Báo cáo của ông Ngô Trần Ái thách thức uy tín, liêm chính của Tổng chủ biên

30/05/2018 07:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Uy tín của quý thầy ban phát triển chương trình, sự liêm chính của vị trí Tổng chủ biên, Chủ biên môn học đang bị thách thức bởi báo cáo của ông Ngô Trần Ái.

Ngày 2/5/2018 ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) ký công văn số 09/CV-VEPIC gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Công văn này nhằm báo cáo Ủy ban về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017.

46/56 thành viên ban phát triển chương trình đang là tác giả biên soạn sách giáo khoa cho VEPIC, bắt đầu viết sách từ tháng 9/2017

Phần IV - Đánh giá tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công ty, công văn số 09/CV-VEPIC viết:

Ảnh chụp một phần trang cuối công văn số 09/CV-VEPIC của Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, do VEPIC cung cấp.
Ảnh chụp một phần trang cuối công văn số 09/CV-VEPIC của Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, do VEPIC cung cấp.

"Hiện nay có tới 46/56 (80%) tác giả Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang là tác giả biên soạn sách giáo khoa của Công ty. 

Có thể nói, cho đến nay, không một nhà xuất bản, không một tổ chức nào ở nước ta có đội ngũ tác giả đông đảo và có uy tín cao như đội ngũ tác giả của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam.

Tổ chức cho tác giả biên soạn sách giáo khoa mới từ khi bắt đầu có Chương trình tổng thể đã ban hành và sau đó là dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới (tháng 9/2017). 

Trong quá trình biên soạn, tác giả đã chỉnh sửa các bài soạn sách giáo khoa theo nội dung điều chỉnh chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Công việc này là rất cần thiết để tác giả vừa có điều kiện tập dượt biên soạn sách giáo khoa, vừa có thời gian nhiều hơn để điều chỉnh nội dung và phương pháp, chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2019 – 2020. 

Đến nay, bản thảo sách giáo khoa mới của tác giả đã được biên soạn xong bộ sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức,  Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) dựa trên cơ sở Chương trình tổng thể, ban hành và dự thảo Chương trình môn học để góp ý."

Ông Ngô Trần Ái giới thiệu đội ngũ tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC tính đến tháng 5/2018 với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng hôm 7/5, ảnh: GDVN.
Ông Ngô Trần Ái giới thiệu đội ngũ tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC tính đến tháng 5/2018 với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng hôm 7/5, ảnh: GDVN.

Ngày 7/5, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Ngô Trần Ái thay mặt VEPIC báo cáo:

"Hỏi là tác giả làm chương trình rồi làm chỗ chúng tôi, nó có khách quan không?

Tôi xin thưa là, làm với chúng tôi rồi Bộ mới bắt đầu mời lên chương trình. Hai (cái) này nó khác á, làm với chúng tôi trước, phải không nào?"  

Những cái tên trong danh sách tác giả tham gia viết sách giáo khoa cho VEPIC tính đến tháng 5/2018 gồm:

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Giáo sư Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán; Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên...

Ông Ngô Trần Ái giải thích:

"Mình cứ làm thôi. Khi mình làm thử như thế, thì sau đó thì, tôi nói trước hồi Bộ trưởng Luận cũng có người viết chương trình rồi chứ không. 

Bộ trưởng Nhạ về thì làm một cái, mời giáo sư Thuyết làm Tổng chủ biên.

Trước đó, trước khi ở Nhà xuất bản tôi đã mời làm rồi.

Tôi đã mời trước, thì cái này nó cũng có cái thuận lợi, nhưng mà không phải vì thế mà không có công bằng đâu á. Nó cũng khách quan á." 

Ông Ngô Trần Ái và chồng bản thảo sách giáo khoa mới đã biên soạn xong và giới thiệu với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng hôm 7/5, ảnh: GDVN.
Ông Ngô Trần Ái và chồng bản thảo sách giáo khoa mới đã biên soạn xong và giới thiệu với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng hôm 7/5, ảnh: GDVN.

Tổng chủ biên khẳng định "không có xung đột quyền lợi" khi người làm chương trình viết sách giáo khoa

Ngày 19/1 tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dự thảo nội dung các chương trình môn học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Tổng chủ biên chương trình tổng thể Nguyễn Minh Thuyết nói với báo giới:

"Những người làm chương trình viết sách giáo khoa có đảm bảo công bằng không? Thế thì báo cáo với các anh chị là, trước hết tôi xin khẳng định là không có xung đột về quyền lợi.

Theo cách nói của phương Tây là xung đột về quyền lợi, nếu như cái người ngồi thẩm định sách giáo khoa mà lại viết sách giáo khoa, người ta gọi là xung đột về quyền lợi, không được vậy.

Thế còn người làm chương trình là người ta hiểu rõ nhất chương trình mà viết sách giáo khoa thì sẽ nhanh hơn những người khác, nhưng mà không phải tất cả mọi người làm chương trình này sẽ viết sách giáo khoa.

Tôi xin nói với các anh chị, không phải tất cả. Bởi vì việc viết sách giáo khoa hiện nay cũng sẽ phải đấu thầu. 

Làm với Ngân hàng Thế giới, cái gì cũng phải đấu thầu, ngay sắp tới tổ chức các hội nghị tập huấn cũng phải đấu thầu mới được tổ chức, chứ không phải là ai muốn làm gì cũng được.

Thế thì báo cáo các anh chị là, cái người mà viết sách giáo khoa thì người ta quy định là phải được cái tổ chức đứng ra viết sách giáo khoa người ta mời, và có thể là người ngoài cái ban soạn thảo chương trình này.

Sách giáo khoa thì có nhiều bộ, có nhiều sách, có một cái bộ cốt lõi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị, thì cũng có nhiều người ngoài cái ban phát triển chương trình này làm;

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong buổi họp báo ngày 19/1, ảnh: Thùy Linh / GDVN.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong buổi họp báo ngày 19/1, ảnh: Thùy Linh / GDVN.

Và cũng không phải tất cả mọi người trong ban phát triển chương trình này được làm sách giáo khoa. Cái đó nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, trong đó có lời mời của cái tổ chức kia.

Cái thứ hai nữa là, tất cả các tổ chức cá nhân khác mà muốn viết sách giáo khoa thì có thể tham gia viết sách giáo khoa và sẽ có hội đồng thẩm định quốc gia ta duyệt, được thì có thể đưa vào nhà trường phổ thông."

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Thế giới bị phớt lờ mà không ai lên tiếng?

Ngày 19/7/2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký Quyết định số 2445/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Sổ tay thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP). [1]

Điểm f ở trang số 9 thuộc Mục II "Nguyên tắc chung thực hiện dự án" của Sổ tay thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông ghi rõ:

"Tránh xung đột lợi ích đối với một nhóm người (Hội đồng kỹ thuật chính - CTC) vừa tham gia xây dựng chương trình, vừa biên soạn sách giáo khoa.

Lý do cho sự thận trọng này là sẽ có nhiều sách giáo khoa được biên soạn, trong đó có 1 bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn và nhiều sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn, do đó sẽ có sự cạnh tranh với nhau.

Sự hiện diện của một thành viên Hội đồng kỹ thuật chính (CTC) làm việc trực tiếp cho 1 bộ sách giáo khoa là một lợi thế không công bằng do thành viên này sẽ cung cấp thông tin chỉ cho 1 bộ sách giáo khoa đó.

Điều này trái với quy định đã là thành viên Hội đồng kỹ thuật chính thì cần phải truyền đạt các mục tiêu của Dự án cho tất cả các Ban biên soạn sách giáo khoa và cá nhà xuất bản thông qua hướng dẫn, hội thảo hoặc bằng những cách khác.

Ảnh chụp chồng bản thảo sách giáo khoa ông Ngô Trần Ái giới thiệu với Đoàn giám sát hôm 7/5, gáy 2 cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 đều ghi Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên kiêm chủ biên). Ảnh: GDVN.
Ảnh chụp chồng bản thảo sách giáo khoa ông Ngô Trần Ái giới thiệu với Đoàn giám sát hôm 7/5, gáy 2 cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 đều ghi Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên kiêm chủ biên). Ảnh: GDVN.

Tuy nhiên, thành viên Hội đồng kỹ thuật chính có thể tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Đối với các thành viên Hội đồng kỹ thuật môn học (SSTC), một khi họ đã hoàn thành công việc do Hội đồng kỹ thuật chính (CTC) giao, họ có thể tham gia biên soạn sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc do tổ chức, cá nhân khác tổ chức biên soạn);

Mỗi thành viên chỉ có thể làm việc với một nhà xuất bản tại một thời điểm.

Thành viên Hội đồng kỹ thuật môn học cũng có thể tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, nếu như không tham gia biên soạn sách giáo khoa đó."

Tổng quát hơn, không có nhân viên nào của Dự án, cho dù trả bằng nguồn vốn IDA hoặc nguồn vốn đối ứng của Chính phủ, có thể nhận được một lợi ích tài chính khác từ vị trí việc làm của họ trong Dự án ngoài lương chính thức họ đã được hưởng." [2]

Ở đây, Hội đồng kỹ thuật chính có nhiệm vụ rà soát dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bao gồm 18 thành viên.

Trong 18 thành viên này có 1 người được chọn là chuyên gia tư vấn trưởng kỹ thuật, phụ trách Hội đồng kỹ thuật chính, đồng thời kiêm Phó giám đốc Kỹ thuật của dự án (CTO).

CTO chính là vị trí Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà truyền thông vẫn nghe tên, và người được chọn là Giáo sư nguyễn Minh Thuyết.

Hội đồng kỹ thuật môn học (SSTC) chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình môn học gồm 38 người, mỗi hội đồng kỹ thuật môn học sẽ có 1 Chủ biên chương trình môn học phụ trách.

Chủ biên chương trình môn học cũng là thành viên của Hội đồng kỹ thuật chính.

"Tất cả thành viên hội đồng kỹ thuật môn học sẽ chuyển sang biên soạn sách giáo khoa sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ do hội đồng kỹ thuật môn học giao" (trang 14, Sổ tay Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông).

Ông Ngô Trần Ái giới thiệu bản thảo sách giáo khoa mới do VEPIC mời các thành viên ban phát triển chương trình viết, với Đoàn giám sát hôm 7/5, ảnh: GDVN.
Ông Ngô Trần Ái giới thiệu bản thảo sách giáo khoa mới do VEPIC mời các thành viên ban phát triển chương trình viết, với Đoàn giám sát hôm 7/5, ảnh: GDVN.

Tóm lại, theo quy định trong Sổ tay Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành thì:

Một là, các chức danh Tổng chủ biên (CTO) và Chủ biên chương trình môn học không được tham gia viết sách giáo khoa cho bất kỳ nhóm nào để tránh xung đột lợi ích.

Hai là, chỉ có các thành viên khác của hội đồng kỹ thuật môn học (trừ Chủ biên) mới được chuyển sang viết bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi làm xong nhiệm vụ mà hội đồng kỹ thuật môn học giao (sau khi chương trình môn học được ban hành chính thức?)

Đáng lẽ khi giải thích cho truyền thông trong cuộc họp báo ngày 19/1, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nên nói rõ điều này, nhưng ông không nhắc tới, mà chỉ đề cập đến "lời mời" của một đơn vị nào đó tham gia viết sách giáo khoa.

Từ quy định này cho thấy, báo cáo của Công ty VEPIC mà ông Ngô Trần Ái ký, gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói rằng có 46/56 (80%) thành viên ban phát triển chương trình (Hội đồng kỹ thuật chính 18 người và các hội đồng kỹ thuật môn học 38 người?) đang là tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC là thông tin "động trời"!

Đây là báo cáo cho một Ủy ban của Quốc hội, chứ không phải ông Ngô Trần Ái nói chơi.

Bởi vậy nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có động thái xác minh, rà soát đội ngũ Ban phát triển chương trình (Hội đồng kỹ thuật chính và các hội đồng kỹ thuật môn học?), đặc biệt là vị trí Tổng chủ biên và các Chủ biên chương trình môn học, để công bố cho dư luận biết, thông tin ông Ngô Trần Ái nói đúng hay sai?

Nếu sai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các động thái thích hợp để bảo vệ danh dự, uy tín cho quý giáo sư, phó giáo sư đã được Bộ mời làm chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là Tổng chủ biên, Chủ biên chương trình môn học.

Nếu đúng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể làm ngơ để chính quý thầy làm chương trình lại vi phạm nguyên tắc đã được phổ biến từ đầu khi tham gia dự án, để bảo vệ tính liêm chính, công bằng và minh bạch.

Chúng tôi cũng lấy làm lạ là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn được ông Ngô Trần Ái "giới thiệu" với Đoàn giám sát là các tác giả của VEPIC, cho đến giờ vẫn giữ im lặng.

Uy tín của quý thầy đang đối mặt với những thử thách từ báo cáo của ông Ngô Trần Ái trước Đoàn giám sát, đồng thời tính liêm chính của vị trí Tổng chủ biên (CTO) hay các Chủ biên chương trình môn học cũng đang bị thách thức, cần Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm vào cuộc.

Nguồn:

[1]http://rgep.moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBPQ/Attachments/1298/QD%202445.pdf

[2]http://etep.dhsptn.edu.vn/?p=132

Hồng Thủy