Bất cập của 3 Thông tư liên tịch làm khổ giáo viên

27/10/2018 08:18
Tấn Tài
(GDVN) - Mặc dù đáp ứng về yêu cầu trình độ nhưng những tiêu chí quy định trong Thông tư khiến các giáo viên phải nuốt nước mắt chấp nhận mức lương thấp nhất.

Bài trước

Khó đạt tiêu chí "trên trời"

Mặc dù tốt nghiệp Đại học Sư phạm tiểu học loại giỏi nhưng gần hai năm qua, cô giáo NTTD. (giáo viên một trường tiểu học ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) phải cay đắng nhận mức lương trung cấp.

Ba Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đang làm khổ các giáo viên. Ảnh: TT
Ba Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đang làm khổ các giáo viên. Ảnh: TT

Nguyên do là địa phương áp dụng các quy chuẩn của Thông tư 21 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên tiểu học.

Theo đó, cô D. sẽ không được trả lương theo trình độ đào tạo mà trả lương theo yêu cầu vị trí việc làm. Vào giáo viên tiểu học chỉ yêu cầu trình độ trung cấp (đối với giáo viên tiểu học hạng IV).

“Theo quy định này thì nếu tốt nghiệp Đại học sư phạm trở lên sẽ là tiêu chí để được xếp làm giáo viên tiểu học hạng 2 (nhận hệ số lương bậc Đại học 2,34).

Nhưng còn có những quy định khác của Thông tư khiến nhiều giáo viên mới ra trường như chúng em không thể nào đạt được”, cô giáo NTTD. cho hay.

Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất

Theo cô D. thì để được nhận mức lương bậc Đại học mà cô đã tốt nghiệp thì phải đáp ứng các tiêu chí như: được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên (giáo viên hạng 1);

Hoặc được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên (giáo viên hạng 2, nhận mức lương bậc Cao đẳng).

Ngoài ra, còn phải tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học từ cấp huyện trở lên;

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm hoặc tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện trở lên; Tham gia tổ chức, đánh giá các hội thi của học sinh tiểu học từ cấp huyện trở lên…

Đối với các giáo viên mới ra trường 1-2 năm như cô D. thì để đạt được các tiêu chí này của Thông tư 21 còn “khó hơn lên trời”. Nên các cô phải chấp nhận mức lương khởi điểm của hệ trung cấp (giáo viên hạng IV).

Đà Nẵng kiến nghị Bộ Nội vụ sửa đổi

Trước những bất cập, vướng mắc của ba Thông tư liên tịch 20-21-22/2015 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ khiến đời sống giáo viên trên địa bàn chật vật, khó khăn. Mới đây, sở Nội vụ Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ kiến nghị tháo dỡ.

Đà Nẵng kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét lại những quy định bất cập trong ba Thông tư liên tịch. Ảnh: TT
Đà Nẵng kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét lại những quy định bất cập trong ba Thông tư liên tịch. Ảnh: TT

Đại diện sở này cho hay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ tại các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập, giáo viên mới được tuyển dụng, có trình độ đào tạo cao hơn chuẩn cũng phải xếp lương ở hạng chức danh nghề nghiệp thấp nhất của cấp dự thi.

Quy định này phù hợp với căn cứ tuyển dụng viên chức theo nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và nguyên tắc làm việc ở vị trí nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó.

Lương đủ sống, giáo viên mới toàn tâm, toàn ý dạy học được

“Tuy nhiên, cách xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại các Thông tư này thể hiện sự bất cập, không công bằng giữa các đối tượng được tuyển dụng trong cùng một cấp học.

Đó là những người có trình độ đào tạo cao hơn chuẩn đào tạo của cấp dự thi nhưng vẫn hưởng ngang lương với người có trình độ thấp hơn, có thời gian đào tạo ngắn hơn và ít chuyên sâu hơn.

Đồng thời, thời gian để thăng hặng và xếp lương từ trình độ trung cấp lên đại học dài (9 năm), dẫn đến mức lương thấp hơn so với quy định trước đây (trước khi có thông tư) và tương quan chung”.

Ngoài ra, cũng theo vị này thì cách xếp lương vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giữa các bộ, ngành cũng quy định không thống nhất.

Một số bộ, ngành (Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế…) quy định xếp lương khi hết thời gian tập sự và bổ nhiệm vào hàng chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ đào tạo của viên chức.

“Đây là thiệt thòi, bất cập mà viên chức ngành giáo dục và đào tạo gặp phải. Không thống nhất giữa mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn trình độ giáo viên với việc thực hiện tốt, thỏa đáng chế độ, chính sách đội ngũ nhà giáo”, đại diện sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay.

Trong công văn gửi Bộ Nội vụ do ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng ký có nêu rõ: “nhằm thực hiện thống nhất việc xếp lương khi tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, sở Nội vụ Đà Nẵng đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm, xem xét, có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời hướng dẫn sở Nội vụ tuyển dụng và xếp lương vào hạng chức danh nghề giáo viên theo trình độ đào tạo của viên chức”.

Liên quan đến những bất cập của ba Thông tư liên tịch này, Giám đốc sở Giáo dục các địa phương có kiến nghị gì, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc trong số sau.

Tấn Tài