Băn khoăn về chương trình mới, giáo viên 7X hoài niệm sách giáo khoa cũ

08/04/2022 08:59
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lẽ, chưa có bao giờ giáo viên các cấp học phổ thông lại phải đối mặt với những khó khăn, vất vả như khi tiếp cận chương trình, sách giáo khoa năm 2018.

Kể từ khi nước nhà giành được độc lập vào mùa Thu năm 1945 đến nay, ngành Giáo dục đã có 5 lần cải cách, thay đổi chương trình, sách giáo khoa, đó là: cải cách giáo dục năm 1950; cải cách giáo dục năm 1956; cải cách giáo dục năm 1979; đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2000; đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2018.

Là thế hệ 7X nên chúng tôi lớn lên được học trọn vẹn chương trình cải cách giáo dục năm 1979, đến khi ra trường cũng đã dạy gần hết chương trình, sách giáo khoa năm 2000 và bây giờ đang bước vào dạy những lớp học đầu tiên của chương trình, sách giáo khoa năm 2018.

Chính vì thế, chúng tôi cũng đã có cái nhìn tương đối đầy đủ về những lần cải cách, thay đổi chương trình, sách giáo khoa của các cấp học phổ thông trong mấy chục năm gần đây.

Nhưng, có lẽ chưa có bao giờ giáo viên các cấp học phổ thông lại phải đối mặt với những khó khăn, vất vả như khi tiếp cận chương trình, sách giáo khoa năm 2018 với hàng loạt thay đổi khiến cho đội ngũ nhà giáo đi hết từ ngỡ ngàng này cho đến ngỡ ngàng khác.

Những bài học gần gũi trước đây luôn khiến học trò thích thú Tranh minh họa bài thơ "Cái trống trường em" của tác giả Thanh Hào. Ảnh: PLO

Những bài học gần gũi trước đây luôn khiến học trò thích thú

Tranh minh họa bài thơ "Cái trống trường em" của tác giả Thanh Hào. Ảnh: PLO

Nhớ lại những trang sách, những bài học thuở thiếu thời

Những năm 80 của thế kỷ trước, thế hệ học trò chúng tôi bắt đầu bước vào học tập cấp tiểu học rồi trung học cơ sở của chương trình cải cách giáo dục năm 1979 và thấy yêu những trang sách ở nhà trường cho đến mãi bây giờ.

Những năm học phổ thông là những năm cuối cùng của thời bao cấp rồi đất nước bắt đầu đổi mới nên đời sống lúc bấy giờ còn khổ sở trăm bề nhưng bù lại chúng tôi có những bài học bổ ích từ những trang sách nhà trường, từ những bài học ở thầy cô giáo của mình.

Lúc đó, có lẽ các thầy cô giáo không phải tập huấn nhiều như bây giờ, chắc cũng không nghe đến khái niệm dạy học theo chủ đề, dạy tích hợp liên môn, nội môn, xuyên môn, hay môn học tích hợp… giống như hiện nay.

Nhưng, chỉ cần thầy cô giáo bước vào lớp học là học trò im phăng phắc, lễ phép vô cùng. Trong lớp học, bao giờ cũng có chậu nước, có chiếc khăn cho thầy cô rửa tay, lau tay sau giờ giảng bài.

Những lời thầy cô giáo như những khuôn vàng, thước ngọc, học trò chăm chú lắng nghe. Đặc biệt, mỗi khi thầy cô giảng Văn thì gần như chúng tôi say sưa nghe từng lời, từng chữ.

Lúc đó, cũng chẳng cần học sinh phải chuẩn bị trước và trình bày sản phẩm của mình trước lớp, cũng chẳng thấy chuyện học sinh phải thảo luận nhiều như bây giờ…

Bây giờ, nhiều người cứ cho rằng cách dạy ngày xưa là máy móc, một chiều, không phát huy được phẩm chất năng lực của học trò. Ấy vậy mà, những bài thơ, những câu chuyện trong sách giáo khoa thì học sinh lúc bấy giờ đều thuộc, đều nhớ đến mấy chục năm sau vẫn thuộc.

Thậm chí, những bài đọc thêm thì vẫn có nhiều học sinh học thuộc một cách tự nguyện. Mỗi bài học học xong, thường luôn “đọng lại” trong đầu học trò…

Không chỉ những giờ học ở nhà trường mà chúng tôi còn tham gia lao động tại trường, giúp chuyện đồng áng, việc nhà cho nhà đình một cách thuần thục.

Sách giáo khoa lúc bấy giờ thì đều mượn ở thư viện nhà trường và làm gì có chuyện học trò được bố mẹ mua cho đủ các loại sách bao giờ. Vậy là phải chuyền tay nhau đọc, học luân phiên nhưng sách giáo khoa vẫn sử dụng được nhiều năm trời không rách, không bong….

Còn bây giờ… giáo viên tập huấn triền miên, liên tục. Mỗi năm dự không biết bao nhiêu chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Nhất là 2 năm nay dù dịch bệnh như vậy nhưng giáo viên đã tập huấn đến module thứ 9 và mỗi module thì dài lê thê, với nhiều nội dung vô thưởng vô phạt.

Tập huấn nhiều như vậy, nhưng thử hỏi giáo viên đã nắm được gì sau mỗi module mà mình tập huấn?

Bây giờ, nhiều khi giảng những tác phẩm văn học cho học trò, nhất là những tiết thao giảng chuyên đề hay thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì giáo viên phải “tích hợp” hết môn này đến môn khác.

Thậm chí, có những tác phẩm văn học trung đại mà lại ép đi “tích hợp” với sự việc, vấn đề của thời hiện đại!

Giảng văn nhưng nếu giáo viên nào giảng nhiều là bị đánh giá là không đạt mà phải “chuyển giao” phần việc đó cho học trò. Vì theo định hướng hiện nay thì giáo viên giao nhiệm vụ, học trò thực hiện nhiệm vụ, đến lớp báo cáo sản phẩm rồi bạn bè nhận xét và thầy cô chốt lại vấn đề.

Nghe qua thì thấy có vẻ hay lắm, phát triển được phẩm chất năng lực cho học trò nhưng thực tế có mấy em chuẩn bị bài đâu. Những em chuẩn bị thì đa phần chép trên mạng Internet…

Rồi, những sản phẩm đó được bạn khen, thầy biểu dương… vì thầy cô bây giờ đâu được phép chê học trò.

Vậy nên, học sinh học hôm trước thì hôm sau hỏi lại gần như học sinh chẳng mấy em nhớ, nắm được kiến thức bài học. Đến khi gần kiểm tra thì thầy cô phải “ôn” đi, ôn lại nhiều lần. Ngày kiểm tra, cơ bản là học sinh tái hiện lại kiến thức đã “ôn” ở tuần ôn tập.

Học trò phổ thông bây giờ còn mấy em học thuộc hết những bài thơ trong chương trình chính khóa. Đến giờ Văn thì nhiều em xem như là ác mộng bởi những khuôn mẫu xơ cứng.

Chỉ từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hàng loạt các vụ bạo lực học đường được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng, cho dù đánh bạn dã man như thế nào thì theo hướng dẫn của văn bản hiện hành học sinh đó cũng không bị đuổi học như trước đây.

Chương trình 2018 đang rối và sẽ còn nhiều phức tạp ở phía trước

Là giáo viên đứng lớp, chúng tôi luôn hy vọng, chúng tôi không quá bi quan nhưng cũng nhiều khi thất vọng, băn khoăn với sự thay đổi của chương trình 2018. Bởi, chẳng hạn như năm học 2021-2022 này thì lớp 6 đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng rối tung, rối mù vì mấy môn tích hợp.

Môn Khoa học tự nhiên được “tích hợp” từ 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Môn Lịch sử và Địa lí được “tích hợp” từ môn Lịch sử và môn Địa lí ở các chương trình trước đây.

Định hướng và chủ trương của Bộ là giáo viên sẽ dạy cả môn học nhưng hiện tại đa số các trường đang phải chia nhỏ ra từng phân môn để phân công giáo viên giảng dạy từng phân môn vì đa phần giáo viên chưa “ôm” được cả môn tích hợp.

Trớ trêu hơn, 3 bộ sách giáo khoa hiện nay đang trình bày riêng lẻ từng phân môn, tác giả sách giáo khoa cũng chuyên môn của ai thì người đó viết chứ có tác giả nào “tích hợp” đâu.

Nội dung giáo dục địa phương thì được “tích hợp” từ 6 phân môn vào chung một cuốn tài liệu. Cả năm học có 35 tiết mà có tới 6 giáo viên “chung tay” giảng dạy nhưng khi kiểm tra, đánh giá, nhận xét, vào học bạ thì lại “gộp” chung vào.

Nhưng, làm sao để có đánh giá, nhận xét chính xác học lực của học trò đây?

Môn Âm nhạc, Mĩ thuật thì sách riêng, dạy riêng nhưng khi kiểm tra định kỳ, đánh giá, nhận xét, vào học bạ cũng được gộp chung thành môn… Nghệ thuật.

Lãnh đạo Bộ, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chương trình mới nhẹ hơn, ít môn hơn nhưng thực tế thì nó đang “nhẹ” và “ít” hơn như thế đó.

Năm học 2022-2023 tới đây, học sinh lớp 10 sẽ đối mặt với 108 tổ hợp. Sự phức tạp chắc chắn sẽ rất nhiều khi nhà trường, giáo viên phải tư vấn, định hướng cho học trò rồi bố trí, sắp xếp nhân sự ở từng đơn vị.

Cứ so sánh chương trình 2018 với chương trình 2000 và cải cách năm 1979 thì mọi người sẽ thấy chương trình nào phức tạp và rối rắm nhiều hơn.

Nhìn cách thay đổi của Bộ về chương trình, sách giáo khoa, định hướng giảng dạy trong những năm gần đây khiến nhiều giáo viên như đang lạc bước vào ma trận bát quái mà không tìm được lối ra nào cho phù hợp, nhất là những môn học tích hợp.

Giáo viên chúng tôi dù cũng đã quen với sự thay đổi của ngành, cũng không sợ khó, sợ khổ, luôn hy vọng vào sự thành công của chương trình 2018 nhưng nói thật là cũng nhiều lúc nản và băn khoăn nhiều lắm!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN