Bài học cấp bách từ câu chuyện Trường Đại học Tôn Đức Thắng

25/05/2019 07:04
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
(GDVN) - Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng như không ít trường đại học khác hiện đang có nguy cơ gặp rủi ro vì bị kéo lùi về tư duy của thời bao cấp.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng đây là một bài học cấp bách để tìm giải pháp phát triển cho các trường đại học tại Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi biết Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngay từ khi trường mới thành lập và cũng đã nhiều lần đến thăm trường. Lần gần nhất là đầu năm nay khi đi cùng Đoàn của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Điều làm tôi ngạc nhiên là cứ mỗi lần đến Trường đều luôn nhìn thấy sự đổi khác quá rõ ràng so với lần thăm trước.

Trong khoảng 10 năm qua Trường đã có bước tiến vượt bậc để trở thành một trong số ít trường đại học hàng đầu của đất nước trong việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học.

Nếu không tìm hiểu, người ta không thể lý giải được vì sao Trường lại có thể phát triển nhanh như vậy trong khi nhiều trường công lập khác vẫn có bước đi ỳ ạch.

Thư viện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: tdtu.edu.vn
Thư viện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: tdtu.edu.vn

Không phải mọi chuyện đều suôn sẻ với Trường Đại học Tôn Đức Thắng khi tự nguyện đi theo con đường tự chủ.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, Đảng bộ và tập thể viên chức, giảng viên và sinh viên của trường đã phải cố gắng bằng 4, 5 lần so với các đại học tương đương khác.

Để hiểu những rủi ro có thể gặp ở mô hình tự chủ này, ta cần phân tích tình hình chung của giáo dục đại học và một số nguyên nhân cơ bản mang đến thành công.

Trên toàn thế giới, tình trạng các đại học phá sản, sáp nhập với nhau hiện nay đang ngày càng xảy ra nhiều hơn (xem bảng dưới đây).

Đài Loan đã có chủ trương trong vòng 5 năm, phải khuyến nghị hơn 250 đại học sáp nhập với nhau để chỉ còn 100 trường.

Sau 5 năm, những đại học yếu, không đạt chuẩn kiểm định, không tuyển sinh được; mà không tự nguyện sáp nhập, sẽ bị buộc phải sáp nhập hoặc giải thể.

DANH SÁCH CÁC ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG BỊ ĐÓNG CỬA, SÁP NHẬP
TRONG HƠN 05 NĂM GẦN ĐÂY (2014 - 2019)

TT

Quốc gia

Năm

Tổng

2014

2015

2016

2017

2018

01/2019 - nay

1

Mỹ

46

42

50

8

146

3

Anh

5

1

2

1

9

7

Singapore

2

2

2

6

2

Úc

1

1

2

6

Nhật

2

2

4

Đức

1

1

2

5

Hàn Quốc

1

1

Nguồn 1: https://www2.ed.gov/offices/OSFAP/PEPS/docs/closedschoolsearch.xlsx

Nguồn 2: https://www.educationdive.com/news/how-many-colleges-and-universities-have-closed-since-2016/539379/

Các nước khác không mạnh mẽ như vậy, họ để cho trường đại học tự quyết định việc giải thể hay sáp nhập khi buộc phải đối diện với 3 nan đề cả khách quan lẫn chủ quan:

a) Kiểm định trường học không đạt yêu cầu; b) quản trị không hiệu quả khiến không xây dựng được uy tín; chi phí vận hành gia tăng; c) không tuyển sinh được trong nhiều năm liên tục do không cạnh tranh được với các đại học đẳng cấp; dẫn đến thua lỗ, phải tự giải thể.

Với Đài Loan, bài toán và lời giải của họ khá rõ ràng: chỉ số sinh đẻ trong 20 năm qua giảm liên tục theo từng năm và còn tiếp tục giảm do giới trẻ chậm lập gia đình, chậm có con và không muốn có nhiều con; do giới trẻ di cư ra nước ngoài tìm việc làm; do gia đình khá giả và trẻ con được cha mẹ gửi đi học nước ngoài chứ không phải học trong nước.

Trong khi đó, 20 năm qua, vì thiếu điều tra nghiên cứu, họ đã cho thành lập khá nhiều trường đại học tư.

Hệ quả là số thí sinh đăng ký học đại học trong nước giảm liên tục. Người học giảm nhanh, số trường học lại tăng; chủ thể thành lập trường không tự nguyện giải thể; thì chỉ còn cách phải qui hoạch theo hướng sáp nhập hoặc giải thể.

Việt Nam rồi sẽ đối diện với tình trạng tương tự. Chúng ta chọn giải pháp giống Đài Loan hay để cho thị trường quyết định việc sáp nhập, giải thể là chuyện của tương lai.

Vấn đề là tại sao hiện nay trong cùng tình hình đấy, nhiều đại học công đang trì trệ, đi xuống liên tục cả về số lượng người học, công bố khoa học, uy tín; trong khi có những đại học công khác lại tăng trưởng ngoạn mục?

Câu trả lời chắc ai cũng dễ chọn: “do cơ chế”. Nhưng câu trả lời này làm phát sinh ngay một câu hỏi tiếp theo: “trong cùng một cơ chế như thế, sao có đại học làm được, có đại học lại không?”.

Bài học cấp bách từ câu chuyện Trường Đại học Tôn Đức Thắng ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đẩy mạnh tự chủ đại học

Trong thời gian từ 2005 đến 2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có các Nghị quyết: 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Hội nghị Trung ương 8, Khóa X1, ban hành ngày 4/11/2013;

05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, ban hành ngày 1/11/2016;

19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Khóa XII, ban hành ngày 27/10/2017.

Về phía Chính phủ có: Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, ngày 2/11/2005, về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2005-2020;

Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017; Nghị quyết 89/NQ-CP, ngày 10/11/2016, phiên họp thường kỳ tháng 9/2016.

Quốc hội thì có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được thông qua ngày 19/11/2018.

Tất cả 7 văn bản pháp qui và chỉ đạo của Đảng đều mở ra chung một cơ chế: “…Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.

Đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường).

Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản (Trích Nghị quyết 89/NQ-CP)” và “…Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học (Trích Nghị quyết 19/NQ-TW)”.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước đã tỏ ra bất cập, gây ra tình trạng suy thoái hiệu quả, lãng phí liên tục; và nhà nước đã phải quyết liệt bỏ chủ quản để doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, tiến đến cổ phần hóa.

Nhờ thế mà nhiều doanh nghiệp trong gần 20 năm qua đã phát triển rất thành công.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản đối với đơn vị sự nghiệp công lập/cơ sở giáo dục đại học công lập trong thời gian qua lại càng bất cập nghiêm trọng hơn;

Bởi một mặt: các cơ quan chủ quản đều không rành chuyên môn để quản trị cơ sở giáo dục đại học (trừ Bộ Giáo dục và Đào tạo);

Và mặt khác: quá trình quản trị này đẻ ra một cấp trung gian, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, tài chính; tạo ra quan liêu, xơ cứng và tình trạng tham nhũng; khiến cơ sở giáo dục bị động hoàn toàn với nhu cầu phát triển của thế giới và Việt Nam.

Cơ chế đã mở chung cho mọi cơ sở giáo dục công lập; lực cản cũng giống nhau chỉ khác ở mức độ; vậy tại sao có đại học công thành công, có đại học công không thành công và có nguy cơ phải giải thể hay sáp nhập vì không tuyển sinh được?

Bài học cấp bách từ câu chuyện Trường Đại học Tôn Đức Thắng ảnh 3Cần luật hóa quan hệ của hội đồng trường và Đảng ủy để tự chủ đại học thành công

Tất cả chỉ vì con người: hội đồng trường và hiệu trưởng. Nơi nào hội đồng trường mạnh, chọn được hiệu trưởng phù hợp, nơi đó phát triển nhanh và ngược lại.

Vấn đề là hiện nay tồn tại 2 hiện trạng: 1) Đã và đang có một số cơ quan chủ quản do vô tình hay cố ý, đang đi ngược lại chính sách, pháp luật và xu thế đất nước; không muốn buông cho cơ sở giáo dục đại học của mình tự chủ; tìm cách này hay cách khác can thiệp vào quyền hạn của hội đồng trường, đi ngược với các chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Động cơ thì khá rõ ràng: để cố níu kéo những đặc quyền vốn đã có từ thời bao cấp.

2) Một số cơ sở giáo dục đại học thì ngại ngùng việc hội đồng trường tự chủ hoàn toàn; quyết định mọi việc thay cơ quan chủ quản; bởi còn lệ thuộc ngân sách và chưa thoát được thói quen bao cấp, trì trệ quá lâu.

Hiện trạng thứ 2 với thời gian, và gặp nhân lực hội đồng trường, hiệu trưởng phù hợp sẽ thay đổi được ngay. Nhưng hiện trạng thứ 1 thì các cơ sở giáo dục đại học không thể tự giải quyết.

Nó phải được giải quyết bằng sự cương quyết của Chính phủ: “dứt khoát cho các trường đại học thoát hẳn cơ chế bộ chủ quản”.

Cơ sở pháp luật và chính sách của Đảng đã đầy đủ, chỉ còn hành động; và hành động trong lúc này là vô cùng quan trọng; vì chậm hành động sẽ đồng nghĩa với kéo lùi chính sách tự chủ, làm phá sản các chủ trương, chính sách, pháp luật rất đúng đắn và kịp thời của Đảng và nhà nước đã vạch ra.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng như không ít trường đại học khác hiện đang có nguy cơ gặp rủi ro vì bị kéo lùi về tư duy của thời bao cấp.

Những thành quả mà tập thể nhà trường đã xây dựng được trong 22 năm qua; và nhất là trong 10 năm đổi mới gần đây với tư cách là đại học công lập tự chủ hoàn toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước, có thể bị hủy hoại.

Nếu cơ quan chủ quản không chịu đổi mới tư duy, vẫn tiếp tục can thiệp sâu vào hoạt động và quyền hạn của hội đồng trường, thì trường này hoặc sẽ trở lại như một đơn vị hành chính-sự nghiệp kiểu cũ (nếu cơ quan chủ quản đủ tài chính để tài trợ nhằm bảo đảm quyền chủ quản của mình); hoặc sẽ đi xuống nhanh chóng và mọi thành tựu đã đạt được sẽ là chuyện của dĩ vãng.

Nhưng đại học này và những đại học giống như thế, nếu có quyết sách cụ thể từ Chính phủ để hội đồng trường tiếp tục độc lập và có quyền lực cao nhất trong trường đại học một cách thực sự khi quyết định mọi vấn đề về nhân sự, tài chính, tài sản và chủ trương lớn theo đúng chủ trương của Đảng và các qui định pháp luật; thì với tốc độ tăng trưởng và thành quả hoạt động như 10 năm qua; trong 1, 2 thập niên nữa giáo dục đại học Việt Nam chắc chắn sẽ có những đại học được xếp vào Top 500 các đại học tinh hoa của thế giới, trở thành niềm tự hào của đất nước.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến