Bán trú tư thục vẫn phải loay hoay tìm cơ chế để quản lý

28/08/2018 06:40
Phương Linh
(GDVN) - Số học sinh trên địa bàn tăng nhanh, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp, khiến học sinh được học bán trú giảm, nhưng bán trú tư thục vẫn chưa có cơ chế quản lý.

So với những năm học trước, năm học 2018 – 2019 này, số học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng đến hơn 67.000 em, trong đó cấp tiểu học tăng gần 27.000 học sinh, trung học cơ sở tăng hơn 10.000 em và cuối cùng là cấp trung học phổ thông.

Việc gia tăng số học sinh ngày càng cao như vậy, trong khi hệ thống trường lớp chưa đáp ứng kịp, khiến cho việc học của các em ngay cả một buổi cũng quá tải, huống hồ chi là học hai buổi, bán trú ngay tại trường.

Mục tiêu quá xa vời

Là một trong những quận có đông dân nhập cư nhất Thành phố Hồ Chí Minh, từ nhiều năm nay, quận 12 luôn là điểm “nóng” cho các loại hình giáo dục, kể cả loại hình bán trú tư thục.

Trên địa bàn phường Hiệp Thành, quận 12, không khó để có thể bắt gặp những cơ sở với loại hình bán trú như vậy trên đường HT31, Nguyễn Thị Kiểu, nơi đặt các trường tiểu học mà học sinh chỉ được học có một buổi/ngày.

Tại trung tâm Đức Thăng (đường Nguyễn Thị Kiểu, quận 12), một phụ nữ xưng là chủ trung tâm cho biết, nếu học sinh tiểu học, học từ thứ 2 đến thứ 6 thì học phí + ăn trưa là 1 triệu đồng/tháng, học thêm vào ngày thứ 7 thì đóng thêm 100.000 đồng/tháng.

Còn nếu phụ huynh muốn cho con em học thêm Anh Văn thì đóng phí là 400.000 đồng/tháng.

Các em học sinh được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy học tại các cơ sở bán trú tư thục (ảnh: P.L)
Các em học sinh được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy học tại các cơ sở bán trú tư thục (ảnh: P.L)

Đại diện trung tâm này cũng nói, học sinh sau khi học một buổi ở trường, thì buổi còn lại sẽ được ăn ngủ ở trung tâm, được giáo viên dò bài đã học và chuẩn bị bài mới cho ngày hôm sau.

Tuy hiện đang nuôi dưỡng cho cả trăm học sinh tiểu học như vậy, nhưng cho đến nay, loại hình hoạt động như trung tâm Đức Thăng lại vẫn chưa được quận hay thành phố cấp phép hoạt động.

Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam biết, hiện toàn quận có 22 trường tiểu học, nhưng chỉ có 10 trường là có thể thực hiện bán trú cho học sinh.

Theo quy hoạch mạng lưới trường lớp của quận trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020, quận sẽ có thêm 30 trường, nhưng cho đến nay, trường chỉ mới có thêm 3 trường mới đưa vào hoạt động.

Dù số phòng học mỗi năm học đều tăng, nhưng số học sinh tăng quá cao, nên quận luôn ưu tiên đảm bảo chỗ học cho học sinh, và chỉ có khoảng 20% học sinh có thể học bán trú ở trường.

Gian bếp của một cơ sở bán trú tư thục tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Gian bếp của một cơ sở bán trú tư thục tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Chính vì vậy, loại hình bán trú tư thục luôn nở rộ, là sự lựa chọn hàng đầu của phụ huynh có con đang học tại những quận, huyện vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh.

Không có cơ chế cấp phép, lúng túng trong quản lý

Ngày 23/8/2018, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thùy Trang – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hiệp Thành, quận 12 thông tin, hiện toàn bộ phường có đến 39 cơ sở, nhóm lớp có loại hình bán trú tư thục.

Do phường chỉ có duy nhất một trường tiểu học có loại hình bán trú ở trường, nên nhu cầu gửi con em đến bán trú tư thục của phụ huynh là rất cao.

Tuy nhiên, do hiện nay bị vướng cơ chế là chưa có quy định cho việc cấp phép loại hình này, nên địa phương này chỉ mới dừng lại ở việc yêu cầu chủ các cơ sở làm cam kết với phường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tai nạn thương tích, an ninh trật tự hay không được dạy thêm học thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang, cái khó trong việc quản lý việc này là hiện nay chưa rõ ai cấp phép, cấp như thế nào, nên phường chỉ mới áp dụng mức độ làm cam kết.

Như vậy, có thể thấy nhu cầu bán trú tư thục là rất lớn, trong bối cảnh mà bán trú tại các trường không thể đáp ứng nổi nhu cầu thực tế của phụ huynh.

Việc không có một cơ chế triển khai cấp phép cho loại hình này hoạt động, chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các địa phương, cũng như thiệt thòi về mặt quyền lợi là nhu cầu được học của học sinh.

Phương Linh