Bách khoa Hà Nội chế tạo container oxy và khí nén y tế hỗ trợ điều trị COVID

30/08/2021 09:00
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhóm nghiên cứu đã vừa nghiên cứu, thiết kế vừa chế tạo để hoàn thành 02 container trong thời gian hơn 03 tuần.

Được biết, vừa qua nhóm nghiên cứu BKPureTech do Phó giáo sư Vũ Đình Tiến - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì đã nghiên cứu container tạo oxy và khí nén y tế di động để hỗ trợ bệnh viện dã chiến thu dung điều trị người bệnh COVID-19.

Để hiểu rõ về container tạo oxy và khí nén y tế di động này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Vũ Đình Tiến.

Phóng viên: Vì sao nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lại quyết định làm Container tạo oxy và khí nén y tế di động để hỗ trợ bệnh viện dã chiến thu dung điều trị người bệnh COVID-19, thưa thầy?

Phó giáo sư Vũ Đình Tiến: Một trong các nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao là do nhu cầu oxy cho điều trị bệnh nhân Covid-19 quá lớn trong khi chuỗi logistic cung ứng oxy lỏng và oxy đóng bình áp suất cao từ các nhà máy khí công nghiệp đến các bệnh viện, trạm y tế và người dân điều trị tại nhà bị thiếu hụt và gián đoạn.

Trong hoàn cảnh này, những người làm nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - một trường đại học Khoa học và công nghệ hàng đầu Việt Nam như chúng tôi, luôn trăn trở và mong muốn có cơ hội để đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng cả nước chống dịch.

Container tạo oxy và khí nén y tế di động với công suất 18 Nm3/h, có thể triển khai nhanh chóng cho hệ thống điều trị nhiều tầng của người bệnh Covid-19, đảm bảo sự chủ động về nguồn oxy cho các bệnh viện dã chiến trong mọi tình huống. (ảnh: NTCC)

Container tạo oxy và khí nén y tế di động với công suất 18 Nm3/h, có thể triển khai nhanh chóng cho hệ thống điều trị nhiều tầng của người bệnh Covid-19, đảm bảo sự chủ động về nguồn oxy cho các bệnh viện dã chiến trong mọi tình huống. (ảnh: NTCC)

Cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nhu cầu từ Bộ Y tế và yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thành lập nhóm nghiên cứu về máy oxy dòng cao.

Trong nhóm nghiên cứu này, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu về việc tạo nguồn khí nén Y tế và Oxy y tế để chạy máy oxy dòng cao. Trong 03 tuần, nhóm nghiên cứu của tôi đã chế tạo thành công trạm khí nén Y tế BKVM-MedAir 1.0 và máy tạo khí oxy BK-O2-01 qui mô 30L/phút. Vừa qua, một số trạm khí nén y tế này đã được chuyển giao và sử dụng tại Bệnh viện Trưng Vương Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương.

Trên cơ sở những kinh nghiệm nghiên cứu về chế tạo máy tạo khí nitơ công nghiệp trước đây và máy tạo oxy ở qui mô nhỏ, nhóm nghiên cứu của tôi đã nhận lời cùng Công ty Cổ phần Novamed Việt Nam nghiên cứu, phát triển Hệ thống tạo oxy và khí nén di động phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế dã chiến. Do hệ thống vận hành hoàn toàn tư động, chỉ cần cung cấp nguồn điện phù hợp là có thể tạo trực tiếp ra oxy và khí nén y tế, nên có thể triển khai dã chiến ở bất cứ địa phương nào có nhu cầu.

Thưa thầy, cơ chế hoạt động của Container này như thế nào?

Phó giáo sư Vũ Đình Tiến: Hệ thống gồm máy nén khí, thiết bị làm khô và lọc, khử chất mùi và chất hữu cơ dễ bay hơi, thiết bị làm giàu oxy…. Thiết bị làm giàu oxy cấu tạo chính là hai cột A và B nhồi đầy vật liệu sàng phân tử Zeolite.

Hai cột làm việc luân phiên với khí cấp và xả vào các cột thông qua hệ thống van điều khiển tự động. (ảnh: NTCC)

Hai cột làm việc luân phiên với khí cấp và xả vào các cột thông qua hệ thống van điều khiển tự động. (ảnh: NTCC)

Thiết bị hoạt động theo chu trình thay đổi áp suất và được điều khiển hoàn toàn tự động, khi đưa khí nén vào tăng áp ở cột A nó sẽ hấp phụ giữ lại Nitơ để thu được Oxy; khi cột A hấp phụ bão hòa Nitơ sẽ chuyển sang cấp khí nén vào tăng áp ở cột B để thu Oxy và đồng thời giảm áp suất ở cột A để xả Nitơ đã hấp phụ ra ngoài và ngược lại. Nhờ đó, thiết bị có thể làm giàu oxy trực tiếp từ không khí lên nồng độ đến 93±3%.

Mỗi hệ thống có thể cung cấp đồng thời oxy và khí nén y tế đủ cho một trạm hồi sức cấp cứu dã chiến đến 20 giường để chạy máy thở, máy oxy dòng cao hoặc cho 60~70 bệnh nhân thở oxy gọng mũi. Đây là hệ thống tạo oxy cỡ lớn đầu tiên hoàn toàn do Việt Nam nghiên cứu, thiết kế và chế tạo.

Sản xuất trong thời gian nhiều địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, vậy nhóm nghiên cứu có gặp khó khăn gì khi tập hợp nguyên vật liệu và tổ chức chế tạo không?

Phó giáo sư Vũ Đình Tiến: Bắt tay vào công việc từ cuối tháng 7/2021, trong hoàn cảnh toàn thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, nhóm nghiên cứu cùng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo đã vượt qua mọi khó khăn trong việc mua sắm vật tư, tuân thủ các qui định về tổ chức sản xuất 3 tại chỗ.

Nhóm nghiên cứu chủ trì bởi Phó giáo sư Vũ Đình Tiến đã thiết kế, tập hợp nguyên vật liệu và tổ chức chế tạo với sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp trong ngành thiết bị, cơ khí để hoàn thành 2 Container di động trên trong 3 tuần (ảnh: NTCC)

Nhóm nghiên cứu chủ trì bởi Phó giáo sư Vũ Đình Tiến đã thiết kế, tập hợp nguyên vật liệu và tổ chức chế tạo với sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp trong ngành thiết bị, cơ khí để hoàn thành 2 Container di động trên trong 3 tuần (ảnh: NTCC)

Mặc dù gặp khó khăn, nhưng nhưng nhóm nghiên cứu đã được Ban Giám hiệu và các đơn vị trong Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tạo mọi điều kiện của; được sự theo dõi và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; được sự đồng hành của Công ty NOVAMED Việt Nam, công ty Cổ phần Cơ điện và Xuất nhập khẩu Toàn Cầu cùng các doanh nghiệp trong việc cung ứng vật tư và gia công cơ khí. Vì vậy nhóm nghiên cứu đã vừa nghiên cứu, thiết kế vừa chế tạo để hoàn thành 02 container trong thời gian hơn 03 tuần.

Hiện nay 2 Container này đã được Vinacontrol kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam và chuyển giao cho đơn vị tài trợ là Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng các doanh nghiệp đồng hành để chuyển vào sử dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Sau khi hết dịch các hệ thống này có thể chuyển giao cho tuyến y tế cơ sở hoặc các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo không có tiếp cận được nguồn oxy công nghiệp nhằm tăng cường chất lượng điều trị bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp.

Nhóm nghiên cứu sẵn sàng hỗ trợ công nghệ để các nơi trong khu vực phía Nam chủ động chế tạo nhiều container di động phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu các thiết kế mới để bổ sung tính năng và tăng công suất thiết bị.

Trân trọng cảm ơn thầy.

Được biết, nhóm nghiên cứu BKPureTech do Phó giáo sư Vũ Đình Tiến - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đai học Bách Khoa Hà Nội - chủ trì đã có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về công nghệ thiết bị tạo khí nitơ bằng chu trình hấp phụ thay đổi áp suất PSA. Các nghiên cứu của nhóm được thực hiện từ 2015 đến nay gồm nhiều kỹ sư, 2 thạc sỹ, 1 tiến sỹ trong đó năm 2017 có 1 sinh viên giải ba nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Vào thời điểm dịch Covid bùng phát với biến chủng Delta tháng 6/2021, sinh viên của nhóm nghiên cứu đã chế tạo áo làm mát BKCoolTech gửi tặng các Bác sỹ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương và Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Thùy Linh (thực hiện)