Bắc Giang ồ ạt bồi dưỡng thăng hạng giáo viên ai sẽ được hưởng lợi?

05/07/2019 07:33
Công Tiến
(GDVN) - Thực hiện theo công văn triệu tập của Sở Nội vụ, nhiều huyện của tỉnh Bắc Giang gửi công văn “hỏa tốc” cử giáo viên đi học bồi dưỡng thăng hạng giáo viên.

Sở Nội vụ Bắc Giang có thực hiện đúng theo kế hoạch của Tỉnh ủy?

Tháng 6/2019, thực hiện công văn số 653/SNV-CCVC ngày 11/6/2019 của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang về việc triệu tập mở lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học  hạng II năm 2019 nhiều huyện trong địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có công văn “hỏa tốc” gửi các trường tiểu học trên địa bàn huyện lập danh sách cử giáo viên đi học.

Sau khi có công văn triệu tập của Sở Nội vụ nhiều huyện trong địa bàn tỉnh Bắc Giang đã “hỏa tốc” gửi các trường tiểu học trên địa bàn và lập danh sách giáo viên theo quy định của Sở và đã thành lập được 02 lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II năm 2019 và đã được khai giảng ngày 15/6/2019.

Nhiều huyện trong địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có công văn “hỏa tốc” triệu tập giáo viên đi học. Ảnh: Công Tiến.
Nhiều huyện trong địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có công văn “hỏa tốc” triệu tập giáo viên đi học. Ảnh: Công Tiến.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trực tiếp tại địa điểm mở lớp bồi dưỡng thăng hạng giáo viên tiểu học của tỉnh Bắc Giang (ở Trung tâm Thương mại - Thể thao Lam Sơn thành phố Bắc Giang) thấy rằng:

Chỉ với thời gian rất ngắn, sau công văn số 653/SNV-CCVC ngày 11/6/2019 Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, Sở đã tập hợp được hàng trăm giáo viên tiểu học đi học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học tới từ rất nhiều huyện trên địa bàn tỉnh.

Câu hỏi đặt ra là không biết Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang có triệu tập quá số lượng học viên theo công văn số 61-KH/TU ký ngày 20/12/2018 về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh ủy Bắc Giang năm 2019.

Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang có triệu tập quá số lượng học viên theo công văn số 61-KH/TU ký ngày 20/12/2018. Ảnh minh họa: Công Tiến
Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang có triệu tập quá số lượng học viên theo công văn số 61-KH/TU ký ngày 20/12/2018. Ảnh minh họa: Công Tiến

Mục bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, mở 3 lớp, với 300 học viên nhưng khi phóng viên ghi nhận tại lớp học ngày 1/7/2019 số lượng học viên của 02 bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, lớp khai giảng tháng 6/2019 cũng tới vài trăm học viên?

Công văn số 61-KH/TU ký ngày 20/12/2018, về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bắc Giang năm 2019. Ảnh: Công Tiến
Công văn số 61-KH/TU ký ngày 20/12/2018, về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bắc Giang năm 2019. Ảnh: Công Tiến

Lớp học thăng hạng có thực sự bổ ích hay có mục đích khác?

Dẫu biết rằng học để thăng hạng, giữ hạng như hiện nay chất lượng ra sao ai cũng biết, người giảng dạy cũng biết, Hiệu trưởng biết, Phòng giáo dục biết, Sở biết… nhưng tại sao vẫn cứ để tình trạng này kéo dài mãi vậy?

Giữ hạng hay thăng hạng là vấn đề mà rất nhiều giáo viên quan tâm, lo lắng dẫu biết rằng để thực hiện điều đó các thầy cô cũng có nhiều trăn trở nhưng vẫn không quản ngại bớt quỹ thời gian nghỉ hè cùng một khoản kinh phí để đi học với một thái độ vui vẻ.

Hiện nay có một thực tế, đón bắt được nhu cầu của giáo viên cần học các loại chứng chỉ cho việc thăng hạng giáo viên, hàng loạt trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, Phòng, Sở Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ… đổ xô, lao vào liên kết, bắt tay nhau, liên tục gửi văn bản về các cơ sở giáo dục mời gọi, chiêu sinh.

Về khoản kinh phí học viên sẽ phải tự túc 100%, để có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học cũng không hề thấp.

Cụ thể, ở lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II tỉnh Bắc Giang, người học sẽ phải đóng 100% kinh phí dù được cơ quan cử đi.

Kỳ lạ bên trong lớp học thăng hạng giáo viên tiểu học ở Bắc Giang
Kỳ lạ bên trong lớp học thăng hạng giáo viên tiểu học ở Bắc Giang

Trung bình mỗi học viên theo học lớp thăng hạng ở Bắc Giang sẽ phải đóng mức học phí quy định là 2,5 triệu đồng cho trường, tiền mua tài liệu 200 nghìn đồng, quỹ lớp cùng một số khoản chi khác.

Như vậy, không kể chi phí ăn uống, xăng xe, nhà trọ… mỗi thầy cô cũng phải bỏ một khoảng tiền của cá nhân từ hơn 3 triệu đồng cho khóa học.

Nhiều giáo viên tham gia lớp học trăn trở về việc mở lớp của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, cũng như các khoản chi phí mà các giáo viên phải đóng nhưng không biết tỏ cùng ai.

Kế hoạch và thực hiện lớp bồi dưỡng có dấu hiệu chưa nghiêm

Theo công văn của tỉnh Bắc Giang, lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học của tỉnh Bắc Giang sẽ do Đại học Sư phạm Huế đảm nhận và lớp đã được Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang khai giảng từ ngày 15/6/2019.

Kế hoạch lớp sẽ học 6 tuần x 5 ngày làm việc/tuần x 8 tiết = 240 tiết (từ ngày 15/6/2019 và kết thúc 30/7/2019) nhưng hiện nay lớp bồi dưỡng không đảm bảo việc giảng dạy liên tục theo như kế hoạch?

Có một điều khiến phóng viên thấy rất lạ đó là: theo như văn bản của tỉnh Bắc Giang thì lớp học sẽ do Trường Đại học Sư phạm Huế đảm nhận nhưng giáo viên đứng lớp ngày 01/7/2019 giới thiệu là giáo viên một Khoa của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội?

Nhiều giáo viên của lớp học trăn trở nhưng không biết bày tỏ cùng ai.

Công Tiến