “Cô không cho phép các con nói đâu! Nên con khóc vì khóc khỏi phải đưa tay xin cô!”.

“Ra ngõ hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, câu nói của người xưa có sai bao giờ! Những lời nói của bé K. là hoàn toàn có thật, không phải tự bé nghĩ ra như vậy.

Giáo dục học sinh mầm non (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Giáo dục học sinh mầm non (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Mỗi giờ dạy, dù có dự giờ hay không, dù thi dạy giáo viên giỏi gì chăng nữa cũng luôn tiềm ẩn những tình huống sư phạm phát sinh.

Điều quan trọng là người dạy phải thực sự bình tĩnh, khéo léo xử lý tình huống có lý có tình; thể hiện năng lực sư phạm và lòng yêu nghề mến trẻ của mình…

Nếu giờ dạy mà có bé nào khóc (vì lý do nào đó) mà cứ đưa ra khỏi lớp, gởi lớp bên, hết giờ đưa về thì việc dạy học quá dễ dàng, đâu cần qua trường lớp sư phạm!

HỒNG LAM SƠN