Bài thầu của Hà Nội dễ thương mại hóa chương trình Sữa học đường

28/11/2018 08:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Với các lỗ hổng trong bài thầu Sữa học đường, Hà Nội vẫn triển khai, ý nghĩa chương trình phụ thuộc vào nhà thầu có tự giác minh bạch đầu vào hay không.

Báo Hà Nội Mới ngày 27/11 đưa tin, cùng ngày Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Sữa học đường đã chủ trì nghe báo cáo về việc triển khai chương trình này và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng sữa. 

Ngày 23/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng ra Quyết định số 2484/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 về mua sữa thuộc Chương trình Sữa học đường.

Theo đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là đơn vị trúng thầu.

Qua nghe ý kiến của đại diện các sở và ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các phòng giáo dục và đào tạo và nhà trường, ông Ngô Văn Quý ấn định, Chương trình Sữa học đường tại các nhà trường trên địa bàn Hà Nội sẽ chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2019.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp về Sữa học đường ngày 27/11/2018, ảnh: Thống Nhất / Hà Nội Mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp về Sữa học đường ngày 27/11/2018, ảnh: Thống Nhất / Hà Nội Mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoàn thiện và ký hợp đồng khung với đơn vị cung ứng sữa trong tháng 11/2018. [1]

Chỉ đạo chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường bị phớt lờ?

Ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã có công văn số 7125/BYT-BM-TE gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện chương trình Sữa học đường, trong đó viết rõ:

"Giao Sở Y tế làm đầu mối phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động thương binh - Xã hội và các ban ngành liên quan xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động thực hiện chương trình sữa học đường của tỉnh” để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường."

Tuy nhiên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao công việc này cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Thực tiễn triển khai cho thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể tổ chức phân phối sữa vào trường học rất tốt với đầy đủ lớp lang, ban bệ và cả cách hướng dẫn các hiệu trưởng, giáo viên quảng cáo cho loại sữa Hà Nội đặt hàng làm riêng, chỉ Thủ đô mới có.

Nhưng quan trọng nhất là công cụ kiểm soát năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu của nhà thầu cũng như quy trình sản xuất ly sữa tươi chất lượng, an toàn và đồng nhất, thì bài thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn toàn bỏ qua.

Bài thầu của Hà Nội dễ thương mại hóa chương trình Sữa học đường ảnh 2

Không kiểm soát sữa tươi nguyên liệu Sữa học đường, Hà Nội có thể phải trả giá

Trước thực trạng nhập nhèm giữa sữa tiệt trùng với sữa tươi, trước hiện tượng đã có doanh nghiệp lợi dụng sự nhập nhèm ấy để trục lợi từ người tiêu dùng, chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ từ lỗ hổng không kiểm soát đầu vào nguyên liệu Sữa học đường.

Ngày 26/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế có công văn số 7162/BYT-BM-TE gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường triển khai chương trình Sữa học đường.

Công văn nói trên của Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường vẫn tiếp tục nhắc lại đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh / thành trực thuộc trung ương:

"Giao Sở Y tế làm đầu mối phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động thương binh - Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động thực hiện chương trình sữa học đường của tỉnh” để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường."

"Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế."

Trước sự vận động hành lang của nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ sữa bột nhập khẩu pha lại cũng như sự nhập nhèm của quy định "sữa tiệt trùng", Bộ Y tế đã lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và công luận một cách khách quan, cầu thị;

Công văn số 7162/BYT-BM-TE đã tiếp tục bảo vệ ly sữa học đường phải là sữa tươi, theo đúng Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Đồng thời Bộ Y tế cũng đã làm rõ nguồn cung nguyên liệu sữa tươi cho chương trình Sữa học đường phải theo quy chuẩn tại Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT.

Ảnh chụp màn hình một phần công văn 7215/BYT-BM-TE của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường.
Ảnh chụp màn hình một phần công văn 7215/BYT-BM-TE của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường.

Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường đã chỉ đạo rất rõ về mặt chuyên môn của cả đầu vào, lẫn đầu ra của sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường, nhưng Hà Nội hoàn toàn bỏ ngoài tai.

Về nguyên tắc, sữa bột pha lại không thể chen chân vào chương trình Sữa học đường quốc gia để kiếm lời với những chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát từ Bộ Y tế.

