Bắt học sinh tự nghiên cứu, sáng tạo 1 sản phẩm là quá sức các em

05/04/2021 08:43
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật là cơ hội để học sinh tiếp xúc với khoa học, công nghệ mới, được trải nghiệm, học tập thông qua quá trình sáng tạo sản phẩm.

Những ngày qua, dư luận xảy ra nhiều tranh cãi xoay quanh chất lượng của cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng nên bỏ cuộc thi vì không đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Để có thông tin đa chiều về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Kỹ sư Nguyễn Minh Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Giáo dục TeLe iSTEAM (Chuyên gia giáo dục STEM), người trực tiếp hỗ trợ các thầy cô, các bạn học sinh tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật hằng năm.

Còn những hiểu lầm về mục đích cuộc thi

Theo Kỹ sư Nguyễn Minh Huy, hiện nay đang có nhiều ý kiến bàn luận hiểu sai về mục đích của cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh.

Thực tế, cuộc thi này không đưa ra yêu cầu bản thân học sinh phải tự hoàn thiện một sản phẩm khoa học hoàn chỉnh, mà các em sẽ tham gia vào quá trình nghiên cứu, sáng tạo với sự hỗ trợ, cố vấn của các thầy cô, chuyên gia.

Kỹ sư Nguyễn Minh Huy (giữa) khẳng định Cuộc thi Khoa học kỹ thuật giúp học sinh hiểu về khoa học, có nhiều kiến thức mới, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề thực tiễn (Ảnh: NVCC)

Kỹ sư Nguyễn Minh Huy (giữa) khẳng định Cuộc thi Khoa học kỹ thuật giúp học sinh hiểu về khoa học, có nhiều kiến thức mới, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề thực tiễn (Ảnh: NVCC)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nêu ra mục đích của cuộc thi là nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học gắn với phát triển văn hóa đọc; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học.

Anh Nguyễn Minh Huy nhận định: “Chính trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2020 - 2021, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định vai trò của các thầy cô, giảng viên đại học và các chuyên gia giáo dục trong việc định hướng, hỗ trợ các em học sinh sáng tạo nên những sản phẩm chất lượng.

Nếu chúng ta bắt buộc học sinh tự nghiên cứu, tự sáng tạo một sản phẩm hoàn chỉnh, điều này là quá sức với các em. Và nếu để các em tự làm thì vẫn có những sản phẩm dự thi nhưng khó đạt chất lượng cao.

Quan trọng hơn, đây là một sân chơi sáng tạo giúp học sinh, thầy cô được tiếp cận với những công nghệ mới, kiến thức mới, áp dụng được kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Quá trình thực hiện đề tài, sáng tạo một sản phẩm, các em sẽ hiểu thế nào là khoa học, thế nào là công nghệ, những kiến thức mới, trải nghiệm mới các em không thể có nếu chỉ học trong sách vở”.

Ngoài ra, cuộc thi còn là cơ hội để học sinh học cách làm báo cáo khoa học, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, tư duy logic, tư duy phản biện.

Theo anh Huy, có những bước trong quá trình thực hiện sản phẩm mà học sinh không thể tự làm.

“Ví dụ một đề tài về máy móc tự động, phần liên quan đến cơ khí, học sinh trung học không thể tự cầm dụng cụ để hàn sắt, hàn inox, các em cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Do đó, sự hỗ trợ của thầy cô, chuyên gia trong vai trò hướng dẫn, cố vấn là điều dễ hiểu.

Học sinh của tôi từ khi lên ý tưởng cho đến khi thiết kế sản phẩm cũng trải qua nhiều lần thất bại, quá trình làm có những khâu chưa đúng, phải đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao, đánh giá lại vấn đề, thiết kế lại sản phẩm, rồi thử nghiệm lại. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện, tôi là người hỗ trợ, hướng dẫn cho các em.

Đó chính là quá trình giúp các em học tập và tiếp nhận tri thức. Chúng ta không nên đặt câu hỏi rằng sản phẩm, đề tài do học sinh thực hiện 100% hay không, đó không phải mục đích của cuộc thi, quan trọng là các em học được gì sau quá trình thực hành khoa học”, Kỹ sư Nguyễn Minh Huy khẳng định.

Bàn về vấn đề áp dụng các đề tài vào thực tiễn, anh Huy cũng khẳng định rằng, đây cũng không phải là mục đích của cuộc thi.

Bởi lẽ, ngay cả cả luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, công trình nghiên cứu của các giáo sư đến từ các trường đại học nổi tiếng trong nước và ngoài nước, việc ứng dụng thực tiễn cũng là cả một vấn đề, một hành trình cần nhiều thời gian.

Một công trình ứng dụng vào thực tiễn không chỉ phụ thuộc vào hàm lượng chất xám trong sản phẩm mà còn cần quá trình thử nghiệm, đánh giá, sửa đổi lâu dài.

Thành công của một sản phẩm không phải nhất thiết là được ứng dụng thực tiễn. Với mỗi dự án khoa học, các doanh nghiệp đã có thể nhìn thấy được tiềm năng của nghiên cứu đó, nó cũng có thể là tiền đề cho những nghiên cứu sau này.

Ở cuộc thi này, mục tiêu chính là giúp học sinh thực hiện hóa những ý tưởng, vận dụng kiến thức liên môn để sáng tạo sản phẩm khoa học. Dù những sản phẩm chưa được đưa vào thực tế nhưng giá trị về ý tưởng, công năng, công nghệ là hoàn toàn có thật và có thể áp dụng trong cuộc sống.

Không thực hành làm sao học sinh vượt qua phần thi phản biện

Là người trực tiếp hướng dẫn các em học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật, Kỹ sư Nguyễn Minh Huy khẳng định: Nếu học sinh không tham gia vào quá trình thực hiện sản phẩm, các em sẽ không thể vượt qua cuộc thi này.

Bởi lẽ, với một cuộc thi cấp quốc gia, phần đánh giá sản phẩm chỉ chiếm khoảng một nửa số điểm. Phần còn lại sẽ dựa vào kết quả thi phản biện của thí sinh với Ban giám khảo.

Học sinh tham gia vào quá trình nghiên cứu, học tập, sáng tạo và thiết kế sản phẩm để có thể vượt qua phần thi phản biện với chuyên gia (Ảnh: NVCC)

Học sinh tham gia vào quá trình nghiên cứu, học tập, sáng tạo và thiết kế sản phẩm để có thể vượt qua phần thi phản biện với chuyên gia (Ảnh: NVCC)

"Ban giám khảo của cuộc thi là các chuyên gia, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đầu ngành đến từ các trường đại học. Nếu học sinh không hiểu về sản phẩm, không thực hiện sáng tạo sản phẩm, không có kiến thức khoa học kỹ thuật thì sẽ không thể bảo vệ quan điểm của mình khi phản biện trước các chuyên gia.

Chính vì vậy, dù học sinh sáng tạo khoa học dưới sự hỗ trợ của thầy cô, chuyên gia thì bản thân các em cũng có một quá trình học tập, thực hành, tiếp nhận tri thức khoa học.

Chỉ khi tham gia vào quá trình thiết kế sản phẩm, học sinh mới hiểu nguyên lý hoạt động, công năng của sản phẩm để thuyết trình, phản biện thành công cho đề tài của mình.

Nếu sản phẩm không phải của thí sinh, khi gặp những câu hỏi chuyên ngành, các em sẽ không thể trả lời, đây chính là cơ sở khách quan để ban giám khảo đánh giá và cho điểm", anh Huy khẳng định.

Cũng theo Kỹ sư Nguyễn Minh Huy, chính sách giáo dục của các quốc gia trên thế giới hiện nay đều đưa khoa học tiếp cận với học sinh từ sớm. Nếu không có những sân chơi thực hành khoa học thì không thể có một nền giáo dục hiện đại, giáo dục STEM sẽ không bao giờ phát triển được.

Quan trọng hơn, việc những học sinh có đam mê nghiên cứu được tiếp cận sớm với khoa học kỹ thuật cũng giúp các em có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp.

Chúng ta cần giúp các em được tiếp cận sớm với khoa học, chuẩn bị cho các em một hành trang kiến thức vững chắc và giúp các em có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Chuyên gia giáo dục STEM Nguyễn Minh Huy chia sẻ câu chuyện của chính học trò mình - Em Nguyễn Minh Quân - học sinh lớp 11 của Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội), là học sinh đã có kiến thức về lập trình và linh kiện điện tử từ những năm lớp 9. Em có ý tưởng sáng tạo một robot tự động di chuyển trong khu căn hộ để lọc không khí và kiểm soát các vấn đề không khí.

Bởi lẽ, sản phẩm trên thị trường hiện nay chỉ có những chiếc máy lọc không khí cố định, bị giới hạn về không gian hoạt động.

Là người đã hỗ trợ học sinh thực hiện hóa ý tưởng đó, anh Huy khẳng định sau quá trình thiết kế sản phẩm, trình độ kiến thức và kỹ năng của học sinh được nâng cao hơn nhiều.

Nhờ vậy, Nguyễn Minh Quân đã có định hướng chọn trường chọn nghề chắc chắn ngay từ những năm học lớp 11.

Tham gia sáng tạo khoa học chính là cơ hội tuyệt vời để học sinh học thêm nhiều kiến thức mới, có những trải nghiệm học tập mới, hiểu thế mạnh của bản thân và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của Kĩ sư Nguyễn Minh Huy.

Phạm Minh