Ba điều được và chưa được của giáo dục Đà Nẵng

08/03/2017 08:23
Tấn Tài
(GDVN) - Đà Nẵng cho học sinh nghỉ hè đủ ba tháng (từ ngày 28/5 đến 5/9) đã tạo hứng khởi rất lớn trong đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Tại hội nghị giao ban cụm thi đua số 9 (5 thành phố trực thuộc trung ương) tại Đà Nẵng ngày 4/3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh đã chỉ ra ba ưu điểm và ba khó khăn của ngành giáo dục địa phương này.

Ba cái được

Theo ông Vĩnh, cái được thứ nhất của giáo dục Đà Nẵng là cho học sinh nghỉ hè đủ ba tháng (bế giảng vào ngày 28/5 và khai giảng chính thức đúng ngày 5/9).

Những năm qua, lịch nghỉ như trên đã tạo ra hứng khởi rất lớn trong đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Đà Nẵng thực hiện mở cổng trường sau giờ học để học sinh và người dân vào đọc sách, vui chơi thể thao. Ảnh: AN
Đà Nẵng thực hiện mở cổng trường sau giờ học để học sinh và người dân vào đọc sách, vui chơi thể thao. Ảnh: AN

“Việc thông báo trước khung lịch này nhằm tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội đi du lịch nhiều nơi, học hỏi thêm nhiều vấn đề.

Còn học sinh thì chủ động hơn trong việc học bổ sung các môn năng khiếu, văn hóa, giải trí…” ông Vĩnh nói.

Cái được thứ hai là chủ trương mở cửa tất cả trường học sau giờ học. Trước đó, tháng 11/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng có văn bản yêu cầu các trường học thực hiện việc mở cổng trường, khu tập luyện thể dục, thể thao sau giờ học để học sinh, nhân dân gần trường đến học tập, vui chơi, giải trí…

 Ba điều được và chưa được của giáo dục Đà Nẵng ảnh 2

Đà Nẵng mở cổng trường sau giờ học để dân vào đọc sách

(GDVN) - Sau giờ học, tất cả các cổng trường ở Đà Nẵng sẽ vẫn mở cửa, sáng đèn để học sinh, người dân vào vui chơi, đọc sách.

Thời gian mở cổng đối với ngày học là từ: 17h đến 21h, đối với ngày nghỉ thì sáng từ 8h-10h30 và chiều từ 14h đến 21h.

Ông Vĩnh cho biết, việc mở cổng trường đã làm cho trường học trở thành một bộ phận trong xã hội, vận hành trong guồng máy chung.

Theo đó, có thể đưa việc dạy thêm học thêm, văn hóa, năng khiếu thể dục thể thao… vào trường học, tạo không khí vừa thân thiện vừa sôi nổi.

“Cái được thứ ba là Sở đã tham mưu để Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành một số đề án quan trọng, tầm chiến lược và dài hơn để chỉnh lại toàn bộ của ngành” ông Vĩnh nói.

Cụ thể như việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đến 2025, tầm nhìn đến 2030, liên lạc đến từng xã phường, quận huyện và các ngành có liên quan vào cuộc.

Phê duyệt đề án phát triển tổng thể giáo dục thể chất từ nay đến 2030, các nhà đa năng, các dụng cụ tập luyện…

Ban hành khung kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các phần mềm, phần cứng của ngành giáo dục với đề án thành phố thông minh.

Ba khó khăn

Ông Vĩnh cũng thừa nhận, ngoài những thành tựu đạt được thì ngành giáo dục Đà Nẵng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

“Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở với tỷ lệ học sinh học nghề (chuyển sang học Trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề) và học chữ (học lên Trung học phổ thông) không đạt kết quả đề ra.

Học sinh vẫn tiếp tục học lên Trung học phổ thông theo hướng học chữ” ông Vĩnh cho hay.

Cái chưa được thứ hai của giáo dục Đà Nẵng là quá trình xã hội hóa các bậc học theo nghị quyết 05 của Quốc hội cũng không thành công.

“Chủ yếu là đạt mức xã hội hóa giáo dục ngoài công lập ở bậc mầm non và bậc đại học.

Đà Nẵng có 4 trường đại học tư thục, còn cấp mầm non thì 80% là ngoài công lập. Còn lại bậc tiểu học, trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì tỷ lệ thấp”.

Ông Vĩnh nói tiếp, khó thứ ba là việc dạy và học ngoại ngữ dù được đầu tư nhiều về kinh phí, trang thiết bị nhưng chuyển biến, cải cách chưa rõ nét.

Ba đề xuất

Tại hội nghị, ông Vĩnh cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo ba vấn đề chính. Trong đó có việc đẩy mạnh hội nghị trực tuyến giữa Bộ và các Sở ngành.

 Ba điều được và chưa được của giáo dục Đà Nẵng ảnh 3

Cải cách, đổi mới giáo dục luôn bị phản ứng lại từ những người hàn lâm

(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định, đào tạo ra những sản phẩm kém chất lượng sẽ dẫn tới đội ngũ nhân lực yếu kém.

Lý do là tổ chức những hội nghị như vậy sẽ tạo điều kiện cho các trưởng phòng, ban, cơ sở giáo dục được tham dự đầy đủ. Không phải tập trung về Hà Nội họp, gây tốn kém mà không phổ quát được hết các đối tượng tham dự.

Kiến nghị thứ hai là những thay đổi gì của Bộ như: thông tư, quy chế, xét tốt nghiệp, đánh giá phân loại học sinh… thì các vụ ngành cố gắng suy xét thật kỹ, để khi công bố vào thời điểm trước năm học.

Còn trong năm học đang diễn ra mà thông báo thay đổi quy chế, thay đổi thông tư, đánh giá  xếp loại thì giáo viên, học sinh và phụ huynh rất khó xoay sở.

“Học kỳ 1 thì đánh giá thế này nhưng sang học kỳ 2 lại đánh giá thế kia, phá vỡ các kế hoạch mà chúng ta dự lượng trong năm” ông Vĩnh nêu thực tế.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ có chủ trương, cơ chế miễn giảm mức học phí ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên tinh thần tỉnh nào có điều kiện trước thì làm trước.

Tấn Tài