Bà giáo 80 tuổi: Sẽ còn dạy tình nguyện đến khi chân chậm, mắt mờ

29/11/2012 06:25
Đỗ Quyên
(GDVN) -15 năm qua đủ để cho bà một niềm tự hào, rằng chính bà đã vượt lên trên bản thân mình để làm được một công việc ý nghĩa, góp phần làm đẹp cho đời. Thế nhưng, bà lại không khỏi trăn trở: “Không ai nói trước được mệnh trời, bà sẽ còn dạy đến khi chậm chậm, mắt mờ. Thế nhưng sau khi bà đi, ai sẽ là người đứng lên dạy lớp học tình nguyện này, các cháu còn đang học dang dở…”.
Lớp học truân chuyên

Bà giáo Hồ Hương Nam sinh ra và lớn lên tại thành phố Huế. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, bà tập kết ra bắc, dạy học ở Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Đến tuổi nghỉ hưu, bà tham gia công tác ở UBND phường Yên Phụ. Cuộc sống của người giáo viên tiểu học quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc. Là CTV dân số, sau 5 năm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, thấu hiểu được từng hoàn cảnh khó khăn của người khuyết tật nên bà luôn tâm niệm sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ họ. 

Khai giảng năm 1997, lớp học tình thương có số phận truân chuyên như chính con người của bà vậy. Ban đầu lớp thuộc trụ sở tuần tra của cụm dân cư, rồi sang nhà văn hóa, nhà trẻ, hiện giờ lớp đang là căn phòng nhỏ tại Trường THCS An Dương. 

Bà giáo Nam xúc động kể chuyện cuộc đời mình, chuyện lớp học. (Ảnh: Đỗ Quyên)
Bà giáo Nam xúc động kể chuyện cuộc đời mình, chuyện lớp học. (Ảnh: Đỗ Quyên)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Thời gian đầu, bà Nam đến từng nhà vận động phụ huynh gửi con em mình vào lớp học tình thương. Bà kiên trì khuyên nhủ rồi giao hẹn với họ, nếu một tháng mà gia đình không thấy cháu tiến bộ, bà sẽ trả cháu về gia đình. Lớp học đầu tiên chỉ có hai cháu mắc chứng bệnh down và khuyết tật vận động. Mất hơn một tháng vận động và mất một tháng dạy dỗ thì bà Nam đã được gia đình yên tâm gửi con cho bà sau khi nhận thấy những chuyển biến rõ rệt trong hành vi, nhận thức của trẻ.

Từ những ngày đầu tiên vất vả cho đến bây giờ là khoảng cách quá xa, bà Nam hồ hởi: Hôm nay lớp có thêm một học sinh mới. Em học sinh này năm nay 8 tuổi, mắc chứng thiểu năng trí tuệ và tự kỷ. Cha mẹ của em đọc bài trên báo và biết được thông tin của lớp học. Thêm một thành viên mới là thêm nhiều niềm vui, nhiều trách nhiệm. Nhưng bà không khỏi buồn rầu: Biết làm sao khi lớp học ngày một đông mà cơ sở vật chất lại nhỏ hẹp. Bà cho biết mình sẽ không thể từ chối bất kỳ một trường hợp nào bởi hoàn cảnh gia đình của họ vốn đang đau đớn, cần sự giúp đỡ mới nhờ cậy đến lớp học. Thế nhưng, bà cũng suy nghĩ rằng mình cần phải nghiêm khắc hơn trong việc lựa chọn học sinh, không thể để lớp học "nháo nhào" hay giảm chất lượng vì thêm người học được. 

Hiện nay cả lớp có 16 học sinh. Các em đều thuộc dạng khuyết tật như trẻ em câm, điếc bẩm sinh, có trẻ em tự kỷ, bệnh down. Trong lớp có 2 cháu đạt thành tích nổi trội: cháu Đỗ Kim Thúy (23 tuổi) bị liệt nửa người viết chữ rất đẹp, cháu Lưu Hồng Dương (30 tuổi, học 14 năm nay tại lớp) đọc được báo một cách trôi chảy. Lớp học 15 năm qua có nhiều học sinh thuộc nhóm khuyết tật khác nhau, lứa tuổi khác nhau, thời gian nhập học khác nhau nên bà thường phân lớp ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoẳng 2 - 3 học sinh để dạy.
Tiếng lành đồn xa

Từ một lớp học chỉ có hai học sinh, “tiếng lành đồn xa” nên đến nay lớp đã có nhiều người được biết đến do tấm lòng nhân ái và phương pháp vừa “dạy” vừa “dỗ” của bà. Bà chia sẻ, gần đây đã có những sinh viên tình nguyện đến chơi và tặng thạch, bim bim cho học sinh trong lớp. Cũng không ít những phụ huynh đến xin cho con học và đưa tiền cho bà, thế nhưng bà đều từ chối. 15 năm qua bà hoàn toàn dạy tình nguyện chính bằng lương hưu còm cõi và số tiền con cái gửi để bà an dưỡng tuổi già. Mỗi thứ 6 hàng tuần bà sẽ phát bim bim cho các các cháu, lúc nào ở lớp cũng có sách vở, bút, đồ dùng học tập đầy đủ.

