Ba lí do lạm phát giấy khen ở bậc phổ thông

20/07/2020 06:40
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh được nâng điểm để có thêm cơ hội đỗ tốt nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát giấy khen ở bậc trung học phổ thông hiện nay.

Thời gian qua, dư luận nói nhiều đến chuyện khen thưởng hàng loạt cho học sinh ở bậc tiểu học, trung học cơ sở - khiến một số em ít ỏi không được khen trở thành cá biệt.

Thế nhưng, bậc trung học phổ thông cũng đang lạm phát giấy khen sau mỗi lần sơ kết học kì hay tổng kết năm học. Vậy, có phải do học sinh ngày càng học giỏi, tiến bộ và chất lượng giáo dục hiện nay được nâng cao hay không?

Là giáo viên đang giảng dạy bậc trung học phổ thông cả hai hệ công lập và tư thục, chúng tôi nhận thấy, có 3 lí do khiến lạm phát giấy khen mà chỉ có người trong cuộc mới tường tận vấn đề.

7 em học sinh lớp 1C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình, được xếp loại tiên tiến xuất sắc trong năm học 2020 vừa qua trên sĩ số lớp 34 học sinh, một ví dụ hiếm hoi không khen thưởng hàng loạt mỗi dịp tổng kết. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: GDVN.

7 em học sinh lớp 1C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình, được xếp loại tiên tiến xuất sắc trong năm học 2020 vừa qua trên sĩ số lớp 34 học sinh, một ví dụ hiếm hoi không khen thưởng hàng loạt mỗi dịp tổng kết. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: GDVN.

Thứ nhất, nhiều học sinh được khen thưởng là do thay đổi trong cách đánh giá (kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì) dẫn đến điểm số thay đổi rõ rệt.

Trước đây, với cột điểm hệ số 1 (điểm miệng, 15 phút), học sinh được gọi lên bảng kiểm tra bài cũ hoặc làm bài viết với thời gian 15 phút.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn, học sinh được gọi lên bảng kiểm tra bài cũ tối thiểu 1 lần và làm bài viết 3 lần/học kì - thì nay các em chủ yếu được đánh giá theo quá trình học.

Cụ thể, học sinh tích cực phát biểu xây dựng bài, hoạt động nhóm tốt, thực hiện một dự án (nhỏ) học tập có hiệu quả… thì điểm số theo đó cũng được cải thiện.

Và học sinh cũng không khó để có từ điểm 7 trở lên vì các em hoạt động theo nhóm, những em học khá giỏi sẽ hỗ trợ cho các bạn trung bình, yếu.

Ngoài ra, học sinh lớp 12 được phép làm bài kiểm tra trắc nghiệm cuối kì (từ 70-80% nội dung) cho các môn Toán, Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, sinh học (môn tự nhiên), Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (môn xã hội); trong khi đó, một phòng được bố trí trên 30 em và 1 giám thị - thì rất khó kiểm soát việc trao đổi bài.

Cuối học kì hoặc năm học, nếu học sinh có điểm trung bình các môn đạt từ 6,5 đến 7,9; không có môn nào dưới 5,0; môn Thể dục được đánh giá Đạt và một trong 2 môn Toán hoặc Ngữ văn phải đạt từ 6,5 trở lên thì được công nhận danh hiệu Học sinh tiên tiến (loại Khá).

Với danh hiệu Học sinh giỏi thì điểm trung bình các môn phải đạt trên 8,0; không có môn nào dưới 6,5; môn Thể dục được đánh giá Đạt và một trong hai môn Toán hoặc Ngữ văn phải đạt trên 8,0.

Dĩ nhiên, học sinh đạt danh hiệu Học sinh tiến tiến hoặc Học sinh giỏi thì hạnh kiểm phải xếp từ loại khá trở lên.

Như thế, học sinh đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến là rất dễ dàng; tương tự với danh hiệu Học sinh giỏi cũng không quá khó khăn.

Thứ hai, nhiều trường thu tiền tài trợ của cha mẹ học sinh (khoảng 20-300 ngàn/năm) để trang bị cơ sở vật chất ở phạm vi lớp học (máy chiếu, âm thanh, quạt máy, rèm che nắng…) và khen thưởng nên hiệu trưởng phải nghĩ cách chi sao cho hết tiền, hài hòa cốt để phụ huynh an lòng, ai cũng vui vẻ khi con em được khen thưởng.

Cùng với đó, đa phần giáo viên chủ nhiệm đều dạy các môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học… và kiêm luôn việc dạy tăng tiết trái buổi hoặc dạy thêm, nên học sinh không khó để đạt điểm trung bình môn từ 6,5 hoặc cao hơn.

Thế là, cuối học kì hoặc cuối năm, nhiều giáo viên chủ nhiệm không hề ngại ngần, vẫn đi xin điểm giáo viên bộ môn để học sinh lớp mình được loại khá, giỏi.

Còn những học sinh không được khen thưởng về học lực khá, giỏi thì sao? Không sao cả! Nhiều em trong số đó vẫn được khen về hoạt động phong trào, văn nghệ, câu lạc bộ hoặc thể dục thể thao.

Có trường thành lập đến hơn 20 câu lạc bộ, trong đó có nhiều môn thể thao, năng khiếu thì số lượng học sinh được khen cho các hoạt động này là không kể hết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết thúc năm học 2019-2020, mặc dù học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19 những 3 tháng, nhưng nhiều trường ở Thành phố Hồ Chí Minh (tuyển sinh đầu vào chưa đầy 15 điểm/3 môn) vẫn có hơn 80% học sinh đạt học lực khá, giỏi.

Điều đáng buồn là, nhiều học sinh khi được khen thì chẳng hề có cảm xúc vui sướng gì, thậm chí bỏ quên giấy khen trong học bàn – không cần mang về nhà.

Thứ ba, kể từ lúc học sinh được cộng 50% rồi đến 30% điểm học bạ (điểm trung bình lớp 12) vào việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (nay là tốt nghiệp trung học phổ thông) thì từ trường công cho đến trường tư đều cho điểm một cách vô tội vạ.

Những trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hay trường có chất lượng học tập thấp, đa phần giáo viên đều ưu ái cho học sinh thêm điểm với tâm lí, để các em rớt tốt nghiệp thì tội và nhà trường cũng mang tiếng.

Ở một số trường tư thục mà người viết biết, việc cho điểm còn tùy tiện hơn, đó là có những học sinh lực học yếu nhưng tổng kết lớp 12 có khi điểm số lại cao hơn em học khá.

Giáo viên chủ nhiệm thường nhẩm tính, nếu học sinh học yếu mà cho các em dưới… 7,0 thì không thể nào đậu tốt nghiệp.

Thế mới có chuyện nực cười, học sinh học yếu, nhưng điểm số trên 7,0 thì phải được khen thưởng về mặt học tập (loại khá).

Vấn đề ở chỗ là, bản thân học sinh được khen sẽ nghĩ gì, bạn bè xung quanh sẽ nhìn em thế nào?

Cuối cùng giáo viên chủ nhiệm “lách luật” bằng cách: để điểm trung bình một môn nào đó ở mức 4,9 hoặc là cả hai môn Toán và Ngữ văn chỉ 6,4 (nhưng vẫn đảm bảo tổng điểm các môn trên 7.0).

Chúng tôi hiểu rằng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dạy lớp 12 ở trường tư thục nếu có một học sinh nào đó rớt tốt nghiệp thì nắm chắc sẽ… thất nghiệp vào năm sau hoặc bị nhà trường làm khó dễ - ví như giảm bớt lớp dạy, giảm lương… - rồi thầy cô cũng bất mãn mà tự xin nghỉ việc.

Bởi học sinh một số trường tư hệ nội trú (ở Thành phố Hồ Chí Minh), có trường mỗi năm đóng học phí khoảng trên dưới 100 triệu đồng – chưa kể các chi phí khác.

Chưa kể, cha mẹ các em thường là những người có điều kiện kinh tế hoặc địa vị xã hội, giả sử con em họ rớt tốt nghiệp thì không biết sẽ ăn nói thế nào với cấp dưới, với thiên hạ.

Xem ra, ngành giáo dục chừng nào còn tồn tại những dối trá như đã phân tích – chưa bàn đến bệnh thành tích – thì tờ giấy khen đôi khi không hơn kém tờ giấy lộn, vẫn là nỗi buồn không hồi kết…

Ánh Dương