Bản hiệu đính Tiếng Việt 1 Cánh diều chưa đến tay, thầy trò đã học hết một nửa

17/11/2020 05:59
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một cuốn sách giáo khoa bị chỉnh sửa nhiều không thể cho lưu truyền qua lứa học trò kế tiếp, chỉ nên sử dụng hết năm học này là hủy bỏ để tái bản lại bộ khác.

Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh vừa công khai tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều để xin ý kiến góp ý trước khi gửi về các trường tiểu học và phát miễn phí cho học sinh.

Ảnh chụp màn hình tài liệu trên sachcanhdieu.vn

Ảnh chụp màn hình tài liệu trên sachcanhdieu.vn

Theo kế hoạch, tài liệu sẽ đưa lên mạng để xin ý kiến giáo viên sử dụng sách giáo khoa, các nhà khoa học và xã hội từ ngày công bố 15/11 đến ngày 20/11/2020. Sau khi nhận các góp ý, hội đồng thẩm định sẽ thẩm định tài liệu chỉnh vào ngày 21-11. Dự kiến trước ngày 30-11, nhà xuất bản sẽ hoàn thiện tài liệu và gửi về các trường tiểu học cho học sinh miễn phí.

Bản đính chính sách giáo khoa tới tay giáo viên thì học sinh đã học gần xong

Ngay tại thời điểm tài liệu chỉnh sửa được công bố (15/11) thì phần từ ngữ, câu sai học sinh đã học gần hết. Nếu ngày 30/11, các tài liệu được chuyển về trường thì xem như toàn bộ phần từ ngữ, câu sai các trường đã dạy xong. Và xem như phần chỉnh lý cũng chẳng còn tác dụng gì.

Về việc điều chỉnh các bài tập đọc, tổng cộng có 12 bài tập đọc phải thay thế thì các em đã học xong khoảng 5 bài. Giáo viên chỉ còn phải thay thế 7 bài (học kỳ 1 có 5 bài và học kỳ 2 có 7 bài).

Vẫn còn “sạn” trong bản chỉnh sửa

Ngay phần mục lục, các tác giả đã nhầm lẫn khi dùng từ “số trang” (dễ hiểu thành số lượng trang) để chỉ trang số bao nhiêu. Ví như bài “Ve và gà” số trang 67 dễ dàng hiểu thành bài “Ve và gà” có 67 trang thay vì chỉ cần ghi bài “Ve và gà”, trang 67 là được.

Bài “Hồ sen” được thay thế cho bài “Cua, cò và đàn cá (2)” nhưng văn bản này vẫn chưa được hay. Bài đọc có 6 câu nhưng 2 câu cuối cùng (câu 5 và câu 6) vướng lỗi lặp từ “thơm ngát”.

Cụ thể: Khắp hồ thơm ngát. Khi gió về, sân nhà Ngân thơm ngát.

Hai từ thơm ngát dù là trong 2 câu nhưng đứng gần nhau trong một văn bản làm cho đoạn văn mất hay.

Một đoạn văn ngắn, câu 5 và câu 6 lặp từ

Một đoạn văn ngắn, câu 5 và câu 6 lặp từ

Giáo viên chúng tôi khi dạy học sinh viết đoạn văn ngắn vẫn thường xuyên nhắc các em muốn cho đoạn văn hay (với học sinh tiểu học) thì không nên lập từ mà thay bằng những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa.

Sử dụng sách có hiệu đính chỉnh sửa nhiều như thế sẽ bất lợi cho giáo viên và học sinh

Việc hiệu đính chỉnh sửa những thiếu sót trong sách giáo khoa trước đây cũng đã có nhưng chỉ chỉnh sửa rất ít. Dù thế, nhiều giáo viên cũng đã gặp rắc rối trong khi thao giảng dự giờ hoặc dự thi tiết dạy mà chúng tôi thường nói đó là “tai nạn nghề nghiệp”.

Chẳng là, một bảng chỉnh lỗi được đính vào trong cuốn sách. Vài năm sau, tờ hiệu đính rơi mất, giáo viên mới ra trường hoặc sơ xuất trong lúc soạn bài đã dạy y chang trong sách thế là bị người dự giờ quy cho tội dạy sai kiến thức.

Ai đã mắc lỗi này thì tiết dạy hoặc không xếp loại phải dạy lại, hoặc xếp loại yếu. Chúng tôi sợ rằng, tập tài liệu sửa sai được đính kèm nếu bị thất lạc sẽ gây khó khăn cho giáo viên dạy và học sinh học.

Gây khó cho giáo viên còn đỡ, đáng lo nhất là gây khó cho học sinh khi học. Bạn hãy thử tưởng tượng xem, một bài học chỉ thay vài từ hoặc một câu thì khi học, các em phải ngó bảng hiệu đính rồi lại ngó vào trang sách để đọc bài cho đúng hay sao?

Chắc chắn rồi, giáo viên lại mất thêm thời gian để hướng dẫn các em điều chỉnh bằng cách gạch bỏ từ sai và thay bằng từ mới vào trang sách.

Một cuốn sách giáo khoa bị sửa chữa nhiều như thế không thể cho lưu truyền qua lứa học trò kế tiếp. Vì thế, việc các cuốn sách giáo khoa tiếng Việt Cánh Diều phải kẹp bộ tài liệu chỉnh sửa cũng chỉ nên sử dụng hết năm học này là hủy bỏ để tái bản lại bộ sách khác sau khi đã điều chỉnh lại phần sai sót.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một giáo viên đang dạy bậc tiểu học.

Đỗ Quyên