Nhưng bài thầu của Hà Nội bỏ hẳn việc kiểm soát đầu vào sữa tươi nguyên liệu phục vụ Sữa học đường;

Một khi sản phẩm không còn là sữa tươi đúng quy chuẩn và có thể truy nguyên nguồn gốc, thì đó không phải lỗi của doanh nghiệp trúng thầu, mà là của đơn vị ra bài thầu - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Cũng phải nói cho rõ ràng, rành mạch chuyện này, để trong quá trình triển khai có vấn đề gì về mặt chuyên môn, Hà Nội không thể đá quả bóng trách nhiệm sang ngành Y tế;

Bởi vì Sở Y tế Hà Nội lẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội không có tiếng nói, vai trò nào trong việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào và quy trình sản xuất bằng công cụ tiêu chí trong xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu.

Nguy cơ thương mại hóa chương trình Sữa học đường, bất chấp cả khoa học

Báo Đấu thầu ngày 26/11 đưa tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đơn giá trúng thầu của Vinamilk là 6.286 đồng/hộp 180 ml (sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không đường), sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. 

Bài thầu của Hà Nội dễ thương mại hóa chương trình Sữa học đường ảnh 4

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Thông số kỹ thuật cơ bản của mỗi hộp sữa gồm: trạng thái lỏng, đồng nhất khi lắc đều; có màu sắc từ trắng đục đến vàng kem nhạt đặc trưng của sản phẩm; có mùi thơm, ngọt (nếu sản phẩm có đường), đặc trưng của sản phẩm. 

Về chỉ tiêu chất lượng chủ yếu trong 100 ml có 1 - 1,4 µg hàm lượng vitamin D, có 114 - 150 mg hàm lượng canxi, có 1,4 - 1,9 mg hàm lượng sắt;

Các chỉ tiêu khác theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT. [2]

Đây chính là 3 vi chất Hà Nội yêu cầu pha thêm vào sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường với quảng cáo của Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến:

Sữa học đường là loại sữa chuyên biệt, không bán trên thị trường và được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất cần thiết như: Sắt, can xi, Vitamin A, Vitamin D… bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của các em học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. [3]

Xung quanh quảng cáo của thầy Phạm Xuân Tiến, chúng tôi đã có bài phản biện: Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?; Bộ Y tế chưa hề cấp phép công thức sữa học đường "chuyên biệt" nào cho Hà Nội.

Những tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lắng nghe góp ý từ dư luận, nhưng kết quả cho thấy mục tiêu thương mại trong chương trình Sữa học đường dường như đã có từ khi viết bài thầu, phải chăng vì thế Hà Nội vẫn quyết pha thêm các chất khác vào sữa một cách phi khoa học?

Bởi lẽ muốn bổ sung vi chất nào học sinh Hà Nội thiếu, phải trải qua quá trình nghiên cứu khoa học thực nghiệm trên 2 nhóm đối chứng một cách bài bản mới có thể rút ra kết luận.

Chưa thể làm được việc này, thì chỉ cần đảm bảo ly sữa học đường đến với các em thực sự là sữa tươi đúng quy chuẩn, sạch, an toàn và đồng nhất là đã thành công rất lớn rồi.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em Thủ đô không giống các tỉnh khác, ngay giữa nội thành và ngoại thành cũng đã khác nhau.

Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật của cả nước, đời sống của người dân nhìn chung cao hơn các địa phương khác. Hầu như trẻ em Thủ đô, đặc biệt là ở nội thành, đều đã sử dụng sữa hàng ngày.

Bài thầu của Hà Nội dễ thương mại hóa chương trình Sữa học đường ảnh 5

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu

Chưa kể không ít gia đình, bà mẹ đã tìm các sản phẩm bổ sung sắt, can-xi, vitamin D cho con sau khi được bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng thăm khám;

Nay nếu các em lại uống sữa pha thêm 3 chất này mà gây ra vấn đề gì về sức khỏe, ví dụ như bệnh lắng đọng can-xi ở thận, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có chịu trách nhiệm không?

Nhưng để đạt mục tiêu 90% học sinh mầm non, tiểu học Hà Nội tham gia, bán 1 triệu đến 1,2 triệu hộp sữa mỗi ngày, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã tập huấn cho các Hiệu trưởng và thầy cô giáo cách quảng cáo như thế này:

"Tôi có đến một số trường tiểu học sau khai giảng, tôi hỏi hiệu trưởng là, em có biết cái sữa này, sữa học đường này, nó khác cái gì không? Hiệu trưởng không nói được.

Tôi bảo, đấy, tại vì họp em không chịu nghe. Sữa này nó khác cơ bản là gì? Nó được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất giúp cho trẻ trong độ tuổi phát triển.

Thế nó mới gọi là sữa học đường, chứ không nó gọi là sữa tươi có đường hoặc sữa tươi không có đường, chứ ai gọi là sữa học đường? Đúng không ạ? Rõ ràng là như thế."

Sĩ số quá tải đã trở thành vấn nạn của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở khu vực nội thành Hà Nội nhiều năm qua. Khó có thể hình dung giữa trung tâm Hà Nội, vẫn có lớp học lên đến 69, 70 em.

Ngay tại trung tâm như quận Cầu Giấy vẫn có trường học phải chia ca tập thể dục buổi sáng, luân phiên mỗi ngày một nửa sĩ số học sinh được tập, một nửa chờ ngày mai, vì trường không có chỗ.

Chúng tôi không thấy được sự sốt sắng, lăn xả của Hà Nội vào giải quyết một cách rốt ráo, bài bản, hiệu quả và lâu dài cho vấn đề này.

Nhưng nhìn trên góc độ thương mại, sĩ số càng đông thì tập khách hàng càng lớn cho bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào được đưa vào trường học.

Đây là điều Hà Nội cần tính đến, nếu thực sự quan tâm đến trẻ em, lo cho trẻ em và dành cho trẻ em những gì tốt nhất có thể;

Một số vấn đề trong bài thầu Sữa học đường của Hà Nội

- Chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng, không kiểm soát đầu vào  (sữa tươi nguyên liệu) và quá trình sản xuất để đảm bảo chất lượng, an toàn và đồng nhất của sản phẩm.

- Tiêu chí năng lực, kinh nghiệm nhà thầu không liên quan gì đến sản phẩm (doanh thu bình quân 1 năm 2.760 tỷ đồng trong 3 năm 2015, 2016, 2017), dẫn đến doanh nghiệp ngoài ngành Sữa cũng tham gia được nếu doanh thu lớn, còn doanh nghiệp ngành Sữa vừa và nhỏ thì không thể tham gia.

- Yêu cầu cụ thể đối với sản phẩm sữa phục vụ đề án, thành phần: "sữa tươi, đường (nếu có), chất ổn định, vitamin, khoáng chất, hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm..." (Trang 84) không quy định tỉ lệ thành phần sữa tươi, đồng thời thêm dấu "..." có thể dẫn đến nguy cơ đưa sữa tiệt trùng vào chương trình.

- 10 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm), ngân sách quận đảm bảo kinh phí hỗ trợ nhưng lại không được tổ chức đấu thầu để tăng lựa chọn, giảm rủi ro mà giao hết cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Để trong trường hợp bất khả kháng chưa thể giải quyết ngay bài toán quá tải sĩ số, thì phải khai thác nó để mang lại quyền lợi tối đa cho học sinh, chứ không phải giúp một số người trục lợi từ tập khách hàng đông đảo này.

Ranh giới giữa chương trình Sữa học đường nhân văn với chương trình bán sữa vào trường học thuần túy thương mại, rất mong manh.

Hà Nội đã quyết tâm triển khai chương trình Sữa học đường với bài thầu có quá nhiều lỗ hổng không hiểu do vô tình hay cố ý, nhưng không tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận.

Mục đích, ý nghĩa nhân văn của chương trình Sữa học đường trên địa bàn Thủ đô có lẽ chỉ trông mong vào sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ học sinh cũng như mức độ công khai, minh bạch của nhà thầu mà bài thầu không yêu cầu bắt buộc.

Chúng tôi đã liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đề nghị cung cấp thông tin về năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT;

Cũng như quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn và đồng nhất của ly sữa học đường theo Quyết định 5450/QĐ-BYT để cung cấp đến bạn đọc.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ cung cấp thông tin kịp thời đến bạn đọc ngay khi có phản hồi từ các cơ quan, đơn vị liên quan.

Nguồn:

[1]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/919783/tu-1-1-2019-ha-noi-trien-khai-chuong-trinh-sua-hoc-duong

[2]http://baodauthau.vn/dau-thau/goi-thau-mua-sua-hoc-duong-hon-4000-ty-dong-cua-ha-noi-vinamilk-trung-thau-du-kien-trien-khai-trong-thang-12-85741.html

[3]https://tuoitrethudo.com.vn/so-gd-dt-ha-noi-se-chiu-trach-nhiem-ve-chat-luong-sua-hoc-duong-d2055257.html

Hồng Thủy