Ba lời khuyên của Giáo sư Đặng Văn Ngữ dành cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

13/01/2019 07:02
Vũ Ninh
(GDVN) - Chia sẻ với hơn 1000 em học sinh Trường cấp 3 Đường An Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết: Tôi lên người nhờ làm theo ba lời khuyên của thầy Đặng Văn Ngữ.

Mặc dù thời tiết không ủng hộ nhưng trong suốt hơn 4 tiếng đồng hồ, Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng vẫn say sưa kể "chuyện đông, chuyện tây" với hàng ngàn học trò.

Những câu chuyện của thầy gieo vào trong lòng  giáo viên và học sinh ngôi trường Trung học Phổ thông Đường An (thuộc xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) niềm say mê, hứng khởi.

"Trường Đường An là một trong những ngôi trường đẹp nhất mà tôi đã từng đến"- Giáo sư Nguyễn Lân Dũng mở đầu phần chia sẻ của mình trong khuôn khổ Hội thảo:"Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng say sưa chia sẻ với hơn 1000 em học sinh cùng các thầy cô (Ảnh Vũ Ninh)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng say sưa chia sẻ với hơn 1000 em học sinh cùng các thầy cô (Ảnh Vũ Ninh)

Buổi hội thảo do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Công ty Ajinomo Việt Nam tổ chức.

Hội thảo nhằm mục đích trang bị cho học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước kiến thức cơ bản về cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn lồng ghép nhiều  câu chuyện và bài học ý nghĩa với mong muốn giúp các em trả lời được câu hỏi: "Học để làm gì?".

Trong buổi hội thảo, Giáo sư có chia sẻ ba lời khuyên của Giáo sư Đặng Văn Ngữ: Trước tiên phải học Ngoại ngữ, thứ hai học đại học phải nghiên cứu khoa học, thứ ba dạy đại học phải viết sách giáo khoa.

Giáo sư cũng vô cùng tự hào khi cho biết: "Cả ba lời khuyên của Giáo sư Đặng Văn Ngữ tôi đều làm được".

Ba lời khuyên của Giáo sư Đặng Văn Ngữ dành cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ảnh 2Học sinh tự tin khởi nghiệp sau những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Đặc biệt thầy dành riêng một khoảng thời gian để nói về cách học tiếng Anh và tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ:

"Học tiếng Anh vừa khó lại vừa dễ. Khó để thi và dễ để nói. 

Tôi đã đi 30 nước và tôi thấy tiếng Anh quan trọng vô cùng. Lời khuyên của tôi dành cho các em là phải học tiếng Anh.

Vậy cách học tiếng Anh như nào cho hiệu quả?

Đầu tiên học từ tối thiểu. Các em cố gắng học 1000 từ.

Tại Mỹ người ta gắn một cái chip đeo một cái máy cho trẻ mẫu giáo và sau khi thống kê người ta thấy rằng trẻ em chỉ nói trong giới hạn 1000 từ. Với 1000 từ như vậy các em có thể nói đủ chuyện.

Thứ hai là học theo mẫu câu, tôi đã đến trường, tôi đến trường, tôi sẽ đến trường. Tập trung vào 3 thì đó là hiện tại, quá khứ và tương lai.

Đó là cách học tiếng Anh để nói".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sách cho thầy cô trong trường (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sách cho thầy cô trong trường (Ảnh: Vũ Ninh)

Đi vào nội dung chính của chương trình, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cung cấp những thông tin cơ bản về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua phần hỏi đáp với các em học sinh.

Đồng thời thầy cũng nhấn mạnh: "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn gắn liền với một cuộc cách mạng khác đó chính là cách mạng nông nghiệp 4.0".

Trả lời câu hỏi của nhiều em: Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến thuận lợi cũng như thách thức gì cho vấn đề việc làm sau này?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết cuộc cách mạng này đem đến cả cơ hội cũng như thách thức không hề nhỏ:

"Thế giới đang diễn ra nhiều chuyện mà bản thân tôi cũng không hiểu nổi như công nghệ robot và in 3D.

Hiện nay người ta đang sử dụng robot để thay thế 3 loại công việc đó là công việc nguy hiểm, công việc nặng nhọc và công việc nhàm chán.

Đồng nghĩa với việc các nhà máy sẽ sử dụng máy móc thay cho sức người và sẽ có nhiều công nhân bị mất việc. Đó là thách thức của các em.

Tuy nhiên với các hiệp định chẳng hạn như TPP và xu hướng thế giới ngày càng phẳng hơn các em sẽ có cơ hội làm việc ở những quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu.

Ba lời khuyên của Giáo sư Đặng Văn Ngữ dành cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ảnh 4Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, con nên học gì để không thất nghiệp?

Như vậy có thể nói cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mang đến cơ hội, vừa mang đến thách thức".

Trong suốt buổi nói chuyện, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn lồng ghép nhiều ví dụ minh họa, thống kê chuyên môn và những câu chuyện về nghị lực vươn lên trong cuộc sống của nhiều thanh niên Việt Nam.

Biệt tài kể chuyện vừa hóm hỉnh vừa lôi cuốn cùng cái tâm và sự hào sảng của một con người năm nay đã 81 tuổi lấy đi không ít nước mắt của các em học sinh.

Đó là câu chuyện về nữ sinh Lê Thị Thắm viết chữ bằng chân và ước mơ trở thành sinh viên sư phạm để về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo.

Hay câu chuyện về chàng thanh niên Trịnh Xuân Mười  (Mười Bơ) với sáng kiến có thể thay đổi cả bộ mặt của Tây Nguyên.

Thông qua những câu chuyện này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn gửi gắm đến các em học sinh Trường Trung học Phổ thông Đường An: "Sống khác với tồn tại. Tồn tại là tim bơm máu để nuôi cơ thể. Còn sống phải sống có mục đích, sống có đam mê, sống có hạnh phúc".

Phần giao lưu "hỏi gì đáp nấy" của Giáo sư với các em học sinh (Ảnh: Vũ Ninh)
Phần giao lưu "hỏi gì đáp nấy" của Giáo sư với các em học sinh (Ảnh: Vũ Ninh)

Trời dần về chiều, những cơn mưa lất phất trên mái tóc của thầy và trò cũng không ngăn được niềm hứng khởi và sự say mê qua từng câu nói.

Cả sân trường hơn 1000 học sinh đồng thanh hô to những lời dạy của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng:"Hai điều nên tiết kiệm là sức khỏe và lời hứa. Hai điều nên bảo vệ là danh dự và lẽ phải. Hai điều nên thay đổi đó là bản thân và nhận thức. Hai điều nên lãng quên là đau thương và hận thù..."

Sau cùng giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhắn nhủ:"Để trở thành một công dân ưu tú của thời đại 4.0 các em phải có sức khỏe, vốn ngoại ngữ tốt và giỏi công nghệ thông tin. Sau cùng phải trở thành một con người hạnh phúc".

Buổi hội thảo kết thúc để lại nhiều tâm tư và suy nghĩ dành cho cả thầy và trò Trường Trung học Phổ thông Đường An.

Em Lê Thị Thảo học sinh lớp 12 C chia sẻ: "Buổi hội thảo ngày hôm nay rất vui và ý nghĩa. Những câu chuyện và lời dạy của thầy mang đến cho chúng em rất nhiều bài học bổ ích của như giúp chúng em nhìn nhận lại bản thân. Em đặc biệt thích quan điểm học để trở thành người tự do, được làm những điều mình thích".

Thay mặt nhà trường thầy Vũ Xuân Thỏa Phó Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và đặc biệt là cá nhân Giáo sư Nguyễn Lân Dũng:

"Trường chúng tôi hôm nay rất vinh dự được đón Giáo sư về thăm trường cũng như chia sẻ một chủ đề rất có ý nghĩa đó là chủ đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những chia sẻ và đặc biệt những câu chuyện của thầy không chỉ giúp ích cho các em học sinh mà cũng là để cho chính nhà trường và giáo viên nhìn nhận công tác hướng nghiệp cho các em sau này".

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777,

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Toàn bộ chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Vũ Ninh