Bất cập đào tạo giáo viên, trách nhiệm thuộc về ai?

12/08/2017 06:00
Phạm Công Minh
(GDVN) - Có 35 trường đại học được phép tuyển sinh đại học sư phạm năm nay với tổng số 335 ngành (tất nhiên là có nhiều ngành trùng nhau)...

LTS: Năm nay, việc tuyển sinh đại học gây ra nhiều tranh cãi với điểm chuẩn cao ngất ngưởng của nhiều trường thuộc khối quân đội, công an và y dược. Tuy nhiên, điểm chuẩn của các trường sư phạm lại thấp kỉ lục.

Trước vấn đề này, thầy giáo Phạm Công Minh, vốn là người từng giảng dạy ở đại học sư phạm nhiều năm, đại diện cho một số nhà nghiên cứu giáo dục đưa ra quan điểm, góc nhìn riêng qua bài viết sau.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Đọc bài báo của nhóm Việt Cường về điểm chuẩn cao ngất ngưởng ở các trường Công an, Quân đội, Y khoa… và bài báo của “Ông giáo già Hoàng Hữu Đức" về điểm chuẩn thấp thảm hại của các trường đào tạo giáo viên năm nay, tôi cũng phải giật mình và trăn trở, nghĩ suy cùng các tác giả.

Là người đã từng dạy học ở đại học sư phạm nhiều năm, rồi chuyển sang làm công tác quản lý giáo dục cũng đã mười mấy năm, chúng tôi bỗng tò mò, dành thời gian tìm hiểu cội nguồn của vấn đề này.

Sau khi xem xét, rà soát và thống kê bảng điểm chuẩn của tất cả các trường đại học ở Việt Nam năm 2017 đã công bố trên các phương tiện truyền thông, tôi nhận ra nguyên nhân vô cùng dễ hiểu.

Có quá nhiều trường sư phạm hiện nay. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Có quá nhiều trường sư phạm hiện nay. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Đó là có quá nhiều trường đại học được giao trách nhiệm tuyển sinh và đào tạo giáo viên có trình độ đại học. Cụ thể như sau:

1. Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên: 13 ngành đào tạo

2. Đại học Sư phạm - Hà Nội 2: 12 ngành

3. Đại học Sư phạm - Hà Nội: 17 ngành

4. Đại học Vinh: 11 ngành

5. Đại học Sư phạm - Đại học Huế: 14 ngành

6. Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng: 11 ngành

7. Đại học Quy nhơn: 14 ngành

8. Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: 18 ngành

Đây là 8 trường Đại học sư phạm lớn, có từ rất lâu, có truyền thống đào tạo giáo viên nhiều mã ngành khác nhau, có đội ngũ giảng viên và chuyên gia giáo dục có trình độ cao, có cơ sở vật chất khang trang, phương tiện dạy học khá đầy đủ, hiện đại.

Sau 8 trường này là hàng loạt các trường khác, xin được thống kê lần lượt từ miền Bắc đến miền Trung và miền Nam:

9. Đại học Tây Bắc (Sơn La): 13 ngành

10. Đại học Tân Trào (Tuyên Quang): 4 ngành

11. Đại học Hùng Vương (Phú Thọ): 10 ngành

12. Khoa Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên: 2 ngành

13. Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội: 6 ngành

14. Đại học Thủ đô Hà Nội: 9 ngành

15. Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội: 6 ngành

Bất cập đào tạo giáo viên, trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 2

Các trường sư phạm đang vì quốc gia, dân tộc hay chỉ vì chính mình?

16. Đại học Hải Phòng : 10 ngành

17. Đại học Hoa Lư: 8 ngành

18. Đại học Hồng Đức: 11 ngành

19. Đại học Quảng Bình: 10 ngành

20. Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế: 3 ngành

21. Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng: 5 ngành (có 2 ngành đặt ở KonTum)

22. Đại học Tây Nguyên: 10 ngành

23. Đại học Đà Lạt: 6 ngành

24. Đại học Phạm Văn Đồng: 4 ngành Đại học, 10 ngành Cao Đẳng

25. Đại học Quảng Nam: 5 ngành

26. Đại học Phú Yên: 5 ngành

27. Đại học Khánh Hoà: 6 ngành

28. Đại học Đồng Nai: 8 ngành

29. Đại học Thủ Dầu Một: 8 ngành

30. Đại học Sàn Gòn: 9 ngành đào tạo giáo viên Trung học phổ thông, 8 ngành đào tạo giáo viên Trung học cơ sở và 6 ngành khác

31. Đại học An Giang: 10 ngành

32. Đại học Kiên Giang: 1 ngành

33. Đại học Cần Thơ: 13 ngành

34. Đại học Bạc Liêu: 4 ngành

35. Đại học Đồng Tháp: 15 ngành

Như vậy, có 35 trường đại học được phép tuyển sinh đại học sư phạm năm nay với tổng số 335 ngành (tất nhiên là có nhiều ngành trùng nhau).

Tuỳ theo trường lớn trường nhỏ, ngành tuyển nhiều, ngành tuyển ít, ước tính từ 50 sinh viên đến 100 sinh viên trên một ngành, ta lấy trung bình là 75 sinh viên nhân với 335 ngành, tổng số đầu vào có ở 35 trường trên sẽ là 25.125 sinh viên.

Nếu tính theo chỉ tiêu cụ thể của các trường, có thể tổng số còn nhiều hơn nữa.

Con số đầu vào ở 35 cơ sở đào tạo giáo viên này, nếu cần biết chính xác, sau khi hoàn thành kế hoạch tuyển sinh, các cơ quan quản lý giáo dục đại học chỉ cần tập hợp thống kê là có thể công bố ngay được.

Đấy là chưa kể đến hơn chục trường đào tạo giáo viên các bộ môn đặc thù như Thể chất, Âm nhạc, Hội hoạ, Kỹ thuật…

Ví dụ như các trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Hưng Yên…;Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh… cùng một số trường nghệ thuật khác…

Còn tính thêm hơn 40 trường Cao đẳng Sư phạm ở các địa phương, năm nay, mỗi trường có chỉ tiêu khoảng 300 đến 400 sinh viên đầu vào thì tổng số hai hệ thống đào tạo này cũng vào khoảng trên 15.000 sinh viên nữa.

Bất cập đào tạo giáo viên, trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 3

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”

Như vậy, tính toàn bộ số lượng sinh viên trúng tuyển cả đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm trên phạm vi cả nước năm 2017 ước đạt trên dưới 40.000 em. Một con số phải nói là cực khủng.

Cứ cho là 25% số sinh viên này không thể tốt nghiệp do nhiều lý do như: bị buộc thôi học vì học yếu, bị dừng tiến độ học tập, không hoàn thành hết các học phần, thi trượt các bài thi tốt nghiệp… thì mỗi năm các cơ sở đào tạo giáo viên cả nước cũng cung cấp cho thị trường nhân lực giáo dục khoảng 30 nghìn cử nhân.

Ba, bốn năm sau sẽ là hơn 100 nghìn lao động nữa.

Trong khi đó, dư luận báo chí một hai năm trở lại dây cho biết khoảng hơn 70.000 sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm; nhiều tỉnh thành số lượng giáo viên dôi dư ở trung học phổ thông đặc biệt là Trung học cơ sở quá lớn, phải điều chuyển xuống bậc Mầm non và Tiểu học.

Giáo viên các ngành Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Giáo dục Chính trị đặc biệt là các ngành Sinh học, Vật lý, Hoá học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Chính trị ra trường không xin được việc làm là chủ yếu.

Hồ sơ xin việc của họ chất đống ở các sở Giáo dục và Đào tạo, đến dăm năm nữa vẫn chưa thể giải quyết hết số hồ sơ tồn đọng này.

Vậy mà lại tiếp tục đào tạo, tiếp tục ra trường, tiếp tục tồn đọng, tiếp tục thất nghiệp…

Sau 3, 4 năm thất nghiệp, kiến thức mấy năm học ở trường sư phạm 10 phần đã bay hơi mất 9. Bài toán chất lượng giáo viên muôn thuở không giải quyết nổi.

Kỳ nhất là 35 cơ sở đào tạo đại học và mấy chục trường Cao đẳng Sư phạm kia vẫn thi nhau đào tạo, thi nhau xin chỉ tiêu đào tạo các ngành, bất chấp tương lai thất nghiệp của người học.

Bởi vì, câu khẩu hiệu bất hủ của mọi cơ sở đào tạo là “Người học là mục tiêu và động lực phát triển của nhà trường”.

Hiểu theo nghĩa đen: không có người học thì nhà trường sẽ không có mục tiêu và động lực, nhà trường sẽ chết!

Thế là “nhà nhà đào tạo giáo viên, trường trường đào tạo giáo viên”! Thế là giành giật chỉ tiêu, “ưu đãi và khuyến mại khủng” với những điều kiện vô cùng hấp dẫn, kể cả lấy đến điểm sàn, thậm chí “xét học bạ” cũng được, miễn sao là “càng nhiều càng ít”…

Bất cập đào tạo giáo viên, trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 4

Chất lượng người thầy thấp thực hiện cải cách giáo dục ra sao?

Số lượng đầu vào nhiều đến thế, số lượng cơ sở đào tạo nhiều đến thế thì lấy đâu ra chất lượng.

Chủ yếu chỉ tuyển được những học sinh trung bình và yếu mà thôi, đúng như bác Hoàng Hữu Đức đang trăn trở.

Thật là hỗn loạn! Một sự hỗn loạn đáng xấu hổ đang diễn ra công khai trong nội bộ ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Thời vua Đinh mới có “Loạn 12 sứ quân”, thời nay “Loạn đến mấy chục sứ quân” thì làm sao dẹp nổi, ai sẽ là người dẹp loạn đây?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đáp án duy nhất: thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo mà trực tiếp là Vụ Giáo dục Đại học.

Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo là người xét duyệt, thẩm định và nâng cấp các trường Cao đẳng Sư phạm lên thành các trường Đại học.

Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập các trường Đại học địa phương.

Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chỉ tiêu đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh đại học sư phạm hàng năm của các trường.

Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo là người nắm rõ nhất sự thừa thiếu nguồn nhân lực của ngành mình quản lý.

Từ thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có nhiều hội nghị, hội thảo tầm cỡ quốc gia về đào tạo giáo viên.

Đặc biệt, đã có những hội nghị có đông đủ các trường đại học sư phạm cả nước tham gia, đi đến kết luận chung là: việc đào tạo giáo viên chỉ nên tập trung vào trên dưới 10 trường đại học sư phạm mà thôi.

Như thế mới đổi mới thực chất giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên được.

Thế nhưng kết luận rồi để đấy. Hội nghị, hội thảo vẫn cứ liên miên. Tất cả vẫn nằm trong “dự kiến”, “định hướng”, không hề được thực hiện. Năm 2016 đã hỗn loạn, năm 2017 càng hỗn loạn hơn.

Ngày 8/8/2017, trả lời tại Bàn tròn trực tuyến của Báo Vietnamnet, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học bày tỏ:

Chúng tôi cũng rất đau đầu khi ngành sư phạm không có sức cạnh tranh. Đó là bài toán cần nhiều người chung tay để giải quyết cùng với ngành giáo dục” (Bài: Điểm chuẩn cao thì trường sư phạm lấy đâu sinh viên mà dạy - của tác giả Nguyễn Thanh Hùng).

Nếu cứ cho cả mấy chục trường cùng tuyển sinh đại học sư phạm như thế này, nếu cứ duyệt chỉ tiêu tuyển sinh bừa bãi như thế này thì bệnh “đau đầu” của ngành giáo dục sẽ không bao giờ chữa được.

Phạm Công Minh