“ATM Hạnh phúc" - cách hấp dẫn học sinh của một cô giáo Hà Nội

30/10/2021 06:33
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Là nhà giáo, tôi luôn đặt 2 chữ tâm huyết lên hàng đầu, có tâm huyết ắt sẽ có sáng tạo. Trong giảng dạy, tôi không ngừng phấn đấu, luôn luôn đổi mới vì học sinh.

“Là nhà giáo, tôi luôn đặt 2 chữ tâm huyết lên hàng đầu, có tâm huyết ắt sẽ có sáng tạo. Trong giảng dạy, tôi không ngừng phấn đấu bằng những tâm huyết, nhiệt huyết, luôn luôn đổi mới.

Trong lúc dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, học sinh phải tạm ngừng đến trường, và chuyển sang hình thức học trực tuyến, nhưng qua một thời gian, tôi nhận thấy các con chưa thực sự thích học, kết quả học tập còn hạn chế, nguyên nhân là do thời gian nghỉ học ở nhà quá lâu, không được giao tiếp với thầy cô và bạn bè, ít hoạt động tập thể nên dẫn đến tâm lý buồn chán. Mặt khác, tôi nhận thấy phụ huynh học sinh chưa thực sự thấu hiểu và vào cuộc cùng giáo viên.

Tôi thấy mình cần thay đổi phương pháp linh hoạt trong dạy và học trực tuyến, áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục… Từ những trăn trở đó, tự hỏi mình nên làm gì và có thể làm gì để cải thiện được thực trạng này? Cũng xuất phát từ những mô hình những cây ATM - Gạo; Khẩu trang; Oxy,... Vậy tại sao lại không có 1 cây “ATM – Hạnh phúc”? Và ý tưởng về một cây “ATM - Hạnh phúc” của tôi ra đời từ đó.

“ATM - Hạnh phúc” chính là Website học tập của lớp tôi, được tôi xây dựng trên nền tảng miễn phí của Google sites. Đây là một ứng dụng tiện ích của Google. Cô Nguyễn Phương Thảo – Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Nguyễn Phương Thảo - Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Phương Thảo - Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021. Ảnh: NVCC.

Theo cô Thảo: “Là giáo viên tiểu học, không giỏi về công nghệ thông tin nên trong suốt quá trình xây dựng Website, bản thân tôi đã luôn tự tìm tòi, tự nghiên cứu và học hỏi từ nhiều kênh thông tin, kết nối với bạn bè, đồng nghiệp. Vất vả có. Thất bại có. Buồn nản có. Nhưng sau tất cả tôi đã vượt qua được chính bản thân mình để hoàn thành Website này và chia sẻ với học trò và các thầy cô.

Website học tập này của tôi cải thiện được nhiều điều mà những ứng dụng dạy học trực tuyến thông thường hiện nay chưa làm: Đó là có thể theo dõi trên Web, thấy lượng học sinh và phụ huynh truy cập vào đông hơn.

Học sinh có thể truy cập vào Web này ngoài giờ học, mọi lúc, mọi nơi mà không chỉ bị bó hẹp trong thời lượng của buổi học trực tuyến thông thường. Học sinh vào đó không chỉ là học tập, mà còn tìm thấy mình trên Web, tìm thấy bạn mình trong mọi hoạt động, thấy trường, thấy lớp,… từ đó thêm yêu trường lớp, kính thầy, mến bạn. Học sinh thích học hơn, kết quả học tập của các con được cải thiện rõ rệt.

Trang Web này cũng giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc của phụ huynh học sinh, cha mẹ có thể vào đây để dạy con, để giải tỏa, để đồng hành cùng con trong mọi hoạt động của trường, lớp. Việc này không chỉ hiệu quả trong khoảng thời gian học trực tuyến, mà còn có hiệu quả vô cùng tuyệt vời ngay cả khi học trực tiếp.

Về bản chất, Website học tập này mang đặc thù riêng của từng lớp, nhưng trong quá trình tôi xây dựng cũng có sự lan tỏa của các đồng nghiệp trong tổ khối, trong nhà trường và nhiều thầy cô cũng đã cho ra đời nhiều cây “ATM – hạnh phúc” tương tự, đó là điều đáng mừng.

Các lớp có thể đưa lên đó các hoạt động riêng, rồi có hoạt động chung của trường, đồng thời đây cũng là kho tư liệu khá phong phú như thư viện với nhiều phiếu bài tập, video bài giảng, học sinh, phụ huynh cũng như bạn bè, đồng nghiệp cũng có thể vào tham khảo, học tập, có thể tải ngữ liệu xuống.

Trong thời gian tới, tôi và các đồng nghiệp trong trường sẽ cùng hoàn thiện hơn nữa trang Web này, có thể chia theo từng tổ khối, từng lớp và thậm chí tới từng cá nhân học sinh cùng nhiều hoạt động phong phú khác nữa”.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học trực tuyến. Ảnh: NVCC.
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học trực tuyến. Ảnh: NVCC.

Học mà chơi, chơi mà học

Cô Thảo chia sẻ: “Việc học sinh học trực tuyến thì nhà trường vẫn sử dụng các công cụ như Zoom Meeting,…Tuy nhiên, thời lượng của mỗi tiết học bị hạn chế, với thời lượng như vậy thì giáo viên cũng chỉ chắt lọc, lựa chọn được những kiến thức cơ bản để giảng dạy. Chính vì vậy trang Web của tôi có tính năng bổ trợ cho các con ngoài giờ học trực tuyến chính khóa.

Ngoài giờ học, học sinh có thể vào để xem lại bài giảng, xem các đáp án giải bài tập, có chỗ nào chưa hiểu thì có thể hỏi lại giáo viên, rồi chia sẻ những bài tập mình đã làm, hoặc những thắc mắc,…Đặc biệt có những phiếu bài tập, có những “góc” ở trên Web như “em hãy đọc”, “em luyện chữ đẹp”, “em củng cố kiến thức”,…Hơn nữa, phụ huynh có thể chủ động hơn về thời gian theo dõi việc học của con mình, có thể tải về các phiếu bài tập giúp con, xem kết quả của từng môn học.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc là học sinh vào trang Web để học thì tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ không thành công. Vì thực tế học sinh của chúng ta còn ham chơi, còn nhiều điều thu hút chúng ở đâu đó ngoài giờ học chính mà phụ huynh khó kiểm soát được. Tận dụng từ đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học như vậy, nên những nội dung trên Web đã được tôi cập nhật thường xuyên, luôn luôn làm mới để thu hút các con. Cái gì cần thiết với phụ huynh và học sinh thu hút được học sinh tham gia thì tôi mở rộng và nhân nó lên.

Học sinh học mà chơi, chơi mà học qua các game học tập được tôi thiết kế trên Quizizz, trên Google form biểu mẫu; Xem video hoạt hình mà học sinh thích, đó là những món quà mà tôi dành tặng cho các em, nhưng thực chất là tôi đã khéo léo lồng ghép vào đó những kỹ năng cần thiết muốn giáo dục. Như vậy, học sinh vào trang Web với tâm lý thoải mái là mình đang chơi, đang giải trí mà quên đi là mình đang học. Mọi thứ diễn ra tự nhiên và nhẹ nhàng, không gượng ép.

Một nội dung mà tôi rất tâm đắc đó là: “Hộp + …”. Học sinh của tôi có thể nhìn thấy góc này trên Web nhưng không thể truy cập. Bởi đây là “góc riêng” mà tôi thiết kế dành cho phụ huynh. Thư mục được tôi gắn liên kết driver và để ở chế độ bị hạn chế. Phụ huynh cần đăng nhập bằng tài khoản email riêng thì mới có thể xem nội dung bên trong.

Khi phụ huynh học sinh yêu cầu quyền truy cập vào thư mục này thì tôi biết rằng phụ huynh của tôi đang có những điều cần hỏi, những tâm tư, nguyện vọng cần được chia sẻ. Từ đây, tôi chủ động kết nối với phụ huynh để cùng chia sẻ mọi vấn đề của con, cùng thấu hiểu và cùng hợp tác. Có thể mọi người sẽ cho rằng cách làm này hơi phức tạp. Đơn giản là 1 cuộc điện thoại hay 1 tin nhắn là có thể trao đổi được với phụ huynh. Vậy tại sao tôi phải làm thế?

Điều này cũng vì các con, học sinh của tôi sẽ cảm thấy mình bị “bí mật”, không biết rằng, bố mẹ và thầy cô đang làm gì, nói gì về chúng qua hộp thư đó. Có bí mật nào không thực sự “hay ho” khi ở trường, lớp hay ở nhà mà học sinh không muốn bố mẹ hay thầy cô của mình biết mà lại bị “cất” vào cái hộp này không?... Đây chính là “trợ thủ” đắc lực của tôi và phụ huynh học sinh, qua đó các con đều chăm ngoan và có ý thức hơn”.

