Bài "Mít làm thơ" trong sách giáo khoa Tiếng Việt 2 Cánh diều, ý nghĩa ở đâu?

27/11/2021 07:00
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách Tiếng Việt 2 - bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống sử dụng một số văn bản thiếu chọn lọc, hạn chế hiệu quả giáo dục học sinh.

Sách Tiếng Việt 2, tập 1 – bộ Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống kế thừa nhiều văn bản hay của Chương trình 2000 như: “Làm việc thật là vui” (Tô Hoài); “Ngày hôm qua đâu rồi” (Bế Kiến Quốc); “Cái trống trường em”, (Thanh Hào), “Cô giáo lớp em” (Nguyễn Xuân Sanh)…

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, hai bộ sách còn đưa vào một số văn bản thiếu chọn lọc, dẫn đến hạn chế phần nào hiệu quả giáo dục học sinh. Tôi xin dẫn ra đây 2 văn bản nhằm góp thêm một tiếng nói mang tính xây dựng.

Văn bản “Mít làm thơ”

Văn bản “Mít làm thơ” (theo Nô-xốp, Vũ Ngọc Bình dịch, trang 25-26, Sách Tiếng Việt 2 - bộ sách Cánh Diều, Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) có nội dung như sau:

1. Mít là một cậu bé rất ngộ nghĩnh. Một lần, Mít đến nhà thi sĩ Hoa Giấy học làm thơ. Hoa Giấy bảo:

– Thơ phải có vần. Hai tiếng có phần cuối giống nhau thì gọi là bắt vần với nhau. Cậu hãy tìm một tiếng vần với xem nào!

– Phé – Mít đáp.

– Phé là gì? Vần thì vẫn nhưng phải có nghĩa chứ.

– Mình hiểu rồi. Thật kì diệu!

Về đến nhà, Mít đi đi lại lại, vò đầu bứt tai. Đến tối thì bài thơ hoàn thành.

2. Mít gọi các bạn đến, tặng thơ. Đây là thơ tặng Biết Tuốt:

Một hôm, đi dạo qua dòng suối

Biết Tuốt nhảy qua con cá chuối.

Biết Tuốt la lên:

– Tớ nhảy qua con cá chuối bao giờ?

– Nói cho có vần thôi! – Mít giải thích.

– Vần gì thì cũng phải đúng sự thật chứ!

Các bạn không muốn nghe thơ Mít nữa. Họ cho là Mít định chế giễu họ và dọa không chơi với Mít.

Văn bản “Mít làm thơ” trong sách Tiếng Việt 2 - bộ sách Cánh Diều.
Văn bản “Mít làm thơ” trong sách Tiếng Việt 2 - bộ sách Cánh Diều.

Theo tôi, văn bản “Mít làm thơ” có một số hạn chế như: đây là một bản dịch chưa đạt thể hiện qua sự chuyển ngữ ở từ “phé” (không có nghĩa) và lời “thơ” “Một hôm, đi dạo qua dòng suối/Biết Tuốt nhảy qua con cá chuối” còn khiên cưỡng.

Cùng với đó, học sinh lớp 2 chỉ mới 7 tuổi, nhiều em còn chưa đọc thông viết thạo nhưng tác giả sách lại dạy cách làm thơ (thơ phải hiệp vần) thì khác nào đánh đố?

Ngoài ra, một số giáo viên Ngữ văn chia sẻ với tôi rằng, đây là câu chuyện nhảm nhí, chứ không phải hài hước, ngây ngô theo kiểu trẻ con, không biết ý nghĩa giáo dục là gì. Hơn nữa, đoạn kết của văn bản Các bạn không muốn nghe thơ Mít nữa. Họ cho là Mít định chế giễu họ và dọa không chơi với Mít”, còn vô duyên. Phải chăng, các bạn của Mít giỏi về thơ hay thiếu bao dung khi bạn mình làm thơ dở?

Theo tìm hiểu của tôi, nguyên tác văn bản “Mít làm thơ” có tên là “Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”. Đây là một tập truyện giả tưởng dành cho trẻ em của nhà văn Nikolai Nosov (Nga), ra đời năm 1953. Tuy nhiên, khi tác giả sách trích nội dung của tác phẩm này đưa vào sách giáo khoa thì tên nhân vậy bị rút gọn từ Mít Đặc thành Mít.

Văn bản “Khi trang sách mở ra”

Bài thơ “Khi trang sách mở ra” (trang 66, sách Tiếng Việt 2 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Bùi Mạnh Hùng – Tổng Chủ biên – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam) có nội dung như sau:

Bài thơ “Khi trang sách mở ra” trong sách Tiếng Việt 2 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài thơ “Khi trang sách mở ra” trong sách Tiếng Việt 2 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Dẫu biết rằng, tác giả sách đưa nội dung bài thơ này vào sách giáo khoa nhằm giúp học sinh hiểu được, trong mỗi trang sách chứa đựng rất nhiều tri thức và những điều lí thú. Bài học cũng giúp học sinh thêm yêu sách và có hứng thú đọc sách.

Tuy vậy, là giáo viên dạy Ngữ văn, tôi khẳng định, học sinh lớp 2 rất khó để có thể hiểu vì sao tác giả Nguyễn Nhật Ánh viết: “Khi trang sách mở ra/ Khoảng trời xa xích lại/ Đầu tiên là cỏ dại/ Thứ đến là cánh chim/ Sau nữa là trẻ con/ Cuối cùng là người lớn”. Hay: “Trang sách còn có lửa/ Mà chẳng thấy cháy đâu/ Trang sách có ao sâu/ Mà giấy không hề ướt”.

Tại sao học sinh 7 tuổi không hiểu được nội dung của những đoạn thơ trên? Vì bài thơ có hàng loạt hình ảnh mang tính ẩn dụ (khoảng trời, lửa, cháy… ) khiến trẻ càng đọc càng rối, rất khó hiểu tầng sâu ngữ nghĩa các từ ngữ để trả lời câu hỏi. Chẳng hạn câu 3, trang 67, theo em, khổ thơ cuối ý nói gì? (Trang sách không nói được/Sao em nghe điều gì/Dạt dào như sóng vỗ/Một chân trời đang đi).

Một số nhà nghiên cứu phê bình cho rằng, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có sức hấp dẫn lớn đối với trẻ em bởi chính nội dung và lối viết cuốn hút của tác giả. Cá nhân tôi cho rằng, bài thơ “Khi trang sách mở ra” xét về nội dung và nghệ thuật đều rất hay nhưng chỉ phù hợp với học sinh bậc trung học cơ sở (lớp 6, 7).

Trước đó, trên diễn đàn của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có bài phản ánh về sách Ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đưa bài thơ “Bắt nạt” (Nguyễn Thế Hoàng Linh) vào giảng dạy gây tranh cãi.

Qua bài viết này, tôi mong bạn đọc của Tạp chí góp ý thêm về nội dung, nghệ thuật của hai văn bản như đã dẫn. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh xem xét và thẩm định lại về việc đưa những văn bản trên vào sách giáo khoa đã phù hợp hay chưa.

Tài liệu tham khảo:

https://drive.google.com/file/d/1YsO8A6-jjlc9OG8d3Pd0hbWNo33oe-dt/view

https://drive.google.com/file/d/1DAPMwVO2-MwEckFIZDPgRiJByvShI6WJ/view

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bai-tho-bat-nat-gay-nhieu-tranh-cai-co-nen-tiep-tuc-de-trong-sach-giao-khoa-post220853.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên