Ba nhóm giải pháp để tiếp cận xu hướng giáo dục mở ở các trường địa phương

26/04/2018 06:06
Thùy Linh
(GDVN) - Cần tăng cường giao lưu, trao đổi học giả, học sinh sinh viên để đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin...

Hoạt động hợp tác quốc tế của các trường đại học, cao đẳng địa phương những năm trước đây ở tầm vĩ mô đã được được “luật hóa” bởi có sự lãnh đạo đúng đắn trên quan điểm giao lưu, hội nhập và toàn cầu hóa của Đảng và chủ trương thực hiện hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Tuy nhiên, trong hệ thống đại học, cao đẳng địa phương vốn có sự phát triển không đồng đều, nay lại có sự phân cấp các trường cao đẳng (không có sư phạm) thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trở thành những thách thức lớn. 

Từ bức tranh toàn cảnh về giáo dục đại học, cao đẳng địa phương về hội nhập và phát triển, xác định thời cơ và thách thức trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, Thạc sĩ Phạm Văn Luân – Cao đẳng Bến Tre đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực triển khai hoạt động hợp tác quốc tế, thúc đẩy tiếp cận xu hướng giáo dục mở ở các trường đại học, cao đẳng địa phương. 

Thứ nhất, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục

Thạc sĩ Phạm Văn Luân cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần sớm tổ chức một cuộc khảo sát chính thức và quy mô toàn quốc đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động hợp tác quốc tế tại các trường đại học, cao đẳng địa phương.

Từ đó nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục cho các trường với một hệ thống cơ chế, chính sách mềm dẻo, linh hoạt gia tăng tính chủ động hội nhập vào nền giáo dục mở ở các trường đại học, cao đẳng địa phương. 

- Tăng cường gắn kết các hoạt động đối ngoại nhà nước, đối ngoại nhân dân với giao lưu học thuật và hợp tác về giáo dục, nghiên cứu chuyển mạnh tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ thu hút vốn vào xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, phát triển đô thị sang đầu tư vốn phát triển giáo dục và đào tạo, ưu tiên cho giáo dục đại học, cao đẳng địa phương; 

Thạc sĩ Phạm Văn Luân – Cao đẳng Bến Tre đề xuất 3 nhóm giải pháp để tiếp cận xu hướng giáo dục mở ở các trường địa phương (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)
Thạc sĩ Phạm Văn Luân – Cao đẳng Bến Tre đề xuất 3 nhóm giải pháp để tiếp cận xu hướng giáo dục mở ở các trường địa phương (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Cần nghiên cứu mô hình hướng đến tiêu điểm chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với yêu cầu hội nhập và toàn cầu hóa để tiếp cận và vận hành theo nền giáo dục mở từ một hệ thống các đại học, cao đẳng địa phương mạnh để tác động trở lại quá trình thu hút vốn đầu tư xây dựng nhà máy, khu công nghệ cao, phát triển đất nước.

- Nghiên cứu có chiến lược giáo dục đào tạo tiếng nước ngoài cho học sinh từ phổ thông và chuyển đổi mạnh mẽ phong cách, phương pháp dạy học ngoại ngữ theo kiểu chạy theo bằng cấp hiện nay sang dạy – học ngoại ngữ có thực chất. 

Tăng cường giao lưu, trao đổi học giả, học sinh sinh viên để đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông đối với giáo dục và đào tạo; 

Cần xác định đây là hai mũi nhọn để triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế như một mũi nhọn để đến với giáo dục mở

Thứ hai, nhóm giải pháp về mô hình, tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục

- Nghiên cứu đưa ra mô hình mới và có tính ứng dụng cao trong tổ chức và hoạt động của bộ phận làm công tác hợp tác quốc tế ở các trường đại học, cao đẳng địa phương như hình thành các trung tâm, nhóm, câu lạc bộ hữu nghị. 

Ba nhóm giải pháp để tiếp cận xu hướng giáo dục mở ở các trường địa phương ảnh 2Hiệp hội sắp tổ chức hội thảo “Hệ thống giáo dục mở”

Và hợp tác hoạt động trên lĩnh vực hợp tác quốc tế ở các trường đại học, cao đẳng địa phương gắn với vai trò của Liên hiệp các Hội hữu nghị (VUFO), Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tại địa phương để kết nối huy động nguồn lực các trường. 

- Tổ chức công khai, minh bạch hóa công tác xét tuyển, thi cử khi cử cán bộ, học sinh, sinh viên du học và tiếp nhận, bố trí, bảo đảm điều kiện làm việc cho họ khi trở về nước;

Thực hiện xã hội hóa du học, kêu gọi sự tham gia của người học vào các đề án đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước để mở rộng cửa cho người Việt Nam đi học ở nước ngoài đồng thời có cơ chế thuận lợi để phát triển các mô hình đưa người nước ngoài vào tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại Việt Nam.

- Xác lập và khuyến khích các mô hình tình nguyện quốc tế, thực hiện các đề án phát triển cộng đồng gắn với mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục như mô hình Ngày sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Day) của World Bank; mô hình dạy học tiếng Anh của Tổ chức SJ Vietnam (Pháp), của Chương trình Fulbright (Hoa Kỳ)... 

Thứ ba, hợp tác quốc tế đẩy mạnh thực hiện giáo dục mở từ mô hình Chính phủ mở (OGP) 

Thấm nhuần tinh thần và hành động theo OGP, con đường bền vững và nhanh nhất để tương thích với OGP chính là con đường mà trên đó các trường đại học, cao đẳng vận hành theo giáo dục mở để có thể giúp người học hấp thụ một nền giáo dục chất lượng cao.

Ba nhóm giải pháp để tiếp cận xu hướng giáo dục mở ở các trường địa phương ảnh 3“Giáo dục mở” - Từ chủ trương đến thực hiện

Đặc biệt là rèn luyện cho sinh viên khả năng thích ứng môi trường rèn luyện, học tập, nghiên cứu hướng tới đáp ứng nhu cầu xã hội, trở thành thế hệ công dân của một Chính phủ mở, chủ động tạo ra và tìm được việc làm cả trong và ngoài nước. 

- Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các trường đại học lớn và của chính quyền địa phương trong thời hội nhập và toàn cầu hóa thích ứng với chính phủ mở và kiến tạo cần thay đổi từ chỗ là “người truyền lệnh, quản lý, cấp vốn” trở thành người thúc đẩy, hỗ trợ, hướng dẫn quá trình xúc tiến các mối quan hệ, hợp tác quốc tế theo định hướng tiếp cận nền giáo dục mở. 

Cụ thể như đề xuất Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) có chỉ đạo và hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng địa phương xây dựng và thực hiện chương trình hoạt động chuyên đề về hoạt động hợp tác quốc tế trong bối cảnh giáo dục mở - chính phủ mở; thông qua đó xác định cơ chế, nguồn lực, phương hướng hoạt động; kêu gọi sự quan tâm đầu tư tạo ra động lực mới cho trường triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Quan tâm phân bổ, cho phép các trường đại học, cao đẳng địa phương tiếp tục tham gia các Dự án đào tạo, phát triển giáo viên, giảng viên; giao lưu, học tập kinh nghiệm, trao đổi học thuật với các tổ chức, trường đại học, cao đẳng ngoài nước trong đó lấy giáo dục mở là một kênh chính để vận hành, là một tiêu chí để đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục của các trường…

Thùy Linh