Cô Nguyễn Phương Thảo và các em học sinh Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Phương Thảo và các em học sinh Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Thảo nói: “ATM - Hạnh phúc thực sự có giá trị khi nó mang đến cho cảm xúc tích cực cho phụ huynh, cho học sinh và cho chính người giáo viên như tôi. Thay vì vào Web là chỉ thấy công việc, thấy áp lực thì phụ huynh vào đây để được giải tỏa, để nhìn thấy con mình và được “gửi gắm”. Học sinh vào đây để được trải nghiệm với những cuộc chơi thú vị. Đây là nơi mà học sinh luôn cảm thấy mình được an toàn, yêu thương và được tôn trọng.

Đến với trang Web này, chắc chắn thầy cô sẽ nhận được nhiều hơn, đó không chỉ là những ngữ liệu học tập, mà cao hơn cả đó là những giá trị tinh thần từ chính những niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc của mình. Tôi luôn tâm niệm với lời dạy: Nghề dạy học là nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Dạy học sinh những gì mà các con cần

Cô Thảo chia sẻ thêm: “Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, áp dụng việc thay sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 1. Tôi nhận thấy rằng những câu chuyện được học trong Chương trình Tiếng Việt mới có nhiều điều còn khá mới mẻ với các con học sinh.

Vì vậy, trong năm học vừa qua, tôi đã cùng với các con học sinh lớp 1 mà tôi chủ nhiệm xây dựng Kênh YouTube mang tên “Canh Dieu Story Telling Channel”. Kênh là 1 trong số 25 sản phẩm sáng tạo thuộc lĩnh vực phần mềm tin học lọt vào vòng Chung khảo trong Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” trong thanh thiếu niên và nhi đồng thành phố, lần thứ 17 và đã đạt giải 3 cấp thành phố.

Kênh YouTube của chúng tôi đã đưa tất cả các câu chuyện trong chương trình học chuyển thể thành video để làm kho tàng tư liệu phong phú không chỉ trong dạy và học, mà còn là 1 kênh giải trí. Các con thật sự thích thú với trải nghiệm được làm “YouTuber”.

Những “YouTuber nhí” là các con học sinh lớp 1 của tôi như những cánh diều no căng bụng gió, bay cao, bao xa để thỏa sức sáng tạo. Các con đã thành công, và thành công của các con cũng chính là thành công của tôi.

Tôi quan niệm, nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức, mà đó là công việc của người khơi dạy ngọn lửa cho tâm hồn. Dạy học sinh từ những gì mà các con cần, chứ không chỉ dạy những gì giáo viên có”.

Cô Nguyễn Phương Thảo và các em học sinh tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” trong thanh thiếu niên và nhi đồng thành phố, lần thứ 17, cô Thảo và các em đã đạt giải 3 cấp thành phố. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Phương Thảo và các em học sinh tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” trong thanh thiếu niên và nhi đồng thành phố, lần thứ 17, cô Thảo và các em đã đạt giải 3 cấp thành phố. Ảnh: NVCC.

Cô Thảo cho biết: “Bắt đầu từ những buổi đào tạo, tập huấn Công nghệ thông tin của nhà trường chúng tôi cho các giáo viên, được các chuyên gia hướng dẫn, giải thích về chuyển đổi số trong giáo dục, trong dạy học, trong đánh giá,…và chúng tôi đều được tiếp cận về vấn đề mới đó. Đây cũng là cơ hội và động lực để tôi thay đổi mình, không thể đứng một chỗ khi xung quanh thay đổi từng ngày.

Trong thời gian dạy và học trực tuyến, tôi đã vận dụng khá nhiều cách để thu hút học sinh, giúp các con không nhàm chán. Với lối thông thường như khi dạy trực tiếp, nếu bê nguyên nó để dạy trực tuyến thì chắc chắn sẽ không thành công bởi tâm lí chung các con khó chú ý lâu vào một chuyện được.

Ví dụ về việc điểm danh: Không thể gọi từng em hỏi xem đã vào lớp chưa, nhưng với tôi khá đơn giản bởi các con chỉ việc cười thật tươi để cô chụp ảnh, tấm ảnh chụp màn hình điểm danh đầu giờ học đó nếu em nào có mặt thì sẽ được các bạn thả tim, còn em nào chưa vào học thì màn hình đó sẽ tối, chính vì vậy mà các con rất ý thức và vào lớp đúng giờ”.

Tùng Dương