Lớp học 15 năm qua, dù ngày nắng gắt hay rét căm căm, dù trái gió trở trời, chân tay đau nhức thì cả bà giáo đã già và học sinh khuyết tật đều cố gắng đến lớp, không nghỉ học. Trong khi đó bà còn bị mắc bệnh huyết áp cao, tim to và phong thấp. Bà Hương Nam tâm sự: Con cháu về nhà mà thấy bà đi dạy là yên tâm, vì bà còn khỏe, còn vui chứ nếu như bà nằm ở nhà là chúng biết bà ốm.

Bà giáo Nam đang dạy các cháu tập viết. (Ảnh: Đỗ Quyên)
Bà giáo Nam đang dạy các cháu tập viết. (Ảnh: Đỗ Quyên)

15 năm ghi dấu ấn về sự cố gắng tột bậc của người phụ nữ yêu nghề, yêu người. Bà Hồ Hương Nam chia sẻ, dạy học sinh bình thường cấp tiểu học đã vất vả nhưng dạy học sinh khuyết tật còn vất vả hơn nhiều lần. Để dạy cho các cháu một chữ O cũng phải mất đến 3 tháng. Ban đầu, bà viết chữ O lên bảng đen cho các cháu nhận mặt chữ, sau đó viết lại chữ bằng chì cho các cháu tô lại, cầm tay các cháu tô chữ theo hướng từ trái sang phải rồi mới đến thời gian các cháu tự viết chữ vào vở. Mỗi lúc khó khăn bà luôn tâm niệm lời dạy của Bác "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền" mà cố gắng, vì vậy bà luôn âm ỷ thực hiện từ năm ngày qua năm khác những dự định của mình. Nếu không có sự cố gắng không ngừng nghỉ thì chắc bà đã bỏ cuộc từ lâu rồi.

15 năm bà đã sống trọn cảm xúc của một con người trong một cuộc đời. Đó là những niềm vui, cảm động. “Cái điều quý giá nhất suốt 15 năm bà dạy các em chính là tình cảm, sự yêu thương của chúng”, nói đến đây, bà giáo cười hiền từ hạnh phúc. Bà cho rằng, trẻ con khuyết tật vô tư và hồn nhiên hơn trẻ bình thường khác. Có khi ngay chính ở trong căn nhà mình, khi con cái đã lớn khôn, bà cũng không cảm nhận những tình thương ấy nữa. 

15 năm, không ít lần bà tủi thân, bật khóc vì bị xúc phạm khi phụ huynh nói “cụ già lẩm cẩm”, “bà khùng” vì bà đến thuyết phục gia đình cho các em đến lớp học chữ như người bình thường. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ có tư tưởng sẽ bỏ lớp trong lời tâm sự: “Có lúc buồn, lúc khóc, chán nhưng không bỏ cuộc. Cuộc đời con người có hai chữ T đó là tâm và tiền, tiền chỉ là thứ nhất thời, tâm mới là thứ không bao giờ mất đi".

15 năm “lái đò” không công thì có đến 12 năm bà giáo không có ngày 20/11, thế nhưng bà không hề tủi thân. Ngược lại, trong con người của bà luôn có sẵn sự trân trọng nghề nghiệp cao cả của mình. Bà tâm sự: Ba năm trở lại đây, cứ đến ngày 20/11 thì mỗi em học sinh trong lớp học tình thương đều tặng bà một bông hoa. Bà rất cảm động và hỏi: “Các cháu lấy tiền đâu mà mua hoa?". Khi đó các cháu đều thật thà: “Tiền cháu không ăn quà vặt cháu để giành mua hoa”.

15 năm qua đủ để cho bà một niềm tự hào, rằng chính bà đã vượt lên trên bản thân mình để làm được một công việc ý nghĩa, góp phần làm đẹp cho đời. Thế nhưng, bà lại không khỏi trăn trở: “Không ai nói trước được mệnh trời, bà sẽ còn dạy đến khi chậm chậm, mắt mờ. Thế nhưng sau khi bà đi, ai sẽ là người đứng lên dạy lớp học tình nguyện này, các cháu còn đang học dang dở…”

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

8 điểm yếu của giáo dục Việt Nam

Choáng váng với những ngôn từ "lạ" trong bài hát "Người Việt Nam"

Tâm sự xúc động: Những giáo viên chật vật "chạy ăn" từng bữa

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày 20/11

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Đỗ Quyên